Trở lại đồng Bàu Bèo

Trở lại đồng Bàu Bèo

Nhà tôi ở Bàu Bèo, thuộc dạng gia đình đông con nhất nhì trong xóm. Cái chái sau nhà, nơi mẹ tôi đã từng ở cữ chín lần cũng là chín lần cha tôi cuốc đất chan chát nơi gốc đa hông nhà để chôn nhau chị em chúng tôi khi vừa sinh ra. Sau mỗi lần ở cữ, căn nhà nát được bổ sung thêm một đôi mắt lồi và có màu vàng chét, để mẹ tôi lần nữa ốm hơn, để cha tôi già đi trong khắc khổ cơ hàn.

Tôi sợ nghe tiếng lanh canh vét gạo mỗi chiều của chị hai tôi, người đốt cháy giai đoạn phát triển thời con gái, từ tuổi thiếu niên chuyển sang hóa bụa khi vội vã theo chồng, rồi sau đó chồng tham gia chiến trận bên K và mãi mãi không về. Chị lại quay về trong dáng vẻ liêu xiêu với gương mặt thẫn thờ u ám. Mẹ tôi ôm chị vào lòng trong ràn rụa nước mắt.

Minh họa: D. Khanh

Minh họa: D. Khanh

Rồi chúng tôi lớn lên trong nghèo khó, lấy câu hát ru hời của mẹ mà dệt nên những ước mơ xa, lấy trò đánh đáo, bắn bi làm dịu đi cơn đói cồn cào. Vào những đêm trăng sáng, khi chúng tôi quấn quít bên nhau trên chiếc đệm vuông đặt ở sân trước nhà, cha lấy tay chỉ lên những vì sao, dạy chúng tôi phân biệt sao vua, sao hôm, sao cày mà mỗi loại sao cha thường gắn vào một câu chuyện kể. Rồi cha kể chuyện Ngưu Lang bắt cầu ô thước, chuyện xưa tích cũ về cánh đồng này, chuyện ông nội khẩn hoang khai phá Bàu Bèo khi cọp beo hãy còn lảng vảng, chuyện ông Bời, ông Liễu ở miệt Tân Uyên, chuyện Bảy Viễn... đến nỗi tôi nghe như đã thuộc làu mà mãi sau này người ta mới nhặt nhạnh viết sách.

Có lần tôi lạc giữa rừng Ông Đông khi theo cha vạt vỏ cây thừng đem về thắt võng, tôi vái người đã khuất chỉ đường dẫn lối cho gặp được cha. Không biết hiển linh thế nào mà cha con gặp lại ở phía bìa rừng trong hồn xiêu phách lạc.

Vào mùa nông nhàn, cha tôi vẫn thường quảy gánh vào rừng, mẹ tôi ở nhà thắt võng nên dáng người cong cong, những ngày hết gạo thì dáng cong này như càng cong hơn để sáng mai kịp đem ra chợ. Hôm nào hạnh phúc được đôi ba cái, tôi thấy mặt mẹ vui vui, mẹ quên đi cái đau nơi bắp chân rướm máu. Rồi cả nhà xúm xính, chị Hai nâng niu gấp từng nếp võng và ràng rịt cho cha. Chiếc xe lộc cộc lảo đảo vì bánh vỏ phập phù, dáng cha choắt lại, lầm lũi đi ra trong lờ mờ hơi sương. Nhưng những năm sau, võng mẹ ế ẵm, người ta ỏng eo so sánh võng bố võng dù nên cha ít vào rừng, nhưng lưng mẹ vẫn còn cong cong, bắp chân mẹ vẫn còn chai cứng.

Ngày tạm biệt, Bàu Bèo đã trở nên xa ngái. Thỉnh thoảng tôi lại về quê giẫy mộ ông bà vào những ngày cuối năm, đến đình đến miếu khấn vài nén nhang mới hay quê mình cũng đã nhiều nhang khói. Có lần cha tôi gọi về, về đi, về nơi này mà sống với cha. Nhưng tôi là kẻ háo thắng, thích phiêu lưu để khẳng định mình, chấp nhận trả giá cho cuộc mưu sinh đầy nghiệt ngã để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải như cha, sống đúng và sống thẳng.

Vậy mà cuộc đời cứ như cười cợt, chúng đong đưa ngả ngớn khiến thằng tôi mệt mỏi vô cùng, đôi khi hụt hẫng muốn quay trở về nơi chốn bình yên, nơi cánh đồng Bàu Bèo sẵn sàng tha thứ, dang rộng vòng tay đón nhận tôi về dù trong thất bại, trong khó khăn hay những khi chai sạn tâm hồn.

Với dáng hình cong cong và đôi mắt lồi, tôi trở thành hạt cát lem luốc ở đất Sài thành, ngày ngày sấp ngửa mưu sinh, cá cược phận mình bằng ước mơ khát vọng. Nhưng trải qua biết bao thất bại, tôi bắt đầu nhận ra nụ cười nửa miệng, lời nói hoa mỹ trơn trợt ở người, nhận ra cái bắt tay ngấm ngầm hợp tác, hợp tác vụ lợi, hợp tác sòng phẳng mà đôi khi nghiệt ngã đau lòng. Ngay lúc đó, tôi thèm được ai đó cầm tay, mà không, chỉ cái nhìn ấm áp cho nhau đã đủ.

Bàu Bèo bây giờ đã khác, những dáng người cong cong cũng trở nên già cỗi, tóc tai bạc trắng trời chiều. Làng tôi đã vào chung cư, chái bếp bên nhà không còn dấu vết, cây đa vô tình hất tung kỷ niệm rốn nhau, trở thành cây kiểng trong vườn nơi xa xứ. Bàu Bèo thành khu liên hợp, dự án lớn nhất đặt tại quê tôi, bổ ra nhà xưởng mọc lên ngút ngàn.

Dân làng bây giờ vào xưởng, thoát khỏi những ngày nắng mưa sấp ngửa sớm chiều, cất đi nón lá, thay bộ đồng phục, gói vào kỷ niệm chiếc áo bà ba. Chỉ tội cho cha, ông luôn sống trong hoài niệm, cứ chiều chiều ông ra đầu ngõ, cuốc vài bụi cỏ lạc loài rồi lại quay vô. Thương ngôi mộ mẹ không còn chỗ cũ cho cha được trồng bông thọ bông trang, tỏa hương ngan ngát. Ngày giải tỏa đền bù, người ta bốc mộ, tôi thấy cha buồn man mác xa xăm. Hương hồn của mẹ được đem vào chùa, tôi không giẫy mộ trong ngày cuối năm, không còn lang thang cắm nhang gia phả.

Suốt ngày trong nhà, cha tôi nao lòng không thấy trâu bò, không thấy mùa lúa đổ đồng vàng ươm, thấy hình nhân rơm rạ sừng sững trong đám hoa cà, bất chợt khóe mắt cay cay dù không khói đốt đồng bay lên bảng lảng. Cha thèm nghe tiếng tắc kè tặc lưỡi bờ tre, tiếng côn trùng nỉ non trong đêm mưa rả rích, tiếng gà gáy canh ba, tiếng lục đục ra đồng gọi nhau í ới khi mặt trời còn chìm trong đêm, chưa nhìn thấy mặt, đã kịp nhận ra bởi những tiếng cười.

Chị Hai đã già, dáng người cong cong giống mẹ, lầm lũi đi qua hơn nửa cuộc đời. Khi được đền bù, cha tôi có phần cho chị, nhưng chị cần kiệm không dám ăn ngon, không dám mua sắm tiện nghi trong nhà, chỉ thích mua vàng đeo lủng lẳng như để bù đắp quãng đời khó khăn. Nhìn chị chưng diện, tôi thấy lòng xốn xang, thương chị đâm ra kệch cỡm quê mùa.

Từ khi có tiền đền bù, quê nghèo bắt đầu lột xác, dáng quê bây giờ thay đổi khác xưa, ấm no và sung túc. Nhưng thỉnh thoảng vẫn phải chạnh lòng khi có người lột sạch chất quê, học cách đua đòi của người thành thị. Trai quê tập tành tìm quán bia ôm, suốt ngày lạng lách báng bổ trên đường, ông Tư nhà bên già khọm, sui gia tứ bề mà có vợ hai, bõ bèn đám con ngại ngùng xấu hổ. Đám trẻ giờ đây tỏ ra sành điệu, tóc tai hai màu xanh đỏ, tay cầm điện thoại đủng đỉnh mà chẳng biết nói gì, không lẽ bây giờ hỏi ăn cơm chưa, khi nào gặp nhau ở xưởng. Tôi không trách họ, thương họ quê mùa không nghĩ xa hơn, ngay cả chưa quen với sự đổi đời.

Có lẽ tôi đã sai lầm nên một thời loay hoay giữa ước mơ và hiện thực, để rồi nhận ra không nơi nào bằng chính quê hương. Bàu Bèo đã cưu mang và nuôi tôi lớn khôn để bay đi xứ khác, trong khi mọi người đổ dồn về đây tìm cuộc sống yên bình. Những đêm trằn trọc, tôi luôn ám ảnh lời nói của cha, về đi, về nơi này mà sống, bây giờ quê mình thay đổi khác xưa. Tự nhiên nơi khóe mắt cay cay, cảm giác về một ngôi sao sắp tắt. Mặc cảm đói nghèo trong tôi đã trở nên tội lỗi, khi đã nên người, tôi hãnh diện dáng mẹ cong cong, dáng cha choắt lại cùng tiếng lanh canh vét gạo mỗi chiều.

Mười mấy năm rời bỏ làng quê dan díu chốn thị thành, tôi mãi mãi là vết chấm đen của bức tranh thành phố. Tôi đã học trường đời rất nhiều, nhưng không học được những lời trơn tru, lời đầu môi chót lưỡi ở người, bao năm sống trong thành thị, giật mình nhận ra mình vẫn quê mùa. Cho đến lúc này, khi mỏi gối chùn chân, tôi vẫn tự tin lao vào cuộc sống và làm lại từ đầu.

Qua bao ngày chuẩn bị, tôi quyết định quay về xin việc ở quê, trong khu liên hợp ngay cạnh nhà mình. Ở đó ngày xưa có dáng mẹ tôi, dáng cha, dáng chị, dáng các em tôi lầm lũi mưu sinh trong những năm đói nghèo. Bây giờ Bàu Bèo không còn vết tích, tiếng nỉ non của loài côn trùng cất lên ai oán được thay bằng những tiếng vào ca, tiếng máy nổ, tiếng xe ra vào công ty tấp nập cho những chuyến xuất hàng.

Tôi lên xe đi về hướng đó, hướng Bàu Bèo quê mình, đến cầu Bình Triệu, tôi ngoái nhìn Sài Gòn và vẫy tay

LƯU THÀNH TỰU

Tin cùng chuyên mục