Theo đạo diễn Việt Bình - đạo diễn phim, trục chính của Trở lại Trường Sơn huyền thoại chính là những trọng điểm trên con đường huyền thoại thời chiến tranh, đồng thời ghi và phản ánh lại hình ảnh về những di tích lịch sử, con người, cuộc sống, những phong tục tập quán của bà con các dân tộc đang sinh sống trên con đường Trường Sơn hôm nay với nhiều đổi thay; tuy nhiên cũng còn đó nhiều cảnh đời, cuộc sống khó khăn đòi hỏi chúng ta phải thấy trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ với Trường Sơn hôm nay.
Mỗi tập phim chỉ có 10 phút, nhưng mỗi khung hình đem lại cho người xem thật nhiều cảm xúc. Khi được sống lại không khí hào hùng, rưng rưng về một thời bom đạn ác liệt mà đoàn quân vẫn tiến lên; lúc lại thấm đẫm tình yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của các bà mẹ, con em miền rừng núi hoang sơ và không ít lần cảm phục những chiến sĩ biên phòng còn rất trẻ đầy lạc quan, vinh dự, tự hào khi là người đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Cũng chính những người lính biên phòng đã cùng đoàn phim lặn lội vượt qua bao ghềnh thác, hiểm nguy để đến được điểm ghi hình. “Đoàn phim chúng tôi hết sức cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của các chiến sĩ bộ đội biên phòng, vì thú thật không có các anh ấy, bộ phim không thể hoàn thành; vì có những địa điểm heo hút mà nếu không có các anh dắt đi, không ai có thể lên tới được” - đạo diễn Việt Bình chia sẻ.
Trở lại Trường Sơn huyền thoại dự kiến dài 120 tập, phần 1 gồm 60 tập sắp hoàn thành. Theo con đường Trường Sơn năm xưa, đoàn phim đi qua 13 tỉnh tại Việt Nam, 4 tỉnh trên đất bạn Lào và 3 tỉnh trên đất nước Campuchia. Một hành trình dài với rất nhiều câu chuyện cảm động về những địa danh đã in dấu chân người lính Trường Sơn năm xưa, về những mối tình Việt - Lào đơm hoa kết trái, những sản phẩm Việt Nam có mặt trong sinh hoạt cộng đồng của nước Lào anh em…
Nhà báo Nguyễn Đức - biên kịch của phim cho biết: “Ý tưởng để thực hiện bộ phim này được khởi nguồn từ những chuyến đi trong chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải Phóng. 60 tỷ đồng trong Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn đã được báo dùng vào việc xây nhà, trạm xá, trường học và trao học bổng cho các gia đình, con em đang sinh sống trên những cung đường Trường Sơn. Tuy nhiên, còn rất nhiều tâm tư, tình cảm mà những con chữ không thể nói hết, nên Báo SGGP đã kết hợp với HTV để thực hiện bộ phim tài liệu ký sự này.
Áp dụng linh hoạt các thể loại như: ký sự, điều tra, truyền hình thực tế, khám phá… bộ phim đem lại nhiều cảm xúc hơn cho người xem”.
Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV khẳng định: “Đề tài Trường Sơn là muôn thuở với người sáng tác và người làm báo. Giá trị lịch sử của con đường Trường Sơn đóng vai trò rất lớn trong sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Nếu không có dải Trường Sơn, không có những người anh hùng và những máu xương đã đổ xuống thì chúng ta không có ngày hôm nay”.
| |
Như Hoa