Triều cường ở TPHCM: Ngập kéo dài, thiệt hại càng lớn

Ngoại thành: Vỡ nhiều đoạn bờ bao, ngập kéo dài
Triều cường ở TPHCM: Ngập kéo dài, thiệt hại càng lớn
Triều cường ở TPHCM: Ngập kéo dài, thiệt hại càng lớn ảnh 1

10 giờ sáng 28-10 đoạn bờ bao vỡ ở khu phố 2 phường Tam Phú, quận Thủ Đức đã được khắc phục bằng bao cát và cừ tràm. Ảnh: THÁI BẰNG

Người dân vùng ngập do vỡ đê bao và triều cường cho rằng, tình trạng ngập úng còn kéo dài nhiều ngày nữa. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, con cái học hành và phát sinh nhiều bệnh tật.

Ngoại thành: Vỡ nhiều đoạn bờ bao, ngập kéo dài

Ở những điểm bị ngập trên địa bàn quận 12, TPHCM vào rạng sáng 28-10, triều cường đã làm bể hơn 10 đoạn bờ bao thuộc phường An Phú Đông và hàng loạt đoạn khác bị nước tràn qua bờ bao, gây ngập toàn bộ khu phố 1, khu phố 2 và khu phố 3. Tương tự, ở khu phố 1, phường Thạnh Lộc cũng đã có 6 đoạn bờ bao bị bể. Ngoài ra, nhiều đoạn bờ bao ở khu phố 2, khu phố 3B nước tràn qua bờ bao.

Ông Đinh Minh Thắng ở khu phố 3 cho biết: “Gần một tuần qua, nước đã tràn vào hầu hết khu phố này. Nhà  nào cũng ngập từ 20cm có nơi gần cả mét. Mấy ngày trước, nước bắt đầu dâng từ 17 giờ chiều hôm trước cho đến khoảng 8, 9 giờ hôm sau đã rút khô. Nhưng hai ngày qua, nước lớn chưa từng thấy, ngập từ sáng đến tối, nước trong nhà chưa rút thì nước sông đã tràn vào lại”. Nhà ông Nguyễn Thanh Tùng ở tổ 46 suốt cả tuần qua đầu bị ngập đến đầu gối, rạng sáng 28-10, thì nước đã ngập gần đến 1m. Toàn bộ các hộ dân ở khu phố 3 đều bị chìm trong nước, các hàng quán buôn bán đều đóng cửa.

Triều cường ở TPHCM: Ngập kéo dài, thiệt hại càng lớn ảnh 2

Một điểm buôn bán vật liệu xây dựng trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức bị ngập trong nước, đến 9 giờ ngày 28-10 nước vẫn chưa rút hết. Ảnh: THÁI BẰNG

Tại quận Thủ Đức, dọc theo tuyến đường liên phường Tam Bình có nơi ngập sâu gần cả mét. Nhà dân hai bên đường hay trong hẻm cũng bị ngập tới đầu gối. Các hàng quán ăn uống, kinh doanh ế ẩm chẳng có khách. Mấy cô nhân viên bán cà phê quần săn tới đầu gối, ngồi gác chân lên bàn, chọc ghẹo mấy anh đi xe bị chết máy, dưới nền nhà nước lũm bũm.

Trái ngược với hình ảnh trên là những tiệm sửa xe gắn máy đắt như tôm tươi. Hàng chục chiếc xe gắn máy chờ thổi, thay bugi, mobin lửa, mobin sườn… Anh Trần Tuấn, phường Tam Bình, cho biết, “Nhà anh có 3 xe gắn máy, trong đó 2 chiếc Dream Trung Quốc bị ngập, cháy mobin lửa mới thay xong nhưng không dám chạy về nhà, vì sợ hư nữa. Hầu hết nhà ở khu vực này, ai có xe gắn máy không chạy thì thôi chứ xách ra là đổ nợ, đằng nào cũng tốn tiền. Thậm chí sáng sớm nay có mấy người kéo lưới được mười mấy con cá lóc nữa đấy!”.

Lúc 2 giờ chiều cùng ngày, xung quanh khu vực Trường THCS Hiệp Bình, đường Hiệp Bình, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, nước từ các con rạch chảy cuồn cuộn sâu hơn 1m. Chị Võ Thị Minh, nhà gần trường, cho biết, bờ bao bị vỡ, nước chảy như thác nhưng không thấy ai  khắc phục, nước ngập kiểu này làm sao sắp trẻ đi học được”. Nước triều dâng còn gây ngập hàng loạt tuyến đường nội bộ, vườn mai, nhà dân tại khu phố 7, khu phố 8 của phường Hiệp Bình Phước. Nhiều người dân ở đây làm nghề trồng mai kiểng dở khóc dở cười khi mai bị ngập nước, không những ra hoa không đúng dịp bán tết mà còn có nguy cơ mai chết.

Người dân tại những khu vực này cho rằng, tình trạng ngập úng sẽ còn kéo dài nhiều ngày nữa. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, con cái học hành và phát sinh nhiều bệnh tật.

Nội thành: Hàng loạt tuyến giao thông bị tê liệt

Triều cường ở TPHCM: Ngập kéo dài, thiệt hại càng lớn ảnh 3

9 giờ sáng 28-10, đường Tam Bình vẫn còn ngập sâu trong nước. Ảnh: THÁI BẰNG

Hôm qua 28-10, đúng như dự báo, triều cường đã đạt đỉnh cao nhất trong vòng 48 năm qua, làm tê liệt hàng loạt tuyến giao thông. Ghi nhận vào lúc gần 17 giờ, khu vực đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) nước bắt đầu dâng ngập hết làn đường xe 2 bánh. Tại Bến xe Miền Tây, nước ngập bình quân 30-40cm làm ướt hành lý của một số hành khách để dưới gầm xe. Nhiều xe phải dừng ngoài bến cho hành khách xuống.

Tại chợ An Lạc nước đã tràn vào các gian hàng. Trên địa bàn quận 8, lúc 17 giờ 30, nước bắt đầu dâng cao trên các kênh Tàu Hủ, kênh Đôi khiến nhiều tuyến đường hai bên bờ bị ngập. Trong đó nặng nhất là trên đường Phạm Thế Hiển, vào lúc 18 giờ nước đã dâng cao nửa mét, làm chết hàng loạt xe gắn máy. Bác Trần Thị Thùy sống trên đường Phạm Thế Hiển (Q8) cho biết: So với các năm trước năm nay mực nước triều dâng cao và kéo dài hơn nhiều, thêm vào đó trong những ngày vừa qua cúp điện kéo dài cả giờ vào đúng lúc triều dâng cao khiến cho mọi sinh hoạt của người dân bị tê liệt.

Có mặt tại đây vào lúc 16 giờ 30, chúng tôi thấy một số hàng quán đã dọn dẹp. Để đối phó với việc nước tràn vào nhà, một số người đã dùng bạt ni lông để che chắn, xây gờ chắn ngay cửa nhà. Để tránh xe bị chết máy, người dân sống ở đây khi đi ra đường phải thay bugi mới và quấn chặt bằng băng keo thật kín. Ngoài ra, để tránh tai nạn xảy ra cho người đi đường với các hố ga hai bên đường do nước ngập sâu, người dân đã dùng những cây cọc cắm làm tiêu báo. Ở đoạn đường Bình Đông (đoạn cầu Chữ U) nước ngập và tràn vào nhà dân...

Triều cường ở TPHCM: Ngập kéo dài, thiệt hại càng lớn ảnh 4

Chị Nguyễn Thị Ánh ngụ trên đường Tam Bình, phường Tam Phú, quận Thủ Đức mua bán trong cửa hàng tạp hóa bị ngập sâu. Ảnh: THÁI BẰNG

Đến 18 giờ, nhiều con đường và nhà dân thuộc các phường 14 và 15 của quận 8 đã ngập hơn nửa mét, giao thông tê liệt. Khu vực Mễ Cốc được cho là hết ngập do triều nhưng nước vẫn tràn vào nhà dân. Nguyên nhân là do nhiều van ngăn triều và các nút bịt nước đã bị mất cắp, mặc dù đơn vị phụ trách thoát nước tại đây đã vận hành hết công suất các máy bơm. Sau khi hoàn thành công trình chống ngập do triều tại Mễ Cốc, hệ thống này được giao lại cho phường sở tại quản lý. Nhưng do thiếu chi phí bảo dưỡng, bảo quản nên xảy ra tình trạng tái ngập.

Tại quận Bình Thạnh, khu vực cư xá 30-4, các tuyến đường D1, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bùi Đình Túy, Miếu Nổi, Thanh Đa..., do Công ty Thoát nước đô thị cho các trạm bơm hoạt động hết công suất nên đã hạn chế được tình trạng ngập sâu. Tuy nhiên, tình trạng ngập vẫn xảy ra là do nước tràn từ những nhà nằm gần các nhánh rạch (không có van bịt). Đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh nước dâng cao hơn 40 cm khiến hàng loạt xe chết máy. Đường Trần Xuân Soạn; ngã tư Nguyễn Thị Thập - Lâm Văn Bền (quận 7); đường Nguyễn Văn Luông, Vòng xoay Hậu Giang, một số hẻm ở phường 11, 12 (quận 6) cũng bị ngập sâu. Quận Thủ Đức, nhiều tuyến đường vừa mới duy tu đã bị hư hỏng rất nặng do phải “ngâm mình” trong nước liên tục mấy ngày qua.

Một cán bộ Sở GTCC TPHCM cho biết, sở đã huy động rất nhiều nhân viên đi khảo sát mức độ ngập tại từng tuyến đường, từng khu vực để cùng sở ngành bàn giải pháp lâu dài để chống ngập do triều cường.

H.Việt - Q.Hùng. - Đ.Lý- Q.Quý

Tin cùng chuyên mục