Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua:

Triển khai ngay lộ trình hạn chế xe cá nhân

Triển khai ngay lộ trình hạn chế xe cá nhân

Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2005-2010 là một nội dung được UBND TP trình HĐND TP trong kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa VII, sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21-7-2005. Đây là việc phải làm nhằm lập lại trật tự giao thông đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững cho một đô thị có quy mô lớn nhất nước. Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng vào ngày 17-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua cho biết:

Thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ Công an TPHCM cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày có thêm 100 xe ô tô và 590 xe gắn máy đăng ký mới. Với tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân như vậy, nếu UBND TP không có ngay các giải pháp nhằm hạn chế sự phát triển, chẳng bao lâu nữa người dân thành phố “chẳng còn đường mà đi”.

Triển khai ngay lộ trình hạn chế xe cá nhân ảnh 1

Lượng khách đi xe buýt ở TPHCM ngày càng đông.(Ảnh chụp ngày 17-7 tại Trung tâm xe buýt Sài Gòn).

Trong điều kiện đường ở thành phố hầu hết là nhỏ, chỉ có khoảng 14% đường rộng trên 12m, 51% đường rộng 7-12m và 35% đường rộng chưa đến 7m, diện tích đường giao thông chưa tới 1km/1.000 dân, việc hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân là việc cần làm ngay.

- PV:
Hạn chế xe cá nhân trong bối cảnh vận tải hành khách công cộng của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân…liệu có khả thi?

- Phó Chủ tịch NGUYỄN VĂN ĐUA: Đúng là hiện nay vận tải công cộng của thành phố còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh và ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của xe buýt song hiện nay chúng ta cũng không thể né tránh việc hạn chế xe cá nhân.

Bởi lẽ diện tích đường của thành phố thì có hạn, nếu cứ để cả 2 loại phương tiện này cùng gia tăng số lượng thì không còn đường đi. Do vậy, muốn phát triển cái này thì bắt buộc phải hạn chế cái khác. Cân nhắc từ thực tế trên, UBND TP đã quyết định trình HĐND TP đề án hạn chế xe cá nhân. Các bước đi trong đề án này sẽ được thực hiện theo một lộ trình hợp lý trên nguyên tắc không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Trước mắt, vận tải công cộng sẽ ưu tiên phục vụ cho những đối tượng có hành trình đi lại ổn định, giảm dần việc sử dụng phương tiện cá nhân trong nhóm này rồi dần dần mở rộng ra. Đối tượng sẽ được ưu tiên phục vụ trước nhất là công nhân và học sinh, sinh viên.

Học sinh đi học bằng xe đưa đón sẽ được thành phố hỗ trợ 50% giá vé, công nhân 30%, sinh viên đi học bằng xe buýt sẽ có chế độ vé tháng giảm khoảng 30% so với giá vé lẻ. Trợ giá một phần cho xe buýt đi đến các địa phương giáp ranh.

Các phương tiện cá nhân sẽ được tính toán giảm dần theo hướng: đối với xe mô tô, gắn máy 2 bánh vẫn tiếp tục thực hiện quy định mỗi người chỉ được đứng tên đăng ký 1 xe, đồng thời người chủ xe phải có giấy lái xe, có giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hộ khẩu thường trú tại TPHCM; đối với xe ô tô con: mỗi gia đình chỉ được đăng ký 1 xe khi gia đình có hộ khẩu ở TPHCM, đã có chỗ để xe và được chính quyền địa phương xác định bằng văn bản, người đứng tên đăng ký có giấy phép lái xe.

Sắp tới cũng sẽ dứt khoát cấm học sinh đi xe gắn máy trên 50 phân khối theo đúng quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Thành phố cũng sẽ quy hoạch một số khu vực không cho xe gắn máy lưu thông và tổ chức thành những phố đi bộ; dành làn ưu tiên và dành riêng cho xe buýt trên một số con đường lớn của thành phố.

Triển khai ngay lộ trình hạn chế xe cá nhân ảnh 2

Bùng nổ xe gắn máy cá nhân đã làm ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường TPHCM.

- Thành phố cũng đã từng nói đến việc cấm học sinh đi xe phân khối lớn nhưng học sinh vẫn cứ đi loại xe này, hạn chế đăng ký xe gắn máy 2 bánh nhưng xe gắn máy vẫn cứ tăng thêm, trợ 50% giá đưa đón học sinh nhưng lượng học sinh đi học bằng xe công cộng không cao… Theo ông, đó là vì nguyên nhân gì?

- Để thay đổi thói quen của một cộng đồng thì cần có thời gian và những giải pháp đồng bộ. Sắp tới thành phố sẽ thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ hàng loạt các biện pháp giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của nhà nước và vận động họ chung tay cùng với thành phố giải quyết vấn nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường.

Đi đôi với việc này, UBND TP cũng sẽ chỉ đạo Công an TPHCM tăng cường, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định này. Đặc biệt, sẽ có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân trong việc thực hiện đề án này. Ví dụ: việc giám sát học sinh đi học bằng xe phân khối lớn sẽ được xác định là trách nhiệm của hiệu trưởng các trường học.

- Công nhân là đối tượng có thu nhập tương đối thấp ở TPHCM. Thời gian qua, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP đã đến nhiều nhà máy, xí nghiệp để vận động công nhân đi làm bằng xe buýt, nhưng chưa thành công. Đề án lần này lại tiếp tục xác định công nhân là đối tượng đầu tiên khuyến khích đi xe buýt. Điều này có hợp lý hay không?

- Công nhân được chọn làm đối tượng ưu tiên phục vụ bằng xe buýt bởi đây là nhóm người đông, lại làm việc tập trung nên rất dễ tổ chức xe đưa đón. Hơn nữa, đề án đưa đón công nhân đi làm lần này có khác với trước, đó là: Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% giá vé nhưng các doanh nghiệp, nơi có các công nhân này làm việc sẽ được yêu cầu hỗ trợ thêm 30% nữa và công nhân chỉ phải trả khoảng 40%.

Vừa qua Sở Giao thông Công chính đã ký cam kết cùng thực hiện việc này với Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM.

- Còn các đối tượng khác thì sao?

- TPHCM chủ trương vận động mọi người sử dụng xe buýt để đi lại.

- Cám ơn ông. 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục