

Trường Sơn chập chùng trong sắc óng ánh của cầu vồng. Ảnh: LÊ THANH ĐÔNG
* Dakto - Tân Cảnh, A Lưới, Trường Sơn Tây - Trường Sơn Đông, sông Dakrông, những buôn làng người Mơ Nông, Ba Na, Vân Kiều, những cái tên Khe Sanh, Làng Vây, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9 Nam Lào – những địa danh chiến thắng lừng lẫy sống lâu trong tiềm thức, hiển hiện trước mắt tôi.
Những dãy núi cao chập chùng núi liền núi, cao chất ngất, những vực sâu thăm thẳm xa tít xa phía dưới lởm chởm đá tảng chất chồng, lấp loáng từng mảng nước chảy len lỏi.
Con đường đèo vòng vèo, cong như cánh cung, thoắt ngoặt gấp khúc như cùi chỏ, quanh co xoắn như đèo Lò Xo dài 51 cây số, ngoằn ngoèo lướt qua dưới chân dãy núi Ngọc Linh, có độ cao sau ngọn Hoàng Liên Sơn.
Đang giữa tháng tư, trời nắng to nhưng thời tiết mát dịu nhờ hàng cây ven đường trút lá trổ hoa, trông xa như cây bông trắng, bông đỏ, bông vàng. Muôn sắc hoa rừng đua nhau đơm bông, khoe hương sắc. Qua huyện Hiên nối Trường Sơn Tây - Trường Sơn Đông, nữ nghệ sĩ múa Xuân Va khẽ hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt bên mưa quây - làm ai trong xe cũng bồi hồi.
Tôi đã nhiều năm dọc ngang trên đường Trường Sơn ở chiến trường miền Đông, ghi những thước phim chiến trận và đội Thanh niên xung phong trên đường mòn Hồ Chí Minh. Lần đầu tôi đặt chân lên con đường Trường Sơn từ Bắc Tây Nguyên ra miền Trung. Cảnh vật nơi này với tôi mới lạ, nhưng những địa danh này đã in dấu trong tâm khảm tôi qua biết bao câu ca, hình ảnh và chuyện kể hùng tráng về những con người xẻ đá vượt Trường Sơn đi cứu nước.
Tôi nhớ ông Nguyễn Văn Kính, một trong những người dẫn đầu đoàn người từ phía Nam đi nối đường Trường Sơn với đoàn phía Bắc, tôi đã ghi hình trong phim tôi đạo diễn: Tiếng nổ sau chiến tranh, kịch bản Dương Cẩm Thúy. Khi ấy ông Nguyễn Văn Kính (Bí thư huyện Phước Long) làm công việc đi nối đường dây điện đài Nam Bắc. Công việc của những chiến sĩ giao bưu. Ông Kính đi lạc đường rừng, bị cơn đói và cơn sốt rét rừng hành hạ. Nếu không nhờ đồng bào dân tộc thiểu số cứu sống, nuôi dưỡng thì ông không thể tiếp tục đi mở đường dây Bắc Nam.
Trên xe, nhà khảo cứu văn hóa du lịch Phạm Côn Sơn kể về lực lượng Thanh niên xung phong tham gia xây dựng đường đèo Lò Xo, bằng đá tảng kết xi măng trắng dày hơn 2 tấc. Con đường đèo độc đạo một bên núi cao, một bên sông sâu. Tất cả Thanh niên xung phong đều làm đường bằng cuốc xẻng, lao động sức người với những tốp thợ đá lành nghề đất Thanh Hóa. Xe cơ giới không thể vào được con đường đèo chênh vênh ghềnh đá. Công việc đầu tiên Thanh niên xung phong không phải là đặt viên đá lót đường mà là xẻ những rãnh nước bậc thang xây bằng đá chẻ dẫn nước mưa chảy từ trên đồi cao, là việc trồng những bãi cỏ giữ đất không sạt lở có bộ rễ dày hơn nửa mét chở từ nước Úc sang. Thế nhưng mãi đến hôm nay, nỗi lo lớn nhất của lái xe đường Hồ Chí Minh là nạn sạt lở đất đá ven đường.
* Đêm nghỉ giữa cung đường Hồ Chí Minh tại trị trấn Khâm Đức heo hút. Nhớ chuyện một nhóm thanh niên nông thôn đi tìm việc làm bị kẻ lừa đảo dẫn lên núi, đêm nghỉ chân tại thị trấn Khâm Đức. Sáng ra cả nhóm thanh niên khỏe mạnh bị đưa vào rừng đào vàng. May mắn có người trốn thoát chạy trở ra Khâm Đức. Dân Khâm Đức cưu mang, tố cáo bọn lừa đảo trước công luận cả nước. Những cư dân thị trấn Khâm Đức heo hút giữa rừng Trường Sơn đã làm công việc cứu nạn cứu khổ.
Tôi sống trong rừng gần 15 năm, đã qua cảnh đói cơm thiếu muối, ăn lá bép, lá rừng thay cơm. Khi cô gái bưng thức ăn trong quán cơm dọn ra trên bàn ăn hai dĩa rau luộc, thấy vị rau lạ ăn ngòn ngọt, hơi nhẫn nhẫn, một nửa giống rau muống rau lang, nửa kia giống rau mồng tơi, tôi hỏi rau gì. Cô gái dọn thức ăn đáp: Rau Rừng! Trên cung đường Trường Sơn mới sản sinh loại rau Rừng!
* Làng xóm Việt hình thành hai bên một dòng sông. Thị trấn, thị xã Việt gom tụ hai bên con đường tráng nhựa. Đường Hồ Chí Minh là nơi quy tụ xóm làng, thị trấn dân cư Trường Sơn Tây - Trường Sơn Đông. Thế hệ dân cư con cháu Bác Hồ hình thành nên phố thị Trường Sơn trong ánh điện từ đường dây điện cao thế Bắc Nam, chạy song song đường Hồ Chí Minh.
Hai công trình nối hai thế kỷ, là hai công trình lớn thực hiện lời di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Tôi đọc ở đâu đó bài báo góp ý cán bộ địa phương để dân tự phát tràn ra hai bên đường Hồ Chí Minh. Lẽ sinh tồn của con người, sự quần tụ cư dân rừng núi, sự hình thành thôn xã Việt dựa vào dòng sông và con đường cái quan!
Sao nỡ trách cư dân Trường Sơn khi lần đầu trong đời họ ngỡ ngàng thấy xuất hiện đường dây điện cao thế lừng lững trên đỉnh núi, lần đầu tiên trong đời họ bàng hoàng thấy con đường đá tảng, đường tráng nhựa băng băng qua miếng rẫy nhà họ như trong mơ? Sự quần cư, đổi đời đã đến với dân cư đã còng lưng gùi đạn đi theo đoàn quân vượt Trường Sơn.
* Không phải lần đầu tôi ghé Quảng Bình. Nhưng lần đầu tiên tôi theo con đường Hồ Chí Minh đến viếng động Phong Nha. Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy bùi ngùi ngắm lại bến đò sông Son, nơi các em học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi đóng quân trên đường ra miền Bắc tiếp tục học hành, sau trận bom Mỹ ném xuống tan nát ngôi trường thân yêu của các em ở rừng miền Đông.
Em gái tôi, Dương Lệ Chi, hy sinh vì cứu học trò. Nhìn Dương Cẩm Thúy rớm lệ tôi hiểu em đang ngậm ngùi nhớ chị Lệ Chi và các bạn cùng lớp đã hy sinh. Khi phỏng vấn Phan Lai Triều trong động Phong Nha, ngay dưới vòm thạch nhũ lóng lánh tưởng như lạc vào động thần tiên, tôi nghe giọng nói Phan Lai Triều nghèn nghẹn. Anh nhớ đồng đội đã ngã xuống trên đường Trường Sơn. Trên đường vào Nam đơn vị Phan Lai Triều đóng quân trong động Phong Nha.
Từng sống trong lòng Bảy Núi rộng lớn, có thể chứa hàng trăm quân trong đồi Tức Dụp thời chiến tranh, nhưng nhìn hang động Phong Nha, nghe Phan Lai Triều kể chuyện cũ, tôi thấy hang động Phong Nha trở thành di sản thế giới không chỉ vì vẻ đẹp kỳ ảo, mê hoặc hồn người mà còn vì nơi đây từng là nơi trú quân của trùng điệp những đoàn quân vượt Trường Sơn vào Nam. Chiến thắng 30-4-1975 không thể không ghi công danh thắng động Phong Nha.
Vì sao văn chương nghệ thuật sáng tác về con đường Trường Sơn thời chống Mỹ lại hay và xúc động lòng người nhường ấy. Do con đường gian khổ, hiểm nguy, chết chóc mà còn mang trong hồn nó vẻ đẹp lung linh huyền ảo của động Phong Nha và con đường hoa nở bốn mùa.
Viết và làm phim về chiến tranh, về đường Hồ Chí Minh ngoài chất bi tráng hào hùng, tôi không thể quên sắc màu kỳ vĩ, đắm say lung linh, hoa lá trên núi rừng Trường Sơn và vẻ đẹp thiên thần kỳ ảo động Phong Nha…
Lê Văn Duy
25-4-2008