Hàng loạt luật mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2016 hứa hẹn mở rộng đường cho doanh nghiệp (DN), người dân cùng phát triển. Chẳng hạn Luật số 106/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016… Thế nhưng, một số ý kiến cho rằng, quy định là vậy, bên trên đưa ra cực kỳ thông thoáng nhưng cấp dưới siết lại, khiến đối tượng thụ hưởng (người dân, doanh nghiệp) gặp khó.
Trong một số buổi đối thoại giữa các ngành chức năng của thành phố (hải quan, thuế…) với DN diễn ra gần đây, không hiếm DN bày tỏ bức xúc với báo chí, về việc họ bị “hành” chỉ vì những lý do rất nhỏ. Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cũng cho rằng, trường hợp hóa đơn viết tắt hoặc ghi thiếu chữ có thể du di, miễn sao lần sau DN cẩn thận hơn, viết cho đúng, đầy đủ, rõ ràng tên của mình. Thế nhưng, theo DN, giải thích của lãnh đạo cơ quan thuế thì sát sườn, tường minh nhưng không phải lúc nào cũng được cấp dưới răm rắp làm theo. Doanh nghiệp gặp phiền toái cũng chính vì vướng ở đoạn này. Một trường hợp khác bi hài không kém, đó là có DN bị hành thời gian dài, bức xúc, tới trực tiếp gặp lãnh đạo Cục Thuế TP để được tư vấn. Đại diện cục thuế tư vấn gọn gàng, dễ hiểu, quy trình đơn giản. Sau đó, DN đem phần trả lời của lãnh đạo nói lại với cán bộ thuế cấp dưới đã hành mình, vị cán bộ này hỏi xoáy doanh nghiệp: Văn bản trả lời đâu? Tất nhiên, trường hợp trả lời miệng hoặc bằng ghi âm điện thoại đều không được chấp nhận. Tương tự, đối với lĩnh vực hải quan, hiện tượng cán bộ gợi ý thêm phí xử lý nhanh, phí dịch vụ khi thông quan… cũng không phải là trường hợp hiếm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế của đất nước. Ảnh Cao Thăng
Chính các doanh nhân Việt kiều (Mỹ, Đức, Canada…) về thăm quê hương, tìm hiểu môi trường đầu tư tại TPHCM đã tâm sự với phóng viên Báo SGGP rằng, họ không sợ cực khổ, công nghệ lạc hậu, môi trường cạnh tranh, mà họ chỉ lo ngại các cán bộ thực thi luật pháp nước ta, trong đó có lực lượng hải quan, thuế vụ hành mình. Theo các doanh nhân này, dù rằng Nhà nước luôn khẳng định sẵn sàng hỗ trợ DN hết mình, nhưng những “con sâu” nhũng nhiễu vẫn tồn tại đã và đang làm suy giảm sức chiến đấu của DN, làm đất nước chậm tiến.
Thực sự, không thể phủ nhận công lao đóng góp, gác cửa của các lực lượng chuyên ngành, liên ngành trong việc chặn đứng nhiều vụ nhập lậu, buôn bán hàng hóa giả mạo với trị giá khủng trong suốt thời gian qua, mà lực lượng hải quan, thuế có đóng góp không nhỏ để khui ra ánh sáng những vụ tiêu cực này. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây tổn hại uy tín cho các cán bộ liêm chính, trách nhiệm. Vẫn biết “nhân vô thập toàn”, nhưng nếu quyết tâm làm trong sạch bộ máy công quyền, đưa đất nước phát triển thì không thể để tái diễn tình trạng trên thông, dưới tắc như hiện nay. Bởi còn “sâu”, DN, người dân còn chịu nhũng nhiễu, bị đục khoét, yếu mòn. Câu hỏi đặt ra ở đây, ai sẽ là người bắt và dám bắt “sâu”? Có lẽ, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền. Một cánh én không làm nên mùa xuân, một người dám chỉ đích danh những “con sâu”, chỉ đích danh kẻ nhũng nhiễu chắc hẳn không dễ sống yên nếu không có lá chắn bảo vệ kiên định của lực lượng thực thi công quyền.
THI HỒNG