Tréo ngoe nhà tránh bão lũ

Sau 2 năm triển khai việc xây nhà phòng tránh bão, nhiều hộ dân các tỉnh miền Trung đã viết đơn xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ do lo không trả được nợ vay khi xây nhà theo mẫu đúng chuẩn. Ngược lại, 49 gia đình sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bão lũ tại Quảng Ngãi lại lâm cảnh “dở khóc dở cười” vì bị loại khỏi danh sách này, sau khi đã xây xong nhà.
Tréo ngoe nhà tránh bão lũ

Sau 2 năm triển khai việc xây nhà phòng tránh bão, nhiều hộ dân các tỉnh miền Trung đã viết đơn xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ do lo không trả được nợ vay khi xây nhà theo mẫu đúng chuẩn. Ngược lại, 49 gia đình sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bão lũ tại Quảng Ngãi lại lâm cảnh “dở khóc dở cười” vì bị loại khỏi danh sách này, sau khi đã xây xong nhà.

Ngại mắc nợ

Đối với người dân sống tại các vùng thường xuyên bị bão lũ ở miền Trung, chuyện xây nhà chống bão lũ được quan tâm hơn cả. Song sau 2 năm triển khai Quyết định 48/2014/QĐ-TTg ngày 28-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 48) về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung thì nhiều hộ dân ở đây dù được bình chọn kỹ lưỡng theo các tiêu chí hướng dẫn, nay lại làm đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ từ chính sách này.

Ông Mai Văn Châu ở vùng tâm bão, còn bà Phan Thị Tấn ở vùng rốn lũ (đều thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chia sẻ: “Quá khổ vì bão lũ rồi, nên chúng tôi rất phấn khởi khi có chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt. Việc chi cũng không bằng có mô hình nhà kiên cố để có thể sống chung với bão, lũ. Nhưng Quyết định 48 quy định chỉ có 3 mức áp dụng cho hộ nghèo là 12 triệu đồng (cư trú tại thôn trung bình), 14 triệu đồng (cư trú tại thôn khó khăn) và 16 triệu đồng (cư trú tại thôn đặc biệt khó khăn) thì không thể kham nổi”. Ông Châu nhẩm tính: “Xây nhà tránh bão, lũ theo mẫu thiết kế chung của Sở Xây dựng phải có móng, khung, sàn, mái… tương đương kết cấu nhà ở xây kiên cố hoặc cải tạo, nâng tầng nhà ở hiện có, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; làm sàn tối thiểu 10m2 tốn ít nhất 50 triệu đồng. Trong khi tiền hỗ trợ chỉ có 29 triệu đồng (tính cả vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 3%/năm, tối đa sau 5 năm phải trả nợ mỗi năm tối thiểu 20% tổng số vốn đã vay - PV). Chúng tôi đều thuộc diện hộ nghèo, chạy ăn từng bữa, xây nhà rồi ôm cục nợ thì…”. Ông Châu bỏ lửng hồi lâu rồi nói tiếp: “Tôi đành ngậm ngùi viết đơn xin cho ra khỏi danh sách nhận hỗ trợ rồi chú à!”.

Nhiều hộ dân vùng thấp miền Trung được hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão,lụt nhưng lo không đủ khả năng trả nợ ngân hàng

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Lê Tân Mỹ, Phó phòng Công thương huyện Phú Lộc, cho biết đến tháng 8-2016, đã có 159/279 hộ nộp đơn xin rút khỏi danh sách đã được UBND tỉnh phê duyệt về việc hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 48. “Không ai dám vay thêm vốn để xây nhà theo mẫu thiết kế chung vì lo không có khả năng trả được nợ. Đây là rào cản lớn nhất mỗi khi người dân nghĩ đến việc xây nhà tránh bão, lũ. Nhà nước cần tháo gỡ nút thắt này cho dân”, ông Mỹ kiến nghị.

Cần linh hoạt thực hiện

Trong khi đó, 49 hộ dân sống trong vùng tâm bão, lũ thuộc 2 xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) dù xóm, thôn và chính quyền địa phương đã bình chọn qua nhiều vòng để đưa vào danh sách hỗ trợ theo Quyết định 48, nay lại không được giải ngân, đã lâm vào cảnh điêu đứng nợ nần. Ông Đào Thành Công, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết theo Quyết định 48 thì các hộ được lựa chọn phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: hộ nghèo, nhà ngập sâu trong lũ 1,5m trở lên và không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/3013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng. Song do xã hiểu sai nên ban đầu đã lựa chọn các hộ chỉ đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí. Đọc kỹ hướng dẫn và rà soát lại thì trong số 28 hộ địa phương đã lập danh sách, chỉ có 4 hộ đáp ứng đã được giải ngân. Những hộ còn lại dù đã cố gắng vay mượn tiền để làm xong nhà tránh bão, lũ nhưng không được hỗ trợ. “Đây là lỗi của chính quyền. Nhưng phải nói rằng, các hộ bị đưa ra khỏi danh sách đều thuộc diện hộ cận nghèo hoặc vừa thoát nghèo ở những vùng khó khăn. Để sửa sai, chúng tôi đã có văn bản trình cấp trên xem xét để đưa các hộ này trở lại danh sách được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 48. Bên cạnh đó, địa phương cũng tạo mọi điều kiện cho các hộ này vay vốn kinh doanh, sản xuất với lãi suất thấp để sớm ổn định cuộc sống”, ông Công phân trần.

Theo kế hoạch, chương trình hỗ trợ theo Quyết định 48 sẽ kết thúc vào cuối năm 2016, nhưng hiện Thừa Thiên - Huế chỉ thực hiện được khoảng 45% so với đề án là 1.700 hộ (968 nhà ở xây dựng mới; 680 nhà ở cải tạo, sửa chữa). Còn tại Quảng Trị cũng chỉ đạt con số dưới 50% trong tổng số hơn 3.200 hộ được xét duyệt. Các tỉnh còn tại khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung cũng mới đạt trên dưới 50% tiến độ. Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng cùng với những hộ xin rút ra khỏi danh sách đã được phê duyệt, tiến độ triển khai chương trình còn gặp “eo” do vấn đề vốn. Bộ Tài chính mới tạm cấp vốn cho năm 2014 và 2015 với số tiền khoảng 32 tỷ đồng, đạt 60% tổng số vốn chương trình. Trong khi thời gian từ đây đến mùa mưa bão năm 2016 không còn nhiều, đồng nghĩa với chương trình này sẽ khó hoàn thành như kế hoạch.

Ngoài việc khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đối ứng, người dân cũng gặp khó khăn do chính quyền cơ sở chưa phát huy hết vai trò của mình. Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, cho rằng mẫu nhà của đơn vị ban hành chỉ mang tính tham khảo vì còn phải tính đến điều kiện đặc thù, thời tiết, tập quán sinh hoạt để xây dựng nhà chứ không rập khuôn thực hiện đúng nguyên mẫu. Có thể tham khảo ở các địa bàn tương đồng về địa lý, vùng miền, tôn trọng tập quán sinh hoạt của người dân mà các địa phương chủ động xây dựng nhà ở cho phù hợp.

VĂN THẮNG - LAN NGỌC - ĐẮC THÀNH

Tin cùng chuyên mục