Nguyễn Hữu Tài

Trò chuyện cùng gỗ

Trò chuyện cùng gỗ

Đi xe Win, dép tông, quần jean nhiều túi, áo phông, mũ lưỡi trai hất ngược để lộ mái tóc đen hơi xoắn, thoạt trông, Nguyễn Hữu Tài không mang đến cho người đối diện thông tin nào về một tay thợ chạm khảm lành nghề. Chỉ đến khi Tài nói, với niềm đam mê toát lên từ đôi mắt đen, tôi mới nhận ra ở chàng trai này rất nhiều khao khát.

  • Chuyện trò với gỗ
Trò chuyện cùng gỗ ảnh 1

Cán kiếm do Nguyễn Hữu Tài phục chế theo đơn đặt hàng của nghệ nhân Trịnh Bách.

Xưởng mộc của Tài ở thôn Trung Đông (làng Nam Phổ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) không lớn nhưng chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Những người thợ cũng còn rất trẻ, mới độ trên-dưới 30 tuổi, như ông chủ, cần mẫn làm việc. Trong ngôi nhà ba gian, có rất nhiều thứ đồ gỗ mà hàng ngày Tài thường “trò chuyện”: Những chiếc cơi trầu cũ kỹ; những hộp đựng nữ trang nho nhỏ đã bong tróc hết đường chạm, khảm vốn rất cầu kỳ; những ống hút thuốc lào của một thời quá vãng, cái thì mất cần, cái thì sứt mẻ; những bức hoành chỉ còn lại những đường nét mờ nhạt trên bề mặt; những chiếc tủ đã xộc xệch… “Phục chế những thứ ấy không khó. Chỉ cần chịu khó”, Tài nói. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được công việc này bởi nó đòi hỏi người thực hiện phải hiểu và hình dung một cách tường tận những đường nét, họa tiết và cách phối màu. Hàng trăm món đồ như vậy đã qua tay Tài để rồi hiện diện trên các quầy bán đồ cổ ở Huế, TPHCM, Hà Nội và được các chủ shop hét giá hàng trăm USD.

Cũng chính vì Tài phục chế đồ cổ một cách tinh xảo nên khi có trong tay một món đồ gỗ cũ đã hư hỏng, hầu như những người mê đồ cổ đều tìm đến Tài nhờ phục chế. Mày mò và mê mải đến nỗi nhiều khi chàng trai này tiếc ngơ ngẩn khi món hàng mình vừa phục chế bị chủ nhân của nó mang đi! Danh tiếng của Tài thực sự được xác định khi một người khách từ Sài Gòn mang ra một mặt bàn cũ, không còn dấu vết chạm khảm nào ngoài những đường nét mờ nhạt. Khi giao cho Tài, người khách dường như không hy vọng lắm vì nhiều người thợ ở nhiều nơi đã lắc đầu từ chối. Thế mà Tài nhận. 4 tháng sau, khi mặt bàn được hoàn thiện, không chỉ mọi người mà cả Tài cũng thấy bất ngờ với thành quả của chính mình.

Mặt bàn cũ hiện lên lộng lẫy với bức tranh họa truyện Tam Quốc diễn nghĩa. “Cứ nhẫn nại từng đường nét một. Khảm xong đường này lại lần sang đường kia. Những thớ gỗ như trò chuyện cùng tôi, chỉ dẫn cho tôi”, Tài kể. Cuối năm 1999, Tài quyết định không làm thợ (dù là thợ chính) cho các shop bán đồ gỗ ở Huế nữa mà về nhà mở xưởng, sau khi chia tay với tác phẩm vừa phục chế, phần vì đã có thể đứng bằng đôi chân của mình, phần vì muốn tạo công ăn việc làm cho anh em, bạn bè đồng nghiệp chưa có nghề nghiệp ổn định.

  • Những niềm đam mê gặp nhau
Trò chuyện cùng gỗ ảnh 2

Nguyễn Hữu Tài với chiếc tủ ba vi trị giá 10 triệu đồng.

Khi tôi đến, Nguyễn Hữu Tài đang loay hoay với những chi tiết cuối cùng nơi chiếc tủ ba vi mà Tài và những người thợ vừa hoàn thành sau 2 tháng. Không ai nghĩ rằng đó là chiếc tủ được làm mới. Từ chân tủ, cánh tủ, đường chạm khảm đến màu sơn… đều có vẻ rất cổ. Trông nhỏ thế nhưng giá của nó làm không ít người giật mình: 10 triệu đồng. Năm nay, xưởng của Tài nhận làm khá nhiều hàng mới. Kinh nghiệm từ những năm học nghề đến những năm miệt mài phục chế đã cho Tài niềm tin. Chỉ là xưởng mộc mỹ nghệ theo kiểu gia đình nhưng khách của Tài ở khắp nơi, từ Huế, Hà Nội đến TPHCM và một số vùng lân cận.

“Gia đình làm nông, học xong lớp 9, tôi đi học nghề. Điều may mắn nhất là tôi được học với những thầy cả từng làm các công trình gỗ ở Đại Nội và được chỉ bảo tận tình. Tôi từng loay hoay và đánh vật với những chi tiết nhỏ nhất và tưởng như quá dễ. Và tôi nhận ra rằng, nghề mộc mỹ nghệ này đã cho tôi tính kiên trì, chịu khó và cả sự nhẫn nại nữa” - Tài như nói với chính mình. Tất cả các mặt hàng của xưởng đều do Tài vẽ kiểu và thực hiện. Dù có trong tay đến 10 thợ giỏi nhưng ông chủ trẻ này vẫn tham gia thực hiện những công đoạn phức tạp và tinh vi nhất. Tài bảo, không chỉ kích cỡ, chất lượng, đường nét mà điều quan trọng nhất là màu sắc trong khảm và cẩn.

Như một cơ duyên, trên đường đi tìm thợ giỏi để thực hiện việc phục chế đồ thờ cho gian thờ Vua Gia Long ở Thế Tổ Miếu trong một hợp đồng với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, nghệ nhân Trịnh Bách đã gặp Nguyễn Hữu Tài. Các khay thờ bằng gỗ gụ khảm rồng mây, các bộ hộp trầu thuốc chạm rồng mây, những bức mành tre vẽ rồng ngũ sắc, chân đèn gỗ cao hơn 150 cm sơn son thếp vàng… mà Tài nhận thực hiện mang vẻ tinh xảo, lộng lẫy, uy nghi và thực sự ấn tượng, không chỉ khiến du khách xuýt xoa mà ngay cả những người có chuyên môn cũng phải thốt lên: “Đúng là nghề mộc mỹ nghệ của Huế đã hồi sinh”. Tài và nghệ nhân Trịnh Bách đã tiến hành mở một gian triển lãm đồ gỗ giả cổ trước Festival Huế 2004.

Cách đây không lâu, Tài đã đi tham quan các làng nghề mộc mỹ nghệ nổi tiếng ở Nghệ An, Bắc Ninh… để học tập kinh nghiệm. Tài đã đến thăm làng nghề lớn nhất là Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và điều mà chàng trai này tâm đắc nhất là những chính sách ưu tiên phát triển làng nghề. Và anh mơ mai này, chính quyền địa phương anh cũng có chính sách hỗ trợ  để những người thợ như anh có thể góp phần vực dậy làng nghề mộc ở Huế.

NAM DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục