Số người bị ngộ độc tăng gần 300%, yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguy cơ mất ATTP

Trong quý 1-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 2-4, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế các tỉnh thành trong cả nước, Sở ATTP TPHCM, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh về triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

22.jpg
Một vụ ngộ độc tập thể làm nhiều người phải nhập viện điều trị ở tỉnh Khánh Hòa

Theo đó, Cục ATTP chỉ rõ, thời gian qua, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc làm nhiều người phải nhập viện điều trị. Riêng trong tháng 3-2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Còn tính chung trong quý 1-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.

Để bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.

Trong đó cần chú ý ngộ độc nấm độc vào mùa Xuân Hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh thành miền núi phía Bắc và Tây Nguyên); chú ý ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như: cá nóc, ốc biển lạ (các tỉnh thành ven biển).

3.jpg.webp
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra ATTP

Đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, giám sát ATTP với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở không bảo đảm ATTP và công khai các hành vi vi phạm để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Cùng với đó, các địa phương và đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về kiến thức ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, trong đó cần chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm ATTP; chỉ sử dụng các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Tin cùng chuyên mục