Theo Ban chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) TPHCM, TP đang có nhiều dự án giảm nhẹ tác động của BĐKH trong lĩnh vực năng lượng. Trước hết là dự án hỗ trợ kỹ thuật, đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao trong chiếu sáng công cộng tại TP. Dự án sẽ do Sở GTVT TPHCM và Sở KHCN TPHCM phối hợp thực hiện. Hai dự án liên quan chiếu sáng khác cũng do Sở GTVT phối hợp với Sở KHCN cùng UBND các quận, huyện thực hiện là dự án thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng đèn hiệu suất cao tiết kiệm điện và dự án thay thế hệ thống đèn chiếu sáng dân lập bằng đèn hiệu suất cao tiết kiệm điện.
Đúng như tên gọi, cả ba dự án này đều có nội dung: tiết kiệm điện. Tiết kiệm điện không những giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tiêu dùng điện mà còn góp phần quan trọng giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo tính toán của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM, cứ một kWh điện tiết kiệm được có nghĩa đã giảm phát thải được khoảng 0,5674 kg CO2 - loại khí phổ biến gây hiệu ứng nhà kính, làm BĐKH.
Cũng là tiết kiệm điện nhưng 4 dự án sau đây lại do Sở Công thương chủ trì thực hiện. Đó là dự án triển khai các quy định về tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp, quản lý các công trình xây dựng và trong sinh hoạt; dự án xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp trọng điểm (sẽ tiến hành mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp vào năm 2020); dự án thí điểm xây dựng mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi gia đình; dự án xây dựng mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp. Nhiều nội dung trong các dự án này đã và đang được triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, cái mới là sắp tới chúng sẽ được lồng ghép thực hiện với các dự án thích ứng với BĐKH.
Tổng Công ty Điện lực TPHCM cũng tham gia với một dự án về giảm tốn thất điện năng lưới điện với lộ trình thực hiện đến 2015.
Về việc hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và thay thế dần bằng năng lượng sạch, Sở GTVT và Sở KHCN lại gặp nhau trong hai dự án: nghiên cứu, đánh giá hiệu quả việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng thay thế xe cá nhân và dự án đầu tư xây dựng hệ thống metro tramway và mua sắm xe buýt công nghệ mới.
Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc chịu trách nhiệm triển khai hai dự án: Khuyến khích, thống kê việc xây dựng tòa nhà xanh, tòa nhà không phát thải, tiết kiệm năng lượng và Quy hoạch phát triển các khu đô thị và công nghiệp sinh thái.
Trách nhiệm nghiên cứu xây dựng kế hoạch tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo một lần nữa được giao cho Sở KHCN, Sở Công thương và Tổng Công ty Điện lực TPHCM. Theo đó, các đơn vị này phải thực hiện các dự án: Quy hoạch khai thác và sử dụng nguồn năng lượng gió và mặt trời tại thành phố; quy hoạch xây dựng các nhà máy phát điện sử dụng năng lượng mới năng lượng tái tạo, khí gas thay thế cho việc sử dụng các nguồn năng lượng có nguồn gốc từ dầu hỏa, than đá nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; phát triển ngành công nghiệp sản xuất các loại sản phẩm, thiết bị sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Như vậy là TPHCM không thiếu các kế hoạch cho việc phát triển các nguồn năng lượng mới. Nhưng để thực hiện được chúng, có lẽ ngành chức năng nên quan tâm đến kiến nghị của các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý mà Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đề cập.
SƠN LAM