(SGGPO).- Chiều 11-10, theo Bản tin dự báo diễn biến thủy triều ngày 11-10 của Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ, mực nước đỉnh triều thực đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn và trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền đã giảm so với ngày trước đó là 1,63m (ngày 10-10: 1,68m).
Cụ thể, mực nước đỉnh triều đo được tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đo được vào lúc 18 giờ là 1,62 m, trong khi đó, mức đỉnh triều đo được tại trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền vào lúc 18 giờ là 1,63m, mặt dù triều cường giảm so với ngày trước đó nhưng vẫn gây ngập nhiều nơi. Tối 11-10, nhiều khu vực trũng thấp của các quận 7, quận 8, quận Bình Thạnh... tiếp tục bị ngập sâu trong nước. Nhiều tuyến đường bị ngập từ 0,5 đến 1m như Huỳnh Tấn Phát, Phú Thuận (quận 7); khu Nam Long, đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9); đường Phú Định, Trương Đình Hội (quận 8); đường An Dương Vương thuộc Quận 6 và Bình Tân...
Đường Lương Định Của,quận 2 ngập sâu do triều cường tối 11-2. Ảnh: Cao Thăng.
Theo nhiều người dân ở các khu vực này, nước triều lên cao liên tục trong 2-3 ngày qua nên nhiều sinh hoạt, đi lại của người dân bị xáo trộn. Nhiều nhà dân dọc các tuyến đường bị ngập liên tục phải sử dụng bao cát, ván gỗ để chắn trước cửa.
Tại các phường Hiệp Bình Chánh, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, vào khoảng 17 giờ, ngày 11-10, nước ngập lênh láng cả khu vườn mai. Vật dụng trong nhà người đều chìm trong nước. Bà con tại đây lo lắng hàng ngàn chậu mai, cây hoa kiểng có nguy cơ bị chết vì nước tràn vào làm thối gốc. Thủ Đức hiện có hơn 45km bờ bao, nhưng việc gia cố còn quá chậm nên bờ bao ở những nhánh sông nhỏ có nguy cơ bị vỡ. Nguy hiểm nhất như rạch Bà Cả (dài 550m), rạch Đĩa (780m), rạch Ụ Ghe (845m) và công trình chống sạt lở bờ bao ven sông Sài Gòn thuộc khu phố 8, phường Linh Đông có hơn 500 hộ dân sống cập theo bờ sông.
Ba ngày qua, nhà dân hai bên đường An Dương Vương thuộc quận 6,8 ngập chìm trong nước, do triều cường dâng cao tràn vào nhà. Chiều 11-10, người dân vẫn hối hả xúc đất vào bao cát để đắp chắn trước cửa nhà, tuy nhiên vẫn bất lực nhìn biển nước tràn vào nhà.
Tháng nào cũng vậy, người dân ở các quận Bình Thạnh, 6,8,9 phải tập sống chung với “lũ” vì thủy triều. Đó là chưa kể những cơn mưa kéo dài nhiều nơi đường sá ngập sâu, ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có hướng khắc phục một cách căn cơ.
Theo phản ánh của quận Bình Thạnh, trước đây, ngoài những khúc đê trọng điểm do Nhà nước đầu tư, phần còn lại đều do người dân tự giác gia cố hàng năm. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch đa số người dân bỏ đất hoang khu bán đảo Thanh Đa nên thủy triều lên là ngập.
Để giảm thiểu ngập úng, thiệt hại cho khu vực hạ ldu, trong đó có TPHCM,và ảnh hưởng của triều cường kết hợp với xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TPHCMđã có công văn đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa xem xét lùi ngày xả tràn của hồ Dầu Tiếng để tránh xảy ra tổ hợp bất lợi (triều cường kết hợp xả lũ) cho vùng hạ du sông Sài Gòn.
Hiện, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã quyết định lùi ngày xả đến ngày 12-10.
Quốc Hùng