Quân dân y kết hợp chăm sóc sức khỏe người dân
Dự án Kết hợp quân dân y (Dự án 7) là một trong tám dự án của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Kết hợp quân dân y là một đặc thù của y tế Việt Nam, khẳng định vai trò trong thực tiễn, nhất là ở khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Lực lượng quân y bộ đội có mạng lưới y tế cơ sở ở 44 tỉnh/thành với 435 xã/phường, thị trấn biên giới và gần 600 xã/phường, thị trấn ven biển và đảo nhiều năm qua đã phối hợp với y tế địa phương làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện dự án quân dân y cấp bộ thuộc Chương trình MTYT-DS giai đoạn 2016 – 2020, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, qua ba năm triển khai dự án, Việt Nam đã có bước đầu thành công ở một số mô hình về sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên giúp đỡ bệnh viện tuyến dưới, mô hình tổ chức trung tâm y tế quân dân y (2 chức năng) tại huyện đảo, mô hình tổ chức, đào tạo các đội cấp cứu thảm họa (EMT) chuẩn khu vực ASEAN…
Về mô hình hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên với Viện Y học Hải quân, BSCK2 Dương Văn Thiên, Phó Chủ nhiệm Quân y Quân chủng Hải quân cho biết, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức đào tạo/chuyển giao 65 gói kỹ thuật thiết yếu và chuyên sâu thuộc 29 chuyên ngành cho 190 cán bộ, nhân viên quân y của 38 đơn vị trong Quân chủng, góp phần tích cực cho việc phát triển chuyên môn kỹ thuật cho ngành quân y Hải quân.
Viện Y học Hải quân đã tham gia hệ thống trực tuyến cùng Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 7-2016 và đã triển khai thành công 67 buổi hội chẩn, đào tạo trực tuyến thuộc 18 chuyên ngành cho 802 lượt bác sĩ Viện Y học Hải quân nhằm chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh với trên 250 ca bệnh phức tạp.
Một mô hình kết hợp quân dân y cũng khá thành công là tại Trung tâm y tế Quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ. TS.BSCK2 Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, Trưởng Ban Quân dân y cho hay, sau hai năm thành lập, trung tâm đã khám cho hơn 11 nghìn lượt bệnh nhân. Trung tâm đã cấp cứu nhiều ca bệnh nặng và khó như chửa ngoài tử cung vỡ, thủng dạ dày, vết thương thấu tạng, thoát vị bẹn nghẹt, đa vết thương nghi do cá mập cắn, viêm ruột thừa cấp, vết thương đứt rời cẳng chân.
“Trung tâm đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như gây tê tủy sống, gây tê đám rối thần kinh trong mổ cấp cứu, cơ bản bảo đảm mổ trung phẫu an toàn. Một ngân hàng máu sống tại huyện đảo với 45 tình nguyện viên, trong đó có 20 người mang nhóm máu O sẵn sàng hiến máu cứu người. Hệ thống hỗ trợ y tế từ xa từ Viện Y học biển, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã kịp thời hội chẩn thành công, mổ cấp cứu an toàn 9 trường hợp. Đội cấp cứu cơ động luôn sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, tham gia cứu nạn, cứu hộ trên biển”, BS Thu cho hay.
Phát huy sức mạnh của việc kết hợp quân dân y
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, Phó Trưởng ban Quân dân y cấp Bộ nhấn mạnh, qua ba năm triển khai, dự án có nhiều thuận lợi về kinh nghiệm triển khai trên toàn quốc của hệ thống cán bộ quân dân y, về tổ chức hệ thống cũng như sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự nhiệt tình của cán bộ quân dân y trong việc triển khai nhiệm vụ, sự phối hợp tham mưu có hiệu quả của các cơ quan chức năng thuộc hai bộ gồm Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án cũng gặp phải nhiều khó khăn như về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, diễn biến thiên tai phức tạp, khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước hạn chế. Do vậy đã có những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Hiện nay, khả năng đáp ứng của ngành y tế với các tình huống khẩn cấp khu vực biên giới, hải đảo vẫn còn hạn chế do nhiều cơ sở y tế xuống cấp, trang thiết bị cũ, lạc hậu, không đồng bộ; việc đào tạo cập nhật kiến thức đối với cán bộ, nhân viên y tế chưa đầy đủ.
BS Phạm Thu Xanh cho biết, ngành y tế vẫn áp dụng bộ tiêu chí y tế trong đất liền, chưa có bộ tiêu chí đặc thù cho y tế vùng biển đảo nên khó khăn trong việc tổ chức hoạt động, thanh quyết toán BHYT đối tượng dân y và quân y, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, thiên tai, thảm họa… Bên cạnh đó, ngành y tế cũng cần ban hành một số cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ y tế nhằm thu hút nhân lực có trình độ cao gắn bó lâu dài với đảo.
Thượng tá, BS Nguyễn Văn Thu, Phó Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay, khi chuyển hình thức bảo đảm quân y từ bao cấp quân đội sang khám chữa bệnh BHYT, tuyến bệnh xá các tỉnh/thành biên phòng hầu như đứng ngoài, do thẻ khám chữa bệnh, tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm không do ngành quân y quản lý và điều phối. Việc sử dụng thuốc BHYT của bộ đội để khám chữa bệnh giúp dân không được thanh quyết toán.
Dự án quân dân y đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng cấp 30% phòng khám quân dân y khu vực biên giới, hải đảo; thành lập 50% bệnh xá quân dân y; 100% trạm y tế xác xã đảo động lập; 100% các huyện đảo có phòng mổ trang bị đồng bộ, có thể kết nối mạng; trang bị đồng bộ cho hai đội cơ động phòng chống sinh học, một đội cơ động cấp cứu nhiễm xạ; hỗ trợ 10 tỉnh trọng điểm về quốc phòng an ninh; đào tạo liên tục cho trên hai nghìn quân y sỹ và tổ chức khám, chữa bệnh kết hợp dân vận.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, để đạt các mục tiêu dự án đề ra, các cơ sở y tế cần tiếp tục phối hợp với Cục Quân y và các đơn vị quân y tập trung thống nhất giải quyết những khó khăn, bất cập. Đồng thời, cần phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, góp phần xây dựng tiềm lực y tế - quốc phòng, sẵn sàng đáp ứng khi có các tình huống cần thiết.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng thông tin thêm, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2018/NĐ-CP ngày 12-9-2018. Đây sẽ là nội dung đánh dấu bước tiến quan trọng của công tác kết hợp quân dân y, trong lịch sử hình thành và phát triển của chương trình.