Triển vọng giá dầu thế giới

Giới đầu tư trên thị trường dầu mỏ thế giới rất quan tâm đến cuộc họp diễn ra ngày 4-1 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+. Đây là cuộc họp đầu tiên trong năm nay, cũng là cuộc họp đưa ra chính sách về việc duy trì hay tăng sản lượng dầu trong tháng 2 tới. 

Thị trường duy trì mức tăng 

Năm 2021 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh của giá dầu trên thị trường toàn cầu, đảo ngược đà giảm của những năm trước đó. Sau khi giao dịch ở mức 85 USD/thùng vào cuối tháng 10-2021, giá dầu Brent đã giảm mạnh xuống còn 69 USD/thùng vào đầu tháng 12-2021. Tuy nhiên, giá dầu này đã phục hồi sau đó và hiện giao dịch trên mức 70 USD/thùng.

Công ty dầu Saudi Aramco của Saudi Arabia
Trước thềm cuộc họp của OPEC+, giá dầu giao dịch trên thị trường thế giới đều ghi nhận các mức tăng. Giá dầu WTI giao tháng 2 tăng gần 1%, lên 76,08 USD/thùng trên sàn giao dịch New York. Giá dầu Brent giao tháng 3 tăng gần 1%, lên 79,31 USD/thùng trên sàn giao dịch London. 

OPEC+ đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với thị trường dầu mỏ khá nhẹ và mang tính tạm thời, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 ở mức 4,2 triệu thùng/ngày. Trước đó, tại cuộc họp ngày 2-12, OPEC+ thống nhất tiếp tục kế hoạch tăng 400.000 thùng/ngày trong tháng 1-2022, bất chấp những lo ngại biến thể Omicron và việc Mỹ giải phóng kho dự trữ dầu thô có thể sẽ đẩy giá dầu đi xuống. 

Nhà phân tích dầu mỏ Kuwait Mohammed Al-Shatti đánh giá, bất chấp sự lây lan nhanh do biến thể Omicron, niềm tin của thị trường dầu mỏ gần đây đã được cải thiện vì hầu hết các chính phủ trên thế giới dường như có xu hướng bảo vệ nền kinh tế của họ bằng cách áp đặt các hạn chế đi lại linh hoạt thay vì các biện pháp đóng cửa hoàn toàn. Tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu tiềm tàng có thể sẽ hỗ trợ phần nào cho giá dầu, tương tự như trường hợp bất khả kháng làm gián đoạn hoạt động của các cảng dầu Al-Zawiya và Mellitah ở Libya và tình trạng mưa lớn ở Ecuador dẫn đến việc đóng cửa một số cơ sở khai thác dầu mỏ của nước này. 

Hợp tác liên minh chặt chẽ 

Tập đoàn JP Morgan từng dự báo giá dầu có thể lên tới 125 USD/thùng. Tuy nhiên, đánh giá về thị trường dầu mỏ, phía Nga lại cho rằng giá dầu khó có thể thay đổi đáng kể trong năm 2022 vì đến cuối năm sau, dự kiến nhu cầu mới phục hồi về mức trước đại dịch. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhận định, còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của việc thay đổi các thông số trong thỏa thuận sản lượng dầu giữa OPEC và các nhà sản xuất ngoài OPEC. Hiện cả Saudi Arabia, lãnh đạo không chính thức của OPEC và Nga, nước đứng đầu nhóm sản xuất dầu ngoài OPEC, đều ủng hộ liên minh OPEC+ tiếp tục duy trì chính sách tăng sản lượng hiện tại.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi OPEC+ tăng mạnh sản lượng khi giá xăng dầu tại nước này tăng vọt, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong hơn 30 năm vào tháng 11 vừa qua. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi cuối tháng 11 đã quyết định sẽ xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược nhằm tăng nguồn cung cho thị trường sau khi OPEC+ từ chối lời kêu gọi bơm thêm nguồn cung.

Trong khi đó, Tổng Thư ký sắp tới của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham Al-Ghais tuyên bố, ưu tiên chính của ông sẽ là duy trì thỏa thuận giữa tổ chức dầu mỏ này với Nga và các nhà sản xuất dầu liên minh khác. Trả lời phỏng vấn sau khi được OPEC bổ nhiệm giữ cương vị Tổng Thư ký mới kể từ ngày 1-8-2022, ông Al-Ghais cho rằng điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả 23 quốc gia đã tham gia ký kết thỏa thuận nói riêng cũng như toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ nói chung.

Theo đánh giá, liên minh OPEC+ đã giúp ổn định thị trường “vàng đen” toàn cầu kể từ năm 2017. Đáng chú ý, thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của OPEC+ hồi tháng 4-2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, là nhân tố quan trọng giúp kéo giá dầu lên.

Tin cùng chuyên mục