Cách đây hơn 9 năm, tôi có dịp lên Cao Vều, giờ trở lại miền sơn cước này, cảm nhận cuộc sống nơi đây đã thực sự đổi thay, không còn xa ngái (từ địa phương chỉ sự xa xôi). Không còn xa ngái từ văn hóa - thông tin cho đến đời sống kinh tế… Nhưng để Cao Vều thực sự tiến… xuống kịp miền xuôi, thì ngoài sự nỗ lực không ngừng của bản thân người dân, Cao Vều rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp, của cộng đồng…
Phân trạm Y tế Cao Vều bỏ không
Không còn xa ngái
Con đường rừng hơn 20km từ trung tâm xã Phúc Sơn lên Cao Vều giờ đây đã được trải nhựa, ô tô đã vào được tận bản. Không bù cho hơn 9 năm trước, để vào bản phải trầy trật bằng xe máy mấy tiếng đồng hồ. Vào những ngày mưa, cán bộ xã Phúc Sơn muốn đến công tác ở bản phải quấn xích vào bánh xe mới “bò” lên được. Thời điểm tôi đến đây năm 2008, dân số của Cao Vều là 243 hộ với 1.020 nhân khẩu.
Đến bây giờ, dân số chung cả Cao Vều là gần 400 hộ với gần 1.300 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào Thái. Sự đổi thay rõ nét là con đường rải nhựa dẫn vào đến tận bản, các con đường trong bản đã được trải bê tông thoáng đãng, sạch sẽ. Đường điện sóng đôi cùng đường đi, dẫn điện vào từng nóc nhà. Cột thu phát sóng đã được dựng lên, bản đã bắt được sóng điện thoại Viettel.
Trong khi đi thăm bản, bất ngờ thấy một ngôi nhà sàn bỏ không, tôi hỏi thăm mới hay, đây là nhà văn hóa của bản Cao Vều cũ. Sau này, Cao Vều chia làm 4 bản, nên ngôi nhà sàn gỗ này được thống nhất bán đi, sau đó lấy kinh phí chia đều cho 4 bản. Ngay gần nhà văn hóa cũ là Nhà văn hóa bản Vều 2, được làm mới khang trang, vẫn giữ theo nếp nhà sàn. Những tiếng cồng chiêng của người dân đang tập văn nghệ diễn ra rộn ràng, náo nức.
Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, Phúc Sơn là xã khá đặc biệt. Mặc dù là một xã nhưng có diện tích rộng với trên 14.543ha, gần bằng 1/4 huyện Anh Sơn. Dân số toàn xã có 2.484 hộ với 8.845 nhân khẩu. Tổng giá trị sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 142,238 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 18 triệu đồng/người/6 tháng. Ngoài 658ha lúa, trên 300ha bắp và công việc chăn nuôi, người dân Phúc Sơn nói chung và Cao Vều nói riêng đang có cuộc sống tốt hơn nhờ trồng và bảo vệ rừng, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả.
Chỉ riêng năm 2016, người dân đã trồng được 307ha rừng. Ngoài cây keo, mía, xã đang phát triển hai loại cây được xem là phù hợp với vùng đất này, đó là trà và cam. Diện tích trà công nghiệp là 173,3ha, diện tích cam gần 14ha… “Ngoài phát triển kinh tế, việc học của con em Cao Vều đã tiến bộ rất nhiều. Nếu như ngày xưa có một cháu học đến lớp 7 là kỳ tích lắm, thì nay năm học này Cao Vều có 2 cháu đậu đại học”, ông Tráng phấn khởi cho biết.
Vẫn còn những khó khăn
Mặc dù đã có bước phát triển, nhưng Phúc Sơn nói chung và Cao Vều nói riêng vẫn còn nghèo. Chúng tôi ghé thăm Trường Mầm non Cao Vều. Đây được xem là cơ ngơi mới nhất so với điểm trường cấp 1 và 2 Cao Vều. Trường được xây dựng năm 2015 theo Chương trình 135. Ông Nguyễn Văn Tráng cho biết: “Cũng thật hiếm có xã nào như Phúc Sơn, có đến 5 trường học với 9 điểm trường”.
Cô giáo Lê Thị Kim Hoàng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Vều cho hay, mặc dù trường đã được xây mới nhưng vẫn thiếu phòng học và phòng chức năng. Ngay cả bếp ăn phục vụ các cháu cũng chật chội, quá kín không thoát khí nên việc nấu ăn rất bất tiện. Cô Kim Hoàng tâm sự: “Lo nhất là vào năm học mới 2017-2018, trường đã thực sự quá tải. Trường có 3 phòng học mà có tới hơn 100 cháu. Nhà trường và xã đang dự định phải mượn trạm y tế bỏ không để đưa bớt học sinh sang học”.
Chúng tôi đến Phân trạm Y tế Cao Vều. Cửa đóng im lìm, ở sân cây dại mọc um tùm, bên ngoài được rào bằng mấy sợi thép gai. Vào năm 2002, xét thấy những khó khăn của người dân Cao Vều, UBND huyện Anh Sơn đã dùng kinh phí từ Chương trình 135 xây dựng 1 cơ sở y tế tại đây, gọi là Phân trạm Y tế Cao Vều; bố trí 3 nhân viên y tế trực để thực hiện việc khám chữa bệnh, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe bước đầu cho người dân Cao Vều; phòng, chống dịch bệnh…
Tuy nhiên, từ năm 2014, Trung tâm Y tế huyện không bố trí người trực tại Phân trạm Cao Vều nữa. Từ đó, người dân Cao Vều mỗi lần ốm đau bệnh tật phải đi ra trung tâm xã cách xa trên 20km.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, Nguyễn Văn Tráng, kiến nghị: “Trên cơ sở thực tiễn địa phương, chúng tôi có diện tích gần bằng 1/4 huyện Anh Sơn, rộng bằng 5 xã khác cộng lại, theo bình quân diện tích tự nhiên. Nếu theo quy định 1 xã chỉ được lập 1 trạm y tế thì rất thiệt thòi cho nhân dân 4 bản Cao Vều. Vì vậy, UBND xã đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu đặc thù của địa phương, bố trí nhân viên y tế trực khám chữa bệnh, cấp cứu, phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân Cao Vều”.