Hàng năm, để chống nạn triều cường thường xuyên gây ngập, gây thiệt hại về tài sản, khó khăn trong việc đi lại của người dân nhiều quận huyện ở TPHCM, chính quyền TPHCM liên tục tăng nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng các công trình đê bao, cống thoát nước và hệ thống các trạm bơm nước phục vụ chống ngập. Thế nhưng, mỗi khi mưa lớn kết hợp triều cường, ngập nặng vẫn cứ tiếp diễn.
- Đầu tư ngày càng tăng
Từ năm 2006, mức đầu tư cho việc xây dựng phòng tuyến chống ngập là 17,283 tỷ đồng, năm 2007 là 82 tỷ, năm 2008 vọt lên 226, 389 tỷ đồng và năm 2009 là 282,318 tỷ đồng. Với mức đầu tư như vậy, tưởng chừng 160km đê bao sẽ chống được ngập triều cường. Nhưng thực tế cho thấy, mức triều cường năm nay đạt đỉnh 1,54m, nước tràn ngập khắp nơi, gây thiệt hại rất lớn.
Đó là chưa kể đề án “Trồng cây chắn sóng bảo vệ kè biển, đê biển và trồng cây phòng chống sạt lở hai bên bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM” nhằm khắc phục tình trạng xây dựng đê bao bằng... bùn non mà nhiều quận huyện thực hiện. Theo dự kiến, các loại cây có khả năng giữ đất tốt và chịu được mặn sẽ được trồng trên 160 km đê bao, kênh rạch của TPHCM. Việc trồng cây sẽ được thực hiện từ năm 2010 đến 2015 với tổng kinh phí dự kiến là 10 tỷ đồng...
- Nguy cơ vẫn rình rập
Ghi nhận của chúng tôi, tại hàng loạt bờ bao ở quận 12, mặc dù đã được gia cố, cơi đắp nhưng nhiều nơi vừa yếu vừa thấp so với mức triều cường vừa qua.
Tương tự, tại quận Thủ Đức có hơn 45 km bờ bao, nhưng việc gia cố còn quá chậm, thậm chí bờ bao ở những nhánh sông nhỏ đã xuống cấp trầm trọng vẫn chưa được gia cố hoặc gia cố sơ sài nên nguy cơ bể bờ bao cũng rất cao.
Cứ đến đợt triều cường là bể bờ bao hoặc tràn bờ gây ngập úng làm thiệt hại về kinh tế rất lớn, trong khi việc triển khai các dự án rất ì ạch và chưa đem lại hiệu quả. Lý giải vấn đề này, ông Trần Đình Lý, Phó ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP cho biết, việc gia cố bờ bao đã giao cho các quận huyện làm chủ đầu tư.
Trong thời gian qua nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như tại quận Thủ Đức hoàn thành 14/15 công trình, Gò Vấp hoàn thành 8/9 công trình, Củ Chi hoàn thành 18/27 công trình… Tuy nhiên, vẫn còn một số quận huyện chưa triển khai hoặc chậm thi công các công trình. Cụ thể, quận 12 có 21 công trình nhưng mới hoàn thành được 10, Bình Thạnh hoàn thành còn 10/13 công trình đang thi công…
- Xác xơ vùng ven
Đợt triều cường vừa qua, phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh là hai khu vực của quận Thủ Đức bị ngập nhiều và sâu nhất, nhà dân có nơi ngập gần cả mét trong nhiều giờ liền. Ghi nhận của chúng tôi, ngày 10-11, nhiều người dân vẫn phải lội bì bõm để tát nước trong nhà ra ngoài. Mọi vật dụng như bàn ghế, giường tủ, quần áo và các vật dụng khác đều bị ngấm nước.
Nhà anh Võ Thanh Quang (đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh) bị nước tràn vào gây hư hỏng toàn bộ dàn karaoke, đầu máy, ti vi… Thiệt hại nặng nhất là nhà ông Nguyễn Văn Thanh, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, nước ngập lênh láng cả khu vườn mai.
Tại phường Tam Phú, anh Nguyễn Thanh Tùng cũng đang khốn đốn vì 1.000 gốc mai có nguy cơ hư hại. Không chỉ hai nhà trên mà hàng chục vườn mai, cây kiểng… có giá trị kinh tế cao ở các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Phú, đều bị ngập nặng. Điều khiến bà con lo lắng hiện nay là hàng ngàn chậu mai, cây hoa kiểng đang có nguy cơ bị chết vì nước tràn vào làm thối gốc.
Tương tự, tại tổ 11, phường Thạnh Lộc, xung quanh nhà dân vẫn còn ngập trong nước mặc dù triều đã xuống thấp. Ở khu vực này, nhà nào xây lầu hoặc xây cao hơn mặt đường 1m thì ít bị hư đồ trong nhà vì nước không ngập tới. Tại quận 12, nhiều khu vực thuộc phường Thạnh Lộc và An Phú Đông do nước tràn qua các bờ bao dọc sông Sài Gòn như bờ bao rạch Bà Cam, bờ bao rạch Giao Khẩu, bờ bao rạch Trùm Bích, rạch Quản... gây thiệt hại không nhỏ.
Điều đáng lo ngại là vệ sinh môi trường tại những khu vực bị ngập do triều cường đang trong tình trạng báo động. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trần Thị Hạnh, ngày 10-11, phường Hiệp Bình Chánh đã cử lực lượng y tế phun thuốc khử trùng ở những khu vực bị ngập để đề phòng dịch bệnh. Quận đã chỉ đạo UBND hai phường thống kê thiệt hại của người dân để thống nhất mức hỗ trợ cụ thể. Đoạn bờ bao bị bể cũng đã được gia cố tạm bằng đất.
Đã đến lúc các nhà khoa học, các nhà quản lý và chính quyền địa phương khẩn trương ngồi lại với nhau tham mưu cho chính quyền TPHCM có các giải pháp thực tế chống ngập một cách khoa học, căn cơ, lâu dài để ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hỗ trợ tích cực quá trình phát triển của TP
QUỐC HÙNG