Trồng cây xanh giúp thích ứng biến đổi khí hậu

Còn nhớ cơn bão số 9 có tên khoa học là Durian đã đổ bộ vào huyện Cần Giờ  - TPHCM đầu tháng 12-2006 và khi trận bão qua đi đã để lại những hậu quả nặng nề cho vùng đất vốn dĩ còn nhiều khó khăn này: 5ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 57ha nuôi trồng thủy sản, 14.855 cây ăn trái bị thiệt hại. Ngoài ra còn nhiều hư hỏng cơ sở vật chất khác như sạt lở 308m bờ kè, 8 dầm cầu…
Trồng cây xanh giúp thích ứng biến đổi khí hậu

Còn nhớ cơn bão số 9 có tên khoa học là Durian đã đổ bộ vào huyện Cần Giờ  - TPHCM đầu tháng 12-2006 và khi trận bão qua đi đã để lại những hậu quả nặng nề cho vùng đất vốn dĩ còn nhiều khó khăn này: 5ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 57ha nuôi trồng thủy sản, 14.855 cây ăn trái bị thiệt hại. Ngoài ra còn nhiều hư hỏng cơ sở vật chất khác như sạt lở 308m bờ kè, 8 dầm cầu…

Trồng cây xanh ven sông Sài Gòn tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Ảnh: KIM NGÂN

Trồng cây xanh ven sông Sài Gòn tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Ảnh: KIM NGÂN

Tiết giảm 40% ngân sách

Có lẽ cú sốc này sau đó đã giúp cho người ta nhận ra rằng có thể sự việc sẽ khác đi, hậu quả sẽ đỡ hơn rất nhiều nếu như suốt chiều dài bờ biển Cần Giờ được che chắn bởi các rặng cây.

Trên thực tế, sau cơn bão Durian, cơ quan chức năng đã thấy rõ hơn sự cấp thiết của việc phát triển cây xanh nói chung và chương trình trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển cũng như trồng cây phòng, chống sạt lở bờ bao, đê bao, bờ sông rạch nói riêng.

Câu chuyện thực tế ngày nào tại huyện Cần Giờ như vừa nêu có thể xem là một điển hình của tác dụng kép do phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố: Vừa tạo ra màu xanh cho đô thị, vừa giúp thích ứng biến đổi khí hậu. TPHCM đã xây dựng một chương trình tạm gọi là phát triển cây xanh tại thành phố thông qua phương thức xã hội hóa.

Tuyến đại lộ Đông Tây và đường Võ Văn Kiệt là một dẫn chứng cụ thể. Còn nhớ khi được đưa vào sử dụng năm 2011, việc thực hiện dự án trồng cây xanh tạo cảnh quan cho suốt chiều dài 22km toàn tuyến đại lộ Đông Tây-đường Võ Văn Kiệt gần như trở thành nan giải do tình hình nguồn vốn ngân sách bấy giờ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng chính quyền thành phố cũng không thể để tuyến đường vừa mới toanh vừa to đẹp nhất nhì thành phố không có bóng mát cây xanh. Đúng lúc ấy, sáng kiến được đưa ra: sử dụng phương thức xã hội hóa.

Kết quả là tổng cộng hơn 8.000 cây xanh thuộc 18 chủng loại cây như: giáng hương lá lớn, gõ nước, chuông vàng, phượng vỹ, long não, lim xanh… đã được trồng mới dọc toàn tuyến đường. Những đơn vị tiêu biểu và cũng tích cực hưởng ứng nhất việc phủ xanh tuyến đại lộ Đông Tây-đường Võ Văn Kiệt là Công ty Công viên cây xanh thành phố; Công ty cổ phần Liên doanh Hoàn Long – Hoàn Vũ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty Công ích quận 2; Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn; Xí nghiệp Phân bón Đông Thạnh... Hình thức tham gia đóng góp khá đa dạng: cây xanh các loại, tiền mặt, phân bón, máy móc thiết bị thi công, nhân lực… Tổng kinh phí riêng cho khoản phủ xanh tuyến đường hơn  4,3 tỷ đồng.

Sau đó, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn thành phố đã có thêm gần 13.000 cây xanh các loại được trồng mới, đồng thời đưa vào bảo quản thêm hơn 55ha công viên, mảng xanh. Cũng chính kênh xã hội hóa này đã giúp tiết giảm cho ngân sách thành phố hơn 40% kinh phí lẽ ra phải dành cho công tác trồng cây.

Tiếp tục xã hội hóa

Với những ích lợi như thế, đồng thời xác định việc phát triển công viên cây xanh giữ vai trò quan trọng tạo nên môi trường bền vững, chính quyền thành phố cũng đồng thời xác định sẽ tiếp tục chú trọng thí điểm vận động xã hội hóa phát triển mảng xanh trên toàn địa bàn trong thời gian tới. Trước mắt, sẽ có nhiều hình thức xã hội hóa được linh động vận dụng thí điểm.

Đó có thể là hình thức sử dụng “Thư ngỏ” để vận động trực tiếp đóng góp kinh phí, vật tư, nhân lực… nghĩa là cách làm tương tự như đã triển khai đối với tuyến đại lộ Đông Tây-đường Võ Văn Kiệt. Tuy nhiên, phương thức này không phải lúc nào cũng áp dụng thành công nên TPHCM đã tính đến một phương thức khác đặt trên cơ sở có “bồi hoàn” đúng mức cho nhà đầu tư. Đó là hình thức kêu gọi đầu tư phát triển mảng xanh, bù lại nhà đầu tư sẽ được khai thác một hoạt động phù hợp nào đó.

Phương thức này được xác định thích hợp đối với các khu đất dự trữ, đất hành lang an toàn giao thông hoặc đất tại các công trình cầu. Trong đó, các khu đất dự trữ, đất hành lang an toàn giao thông do đặc thù tính chất và quy mô thường khá lớn, nên chủ yếu sẽ được thực hiện theo định hướng kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị chuyên ngành cải tạo, sử dụng khu đất làm nơi giãn cây xanh qua đó giữ mặt bằng thông thoáng mà vẫn đảm bảo phủ xanh khu đất bằng cách trồng cây, cỏ.

Nếu các vị trí cần phát triển mảng xanh lại đòi hỏi yêu cầu mỹ quan và phải luôn được duy trì tốt, theo các chuyên gia, cách tốt nhất là vận động các đơn vị cung ứng dịch vụ bảo quản công viên cây xanh tham gia đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn của đơn vị, sau đó đơn vị sẽ được ưu tiên xem xét, lựa chọn để đảm nhiệm công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

HUY KHÁNH

Tin cùng chuyên mục