Trông người mà ngẫm đến ta

Tại Áo, một quy định mới vừa được chính phủ áp dụng là các công trình mới phải sử dụng năng lượng xanh. Cách làm này ngay lập tức tạo tác dụng mạnh đến nhận thức của xã hội về việc thay đổi thói quen sử dụng nguồn năng lượng truyền thống. Ngẫm lại nước ta, việc quy định sử dụng năng lượng hiệu quả đã quá lâu nhưng cho đến nay vẫn loay hoay chưa áp dụng được vì còn quá nhiều tranh cãi.

Trở lại mốc thời điểm của 7 năm về trước, quy định sử dụng năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà có hiệu lực nhưng cho đến nay quy định chỉ là quy định. Hiệu quả thực hiện quy định áp dụng cho các công trình xây mới hoặc cải tạo lại cực kém. Không phải các chủ đầu tư không biết đến quy định, nhưng họ vẫn lơ đi trong quá trình thiết kế, xây dựng. Để rồi khi được hỏi đến, phần lớn các chủ đầu tư đều có chung câu trả lời là “không biết”.

Đâu là lý do thực sự của vấn đền này? Đó chính là chi phí đầu tư. Đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM khẳng định, chi phí xây dựng công trình không xanh giúp chủ đầu tư tiết kiệm 20% - 25%/tổng kinh phí so với công trình xanh. Vậy nếu không có giải pháp nào buộc các chủ đầu tư phải tốn thêm 25% chi phí trên thì hà cớ gì họ lại phải ép mình tự chịu thiệt thòi.

Và cũng đến lúc, lý lẽ trên được đặt lên bàn nghị sự với mong muốn xây dựng cơ sở pháp lý cho việc chế tài những chủ đầu tư nói không với công trình xanh. Thế nhưng, đáng tiếc ngay khi giải quyết được lý lẽ này thì lại nảy sinh nhiều lý lẽ khác. Trong đó, tập trung nhiều nhất là những quy định giải pháp kỹ thuật chưa thực sự rõ ràng và hợp lý.

Vòng quanh với nhiều lý do trên mà đã 7 năm trôi qua, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn chưa thực sự khẳng định được sự cần thiết phải có mặt của mình. Cho dù bất cập ở khâu kỹ thuật hay tính pháp lý thì chung hết vẫn là do ý thức chưa cao từ các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp (DN). Để phổ biến Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các DN, Sở Công thương TPHCM đã năm lần bảy lượt mời các DN lên tuyên truyền phổ biến quy định luật; đồng thời hướng dẫn DN thực hiện đăng ký dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm là thiết bị sử dụng điện mà họ sản xuất. Thế nhưng, nhiều DN đã từ chối tham dự với lý do lãnh đạo bận đi công tác. Thậm chí, có những đơn vị rất lớn, thuộc đối tượng trọng điểm sử dụng năng lượng của thành phố nhưng sau 3 lần mời thì lãnh đạo vẫn vắng họp vì vẫn lý do cũ.

Ngẫm mà thấy lạ. Lạ là vì có lẽ DN nước ta không thích được tư vấn, hướng dẫn. Chỉ khi nào họ thực sự bị kiểm tra, bị phạt vì chưa thực hiện đúng quy định thì đến lúc đó họ mới bắt đầu quan tâm, tìm hiểu và thực hiện. Đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, với cách hành xử như thế này, chắc hẳn đầu năm 2013 sẽ có rất nhiều DN bị xử phạt vì vi phạm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hơn nữa, tình trạng ùn ứ hồ sơ tại các cơ quan chức năng sẽ khó tránh khỏi do DN sẽ dồn đăng ký. Tình trạng này vốn đã và đang trở nên khá phổ biến không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, sở dĩ có thực trạng trên vì xuất phát từ thực tế luật hoặc quy định nước ta được ban hành khi chưa thực sự hoàn thiện và phù hợp với thực tế. Do đó, mới xảy ra tình trạng quy định ban hành rồi lại tiếp tục sửa đổi. Điều này khiến DN “lờn” quy định. Muốn chấm dứt thực trạng này, nhất thiết các cơ quan chức năng cần chuẩn hơn trong việc ban hành quy định. Có như vậy, DN dễ tiếp nhận và chấp hành tốt hơn trong quá trình hoạt động của mình.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục