Hôm đó là một ngày chủ nhật như mọi ngày, bầu trời không mấy trong xanh và quang đãng, vì có lẽ sắp đến mùa mưa tháng 6 rồi. Đất Sài Gòn là vậy, chỉ có hai mùa mưa nắng, cái nắng thì nắng oi ả, còn mưa thì mưa xối xả.
Tôi đang ngồi ngờ nghệch chờ điện thoại của mẹ ở đầu dây xa lắc, cách TP Hồ Chí Minh đến 8 tiếng đi xe, mà nó cũng không hẳn chỉ xa về khoảng cách địa lý mà còn cả về tâm cảm nữa. Sự thật là gia đình tôi chẳng mấy thuận thảo gì với nhau, dẫu có cũng chỉ là bề mặt, cha và mẹ ly dị khi tôi học lớp 10, mà chuyện đó giờ nhìn lại cũng chẳng khác gì một cái thở phào nhẹ nhõm, một sự kết thúc cho cả một khoảng thời gian u ám không tả được. Rồi giờ đây khi tôi đã học năm hai của một trường đại học danh giá, và cứ ngỡ là mình đã thoát khỏi cái sự u ám dai dẳng đó nhưng tôi lại chợt nhận ra những gì đã trải qua vẫn còn là một sự nếm trải xót xa chưa đến hồi kết. Nếu có ai hỏi tôi trên đời này cái gì khiến tôi sợ hãi nhất tôi sẽ trả lời ngay, đó là tiền! Cuộc điện thoại mà tôi đang chờ đợi ấy là cuộc điện thoại có liên quan đến tiền, nồng nặc mùi tiền, và khi tiền xuất hiện thì cuộc chơi cũng bắt đầu, cứ như một đường truyền bất tận, mà trên đường truyền ấy tôi là điểm ở giữa và cha mẹ tôi là hai điểm ở hai đầu còn lại, tín hiệu đồng tiền ban đầu sẽ do tôi phát ra, đi đến mẹ tôi rồi sau đó quay ngược lại tôi, rồi lại truyền sang cha tôi, và lại quay ngược lại, cứ thế dòng dịch chuyển ấy chạy qua chạy lại như một việc làm vô tận không điểm dừng.
Cuối cùng thì điện thoại cũng đã rung, mẹ tôi từ đầu dây bên kia: “Mẹ không có tiền, chợ đang ế, không gom được, hai tay mẹ đau không chạy xe được, không biết làm sao, sao con không xin cha con đi!”. Thế là tôi nhấc máy lên và gọi cho cha, từ đầu dây xa xôi: “Cha không có tiền, khi đi cha đã để lại tài sản hết cho mẹ con rồi, giờ cha làm gì có tiền chứ?”. Việc đó xảy ra trông có vẻ rất nhàm chán, vì dòng dây phản hồi ấy thực sự khiến người ta chán ngán lắm! “Mẹ ơi, cha không có tiền, mẹ xoay xở giùm con được không? Còn 2 ngày nữa là hạn chót đóng học phí rồi, nếu không đóng là bị cấm thi đó mẹ”… ngày hôm sau đôi khi cũng chẳng tốt hơn ngày hôm trước: “Người ta không trả, mẹ không có tiền, thôi nghỉ học về nhà làm đi” hay “Cha đã nói với con rồi, mẹ con là con phải làm căng lên, nếu bả không cho thì phải dọa bán nhà, mẹ con là loại mềm nắn rắn buông con à”, ngày hôm sau nữa có lẽ cũng chỉ là có thế… Nếu phải nhắc lại những năm tháng trước đây, nghĩa là một vài giai đoạn hạnh phúc trong đời, có lẽ tôi cũng có một vài lần cảm thấy hạnh phúc thật sự đó là khi cha và mẹ tôi có một vài phát biểu rất tình cảm như thế này: “Con à, dù mẹ có bán sống bán chết thì mẹ cũng lo cho con ăn học đàng hoàng” hay “Nếu có gì trở ngại thì cứ gọi cho cha, chuyện gì cũng phải bàn bạc với cha nha con, cha sẽ giúp đỡ con mà!”. Đấy! đó là những phút giây hạnh phúc lắm, hoàn cảnh khi đó và giờ đây vẫn không khác lắm chỉ có khác là không có nồng nặc mùi tiền như bây giờ, mẹ tôi giờ vẫn kinh doanh hàng hóa này nọ, thu nhập cũng khá, uy tín vẫn còn thuộc hạng rất đỉnh, việc vay mượn vài chục triệu đồng với mẹ chẳng mấy khó khăn, còn với cha tôi thì có vẻ kém cạnh hơn một chút, cha chỉ là giáo viên, và chỉ có chút tiền tích góp để dưỡng già, lương một tháng cũng chỉ vài ba triệu, nói chung là không dư dả lắm, nhưng được cái đã có vợ, và được yêu thương lắm, hai người cộng lại cũng đủ ăn đủ xài chứ không phải chơi trò chơi gia đình giống với mẹ tôi như ngày xưa nữa. Nhớ ngày đó hình thức của trò chơi không giống bây giờ lắm, vì khi đó chỉ có cha và mẹ chơi với nhau thôi, còn tôi tuy đã nhận thức được nhưng không tham gia trực tiếp như bây giờ, khi ấy tín hiệu bắt đầu cuộc chơi cũng là đồng tiền, khi đồng tiền xuất hiện cha và mẹ tôi thường cãi cọ, thậm chí đánh đập nhau để giành quyền quyết định đồng tiền đó, và ai giành được quyền thì người đó là người chiến thắng, vậy nên khi ấy trò chơi rất gay cấn và quyết liệt, nó cũng thường xuyên hơn, khoảng một tháng một lần có khi cao trào thì một tháng hai lần và kéo dài khoảng một tuần thì dứt. Tôi cũng không nhớ rõ lắm là ai thắng nhiều hơn, chỉ còn nhớ rất chính xác là hai anh em của tôi đã dắt nhau ra bãi cỏ sau nhà để trốn, lần đó đúng gay cấn vì cha tôi ném hẳn hòn đá vào đầu của mẹ, mà mẹ thì vẫn oang oang la làng la xóm lên không ngớt, có lần cao trào quá mà anh hai của tôi không có nhà nên tôi trốn ra bãi cỏ ngồi co ro lại khóc một mình, không gian xung quanh tôi lúc đó nồng mùi cỏ cháy, ấy vậy mà tôi lại cảm thấy rất an toàn có lẽ vì chí ít thì đó cũng không phải là mùi tiền đang bốc cao ở trong nhà. Dù sao đó cũng là chuyện của ngày xưa rồi, hiện tại thì tôi không tìm được bãi cỏ nào cả, lớn rồi nên không còn trốn tránh được nữa, nên tôi đành phải đối mặt với nó và chấp nhận cái cảnh xung quanh mình toàn là mùi tiền. Sau khi biết là chắc cha mẹ không có tiền rồi, tôi sợ hãi lắm vì biết đâu sẽ phải nghỉ học mất thôi, thế là tôi nghĩ ra đủ thứ trò, tôi hỏi xin mẹ số điện thoại của họ hàng bên ngoại, một bác và 2 cậu để hỏi vay tiền, mẹ tôi cho nhưng có chút ngần ngại, sau đó lại điện cho tôi: “Sao con không xin dòng họ bên cha con? Bên ấy cũng giàu lắm mà”, một lát sau lại điện: “Sao con không xin con Hoa ấy, nó vừa cặp với thằng nào có vợ đấy, thằng ấy dạy võ cũng giàu lắm, nghe người ta đồn thế”, vốn chị Hoa là cháu của cha tôi, khi xưa ở nhà tôi một thời gian, chị hiền, đẹp và xấu số. Chị kết hôn năm 25 tuổi, vừa sinh một đứa con gái được hơn một năm thì chồng mất, mà cái lý do lại vô cùng ngang trái, ngang trái một cách đau đớn! Chuyện là hôm đó ông ấy đi nhậu xỉn về, vợ chồng trẻ giận dỗi rồi cãi nhau, thế là ông ấy bỏ xuống sàn nhà nằm, vậy là nhập thổ rồi mất! Hôm đám tang người ta bảo chị tôi giết chồng nữa cơ đấy! Mặc dù sau đó chị tôi luôn sống trong dằn vặt đau khổ, mà vẫn cố gượng để chăm sóc cho đứa con bé nhỏ duy nhất của hai người. Chị vẫn mỉm cười trước mặt mọi người, cố vui vẻ mà sống, yêu thương con và nhất mực trọn tình nghĩa với chồng. Có lẽ mỗi gia đinh có một trò chơi khác nhau thật, như kiểu người ta hay nói là mỗi cây mỗi hoa – mỗi nhà mỗi cảnh, cuộc đời xô bồ quá, mà vận mệnh của con người thì nhỏ bé lắm, cứ phải bon chen, chen chúc nhau mà sống, giống như một đám nhộng con lăn lóc đè lên nhau để tìm chỗ thở, mặc dù chẳng nhìn thấy đâu là ánh sáng. Tôi giờ cũng chỉ còn có thể nghĩ đến việc bảo lưu kết quả học tập 2 năm nay, tìm việc gì đó làm rồi để dành tiền sau này học tiếp, đó là cái cách duy nhất mà tôi nghĩ tôi có thể làm để kết thúc cái trò chơi gia đình này, giống như là bầu trời sẽ quang đãng chỉ khi mấy đám mây trôi hết qua rồi tan biến mất vậy, cố gắng bước là cách duy nhất để vượt qua khó khăn.
Tôi cũng chẳng biết tương lai mình sẽ đi về đâu, nhưng dù có làm gì tôi cũng sẽ bám trụ nơi mảnh đất Sài Gòn này, vì ít ra ở đây tôi cũng có cơ hội để giải thoát mình khỏi cái nỗi ám ảnh mùi tiền khét nghẹt dai dẳng ở trong lòng, và cũng chẳng phải lo lắng cái chuyện thiên hạ đồn đại mình này nọ. Trò chơi gia đình này tôi nghĩ chắc cũng đến ngày nó phải kết thúc, nhưng kết thúc như thế nào, kết quả ra sao và còn bao lâu nữa thì không chắc lắm, tối đến nằm mơ tôi cũng chỉ mong sao cơ thể tôi đừng ám khói tiền và càng mong mỏi rằng cái tín hiệu đồng tiền ấy đừng bao giờ xuất hiện trong cuộc đời tôi và cả những người đồng cảnh ngộ khác.
Mai Thị Hằng Thư