Là thành ngữ hiện đại dùng để chỉ lũ trẻ lêu lổng con nhà Hà Nội vào quãng những năm 1960 của thế kỷ trước. Đám trẻ này phần lớn ít học, con nhà nghèo. Mùa hè về cũng có vài đứa con nhà khá giả đua đòi đi theo chúng. Thường tụ tập nhau ban ngày quanh những con phố trồng nhiều sấu, nhiều me tìm cách trèo cây hái trộm quả.
Ngày ấy, những cây sấu, cây me với lũ trẻ chỉ đơn thuần là cây ăn quả. Con trai, con gái đều thích ăn me, ăn sấu chấm muối ớt. Thế nhưng, me và sấu trong thành phố được các đội nông lâm bảo vệ rất nghiêm ngặt. Mùa thu hoạch có các đội thợ trèo sấu, trèo me chuyên nghiệp mua đấu thầu từng quãng phố dài. Đồ nghề của họ hết sức đơn giản, thủ công. Một cuộn dây thừng lớn vắt vai. Dăm ba chiếc cù nèo tre dài ngoằng. Những chiếc tay nải vải mộc khoác vai. Quần đùi cởi trần. Trèo thoăn thoắt như thời tiền sử. Người mới vào nghề thường buộc dây thừng an toàn vào thắt lưng. Người lâu năm trong nghề ít khi dùng dây bảo hiểm. Thực ra, lúc ấy đã có dây bảo hiểm chế tạo bằng da và có móc sắt rất văn minh. Nhưng dây ấy chỉ có thợ điện, thợ sơn cầu nhà nước được dùng. “Trèo me trèo sấu” là những lao động tự do thời vụ không bao giờ được cấp những công cụ ấy.
Người leo lên cây hái những quả trong tầm tay cho vào tay nải. Đến khi đầy sẽ buộc dây thừng thả xuống đất. Người dưới đất dùng cù nèo móc những quả tầm thấp và thu nhặt quả rụng. Quả sấu thu hoạch được dồn đầy vào những chiếc thúng đại hai người khiêng bỏ lên xe. Gọi là xe cho oai nhưng là xe bánh gỗ hoàn toàn kéo tay. Người kéo quàng dây buộc đoạn lốp xe đạp cho êm vai cầm càng lái xe. Người đẩy phía sau chỉ phải hỗ trợ những khi lên dốc. Chữ “cầm càng” về sau còn được dùng cho những quản ca ở trường học hoặc nhà máy công trường. Chức vụ “cầm càng” do chính những người tham gia đội văn nghệ bầu ra. Tiêu chuẩn để được bầu chỉ cần có chiếc cổ họng thật khỏe.
“Trèo me trèo sấu” của bọn trẻ con hàng phố còn thô sơ hơn nhiều. Dụng cụ chúng mang theo chỉ là chiếc áo may ô cũ loang lổ vết nhựa sấu. Mặc áo may ô bỏ trong quần đùi tạo thành chiếc túi trước bụng. Trên các lùm sấu vào cữ tháng bảy cho đến tháng mười hiếm khi vắng bóng những đứa trẻ leo trèo. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại với cái bụng áo may ô lúc đầy lúc vơi. Vài đứa chạy về nhà lấy muối và ớt bột mang ra. Thế là được một bữa liên hoan vỉa hè rôm rả. Có vài đứa hái được nhiều cứ thế để nguyên sấu trong áo mang ra chợ bán cho các bà hàng rau. Người Hà Nội trong những năm chiến tranh đói khổ coi quả sấu là gia vị chủ lực trong bữa cơm hàng ngày. Sang trọng thì canh sườn, canh thịt băm nấu với sấu thuôn hành răm. Nghèo hơn thì luộc rau muống cho vào nồi dăm ba quả sấu. Rau chín vớt ra dầm sấu vào nước rau. Bớt lại hai quả sấu luộc chín để dầm vào bát nước mắm. Nghèo nữa có thể vặt lá sấu non cho vào nồi luộc rau cũng được một bát nước thơm chua dìu dịu. Quả me vị chua gắt hơn dùng cho các món canh cá, canh cua và bún ốc. Hà Nội không trồng nhiều me lắm. Chỉ một đoạn đầu phố Lê Thái Tổ cạnh hồ Gươm có hàng me gần chục cây. Còn lại rải rác trong các phố Bà Triệu, Quang Trung, hồ Hoàn Kiếm, Ngô Quyền và cuối Lò Đúc… vài cây đơn độc. Cây me cành giòn trèo lên rất nguy hiểm.
Sớm tháng ba phố phường còn lẩn quất sương mù. Thong thả dạo bước trên những con phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo thoảng hương hoa sấu dìu dặt thanh tao. Sau cơn mưa rào đầu mùa, hoa rơi trắng mặt đường như rắc muối. Tháng mười một, tháng chạp gió bấc về trên hàng cây sẫm lá lấp ló bóng dáng những quả sấu chín vàng rực. Lũ trẻ hẹn nhau dậy sớm ra đường tìm nhặt những quả sấu chín rụng đầu tiên trên vỉa hè.
Những cội sấu già nua Hà Nội bây giờ không còn nhiều quả như xưa nữa. Cũng gần như không còn ai mua thầu cả đoạn phố để hái sấu như xưa. Trẻ con giờ mỗi nhà có một hai đứa quý hơn vàng. Chẳng ai lại để “vàng bạc” lang thang “trèo me trèo sấu” nữa. Thế nhưng, thói quen dùng quả sấu trong bữa ăn của người Hà Nội vẫn không có gì đổi khác. Thậm chí còn du nhập thêm vài món cao cấp như vịt om sấu và cua rang me ở những vùng khác đến.
Quả sấu bây giờ cũng không còn là đặc sản mùa hè Hà Nội. Người Hà Nội đã biết cách bảo quản quả sấu xanh trong tủ lạnh có thể dùng được quanh năm. Mùa sấu đến, người ta lên chợ đầu cầu Long Biên mua hàng chục cân về tích trữ. Mùa sấu chín cũng chợ ấy là bạt ngàn vàng rộm thơm tho. Người Hà Nội mua làm quà cho bạn miền Nam mỗi khi có dịp. Quả sấu được khai thác trên các vùng rừng núi Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn đóng bao tải chuyển về đã trở thành món quà Hà Nội cho miền Nam chẳng biết từ lúc nào.
ĐỖ PHẤN