Ngày 23-5, đoàn phóng viên Hàn Quốc đã đến Triều Tiên vào phút chót để đưa tin sự kiện Bình Nhưỡng dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Dư luận quốc tế đang dồn sự chú ý về khu vực này bởi đây được xem là một trong những bước tiến hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Xúc tiến nối lại đàm phán liên Triều
Một quan chức Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri vào ngày 24-5 nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Hiện các phóng viên từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau của một số quốc gia đã tới Wonsan để tham sự kiện dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Đây là nơi Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, trong đó có vụ thử mạnh chưa từng có hồi tháng 9 năm ngoái. Có nhiều đồn đoán rằng, bãi thử này đã hư hại nặng và không thể chịu đựng thêm được một vụ thử khác. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho biết cách đây vài tháng khu thử này vẫn hoạt động bình thường.
Trước khi lễ đóng cửa khu thử hạt nhân Punggye-ri diễn ra, các bức ảnh vệ tinh được công bố cho thấy một số ngôi nhà và cơ sở xung quanh khu thử này đã bị đánh sập. Ngoài ra, một số ảnh cũng cho thấy một công trình mới đã được xây dựng và đây được phỏng đoán là đài quan sát, giúp các phóng viên quốc tế có thể theo dõi vụ nổ để đánh sập lối vào khu thử hạt nhân.
Theo CNN, việc đánh sập khu thử hạt nhân được cho là tín hiệu tích cực từ phía Triều Tiên, nhưng giới phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi về động thái này của Bình Nhưỡng. Lý do là Triều Tiên không mời bất kỳ thanh sát viên hay chuyên gia quốc tế nào tới chứng kiến sự kiện quan trọng này. Hơn nữa, các phóng viên được cho là sẽ chỉ quan sát quá trình đóng cửa khu thử hạt nhân từ xa và không có cơ hội theo dõi những gì đang thực sự diễn ra bên trong các đường hầm ở khu thử hạt nhân Punggye-ri.
Trong diễn biến khác, ông Yoon Young-cha, người phát ngôn Chính phủ Hàn Quốc, cho biết các cuộc đàm phán cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có khả năng sẽ được nối lại sau ngày 25-5, khi cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc kết thúc. Thông báo được đưa ra ở thủ đô Washington của Mỹ vào ngày 23-5, sau cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in. Tuần trước, Triều Tiên đã quyết định hủy vào phút chót cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc để phản đối cuộc tập trận chung Thần Sấm giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Mỹ không nhượng bộ
Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tới, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Nhà Trắng vẫn đang tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc gặp, nhưng ông sẵn sàng dời cuộc gặp sang thời điểm khác hoặc thậm chí hủy bỏ, nếu không đạt được một số điều kiện nhất định. Theo giới quan sát, Tổng thống Donald Trump đang gián tiếp gửi thông điệp đến Trung Quốc.
Ông Donald Trump cho biết, ông rất thất vọng khi nhận thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tỏ thái độ khác với Mỹ bằng việc đưa ra cảnh báo hủy bỏ hội nghị sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1-5.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định, nước này vẫn hy vọng về cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên nhưng cho biết Mỹ sẽ không nhượng bộ trước cuộc gặp lịch sử vốn dự kiến thảo luận về việc phi hạt nhân hóa.
Theo tờ Washington Post, giới chức cấp cao Nhà Trắng dự kiến gặp các quan chức cấp cao Triều Tiên vào cuối tuần này tại Singapore để chuẩn bị trước một số nội dung cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Thông tin do Tổng thống Donald Trump đưa ra trước thềm hội nghị Mỹ - Triều Tiên đã tác động lên thị trường tài chính trong ngày 23-5. Các thị trường châu Á và Mỹ đã lao dốc do lo ngại nguy cơ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không diễn ra đúng kế hoạch. Ba chỉ số chính là Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều có mức giảm lần lượt là 0,72%, 0,21% và 0,31%. Tại châu Á, thị trường chứng khoán Tokyo giảm 1,2% trong khi thị trường chứng khoán Hồng Công (Trung Quốc) giảm 1,3% và thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 1,4%.