Trở lại những “điểm đen”

Thời gian qua, TPHCM tập trung nhiều giải pháp chấn chỉnh tình hình giao thông, nhờ đó tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) giảm đáng kể. Nhưng nhìn chung kết quả chưa như mong muốn.
Trở lại những “điểm đen”

Thời gian qua, TPHCM tập trung nhiều giải pháp chấn chỉnh tình hình giao thông, nhờ đó tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) giảm đáng kể. Nhưng nhìn chung kết quả chưa như mong muốn.

  • Ứ đọng còn hơn ùn tắc

Với tình hình phương tiện giao thông tăng cơ học và TPHCM có nhiều giao lộ đồng mức thì vấn đề ùn tắc và TNGT trở thành nan giải. Ông Nguyễn Văn Chương, bán cơm trên đường An Dương Vương, cho biết: “Không kể giờ cao điểm hay thời điểm thi đại học hay tốt nghiệp phổ thông… tình hình ùn tắc tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - An Dương Vương vẫn thường xuyên xảy ra. Chỉ cần xe buýt hay xe ô tô gặp nhau ở giao lộ là ùn tắc”.

Thật vậy, khi xe buýt đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Cừ chuyển hướng về đường An Dương Vương thì hàng trăm phương tiện lưu thông chiều ngược lại phải dừng đợi, mặc dù đang trong tình trạng ưu tiên. Nhiều lúc khi xe buýt thoát khỏi giao lộ thì đèn giao thông đã chuyển tín hiệu. Các phương tiện ùn ứ tại giao lộ và tìm mọi cách để thoát khỏi, tình trạng ùn tắc còn nghiêm trọng hơn. Va quẹt là khó tránh khỏi.

Nút giao thông Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Cao Thắng còn có mức độ xung đột nghiêm trọng hơn. Ông Nguyễn Thanh Long, bảo vệ một doanh nghiệp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết: “Tôi công tác ở đây hơn một năm và hiểu rất rõ tình hình giao thông ở khu vực này. Có thể rút một kinh nghiệm hay là “thà ứ đọng còn hơn ùn tắc”. Trong giờ cao điểm, nếu trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai ở bất cứ chiều nào thông thoáng thì nút giao lộ gần đó bị ùn ứ phương tiện!”.

Thực tế, đây là tuyến đường mà trên một đoạn ngắn có nhiều giao lộ. Điển hình, một ô tô chuyển hướng ở giao lộ lân cận giao lộ nêu trên, như giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thượng Hiền, Cao Thắng - Võ Văn Tần hay Cống Quỳnh - Phạm Viết Chánh thì tình hình ùn ứ lập tức xảy ra.

Anh Lê Văn Chánh, tài xế một doanh nghiệp gần giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng, bức xúc: “Bây giờ sếp tôi kinh nghiệm lắm rồi. Nếu ra khỏi cơ quan thì cần thiết lắm ông mới quay lại trong giờ cao điểm. Thông thường là về nhà luôn. Thú thực, tôi đã nhiều lần mệt mỏi với giờ cao điểm. Đưa sếp về đến cơ quan mà không có cách nào đưa xe vào. Các phương tiện thì ken đặc, sắp hàng rồng rắn, sếp tôi muốn mở cửa xe để đi xuống, đi bộ qua đường cũng không được”.

  • Tiện thể hơn tiện dụng

Anh Lâm Sơn Vinh, chủ một sạp kinh doanh rau quả ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức phấn khởi: “Do công việc kinh doanh, ngày nào tôi cũng qua lại quốc lộ 13. Có thể nhận định rõ ràng là từ ngày có dải phân cách, tình hình TNGT đã giảm đáng kể”. Ít ai biết rằng việc thiết lập dải phân cách là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tình hình ùn tắc và TNGT. Theo ghi nhận thực tế, tại tuyến quốc lộ 13, 1A và 52 thì các loại phương tiện đã lưu thông đúng phần đường quy định của mình. Dù việc di chuyển của các loại phương tiện gắn máy có chậm hơn, nhưng an toàn hơn. Trung tá Trần Văn Thương, Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, cho biết: “Chỉ tiêu giảm 10% số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương tại các tuyến quốc lộ đã được thể hiện rõ. Cụ thể, trên tuyến Xa lộ Hà Nội năm 2010 có 26 vụ TNGT, làm 18 người chết thì sang năm 2011 đã giảm xuống còn 23 vụ và 15 người chết”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số khu vực, ý thức của người tham gia giao thông rất thấp và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ATGT. Đó là tình trạng “tiện thể hơn tiện dụng”. Khách bộ hành và công nhân các nhà máy, công ty, xí nghiệp nằm dọc tuyến quốc lộ đã không đi bộ đến các khu vực mở, có lối đi ưu tiên cho khách bộ hành mà không ngần ngại trèo qua dải phân cách để sang đường. Theo quy định, khoảng 2km sẽ có một điểm mở ở dải phân cách, nhưng người tham gia lưu thông đã không đến các điểm đó để quay đầu mà lại lưu thông ngược chiều.

Công nhân của một công ty (khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đang trèo qua dải phân cách ở quốc lộ 13.

Công nhân của một công ty (khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đang trèo qua dải phân cách ở quốc lộ 13.

Thực trạng nêu trên đã được chúng tôi ghi nhận khá phổ biến tại “điểm đen” giao lộ quốc lộ 1A - Nguyễn Thị Tú đến đường Liên khu 5-6 gần cầu Bình Thuận (thuộc phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân)… Cứ mỗi khi đèn tín hiệu giao thông bật xanh thì hàng chục phương tiện lại phóng nhanh ngược chiều một cách rất bình thường. Nhiều lần CSGT xuất hiện, nhưng họ chỉ quan tâm đến việc chấn chỉnh tình hình giao thông của các phương tiện xe tải, xe khách…

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục