Trồng tre chống sạt lở danh thắng nổi tiếng Kinh thành Huế

Đây là giải pháp tạm thời để giữ đất 2 bên vỉa hè cũng như tạo cảnh quan khu vực hồ Tịnh Tâm, sau này sẽ triển khai nghiên cứu tổng thể để có giải pháp tu bổ và tôn tạo hợp lý, mang tính lâu dài và bền vững.

Ngày 24-5, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đi kiểm tra công tác chỉnh trang hồ Tịnh Tâm và yêu cầu UBND thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập trung ưu tiên dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp; có kế hoạch chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng tiêu biểu của khu vực Kinh thành Huế.

Trồng tre chống sạt lở danh thắng nổi tiếng Kinh thành Huế ảnh 1 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra công tác chỉnh trang hồ Tịnh Tâm

Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh), đồng thời làm kè tre để giữ đất, chống sạt lở hồ Tịnh Tâm.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là giải pháp tạm thời để giữ đất 2 bên vỉa hè cũng như tạo cảnh quan khu vực hồ, sau này sẽ triển khai nghiên cứu tổng thể để có giải pháp tu bổ và tôn tạo hợp lý, mang tính lâu dài và bền vững.

Trồng tre chống sạt lở danh thắng nổi tiếng Kinh thành Huế ảnh 2
Trồng tre chống sạt lở danh thắng nổi tiếng Kinh thành Huế ảnh 3 Trồng tre chống sạt lở hồ Tịnh Tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đánh giá cao việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai các giải pháp nhằm chỉnh trang khu vực hồ Tịnh Tâm, khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hồ. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không xả rác thải xuống hồ, bảo vệ môi trường khu dân cư; kết hợp ra quân Ngày Chủ nhật xanh để làm vệ sinh môi trường xung quanh hồ. Có kế hoạch xử lý hệ thống nước thải, cải thiện môi trường nước hồ Tịnh Tâm.

"Hồ Tịnh Tâm là một danh thắng nổi tiếng của đất Kinh thành, việc bảo tồn và phát huy giá trị là việc làm cần thiết để nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân. Việc phục hồi và tu bổ phải tôn trọng tối đa tính nguyên gốc của các yếu tố cấu thành di tích, hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp vào yếu tố gốc làm thay đổi các giá trị của di tích. Việc làm trước mắt và cần làm ngay là phải tập trung xử lý nước thải và cải tạo môi trường; khi người dân có ý thức bảo vệ di sản thì việc phục hồi và tôn tạo mới có ý nghĩa", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh.

Trồng tre chống sạt lở danh thắng nổi tiếng Kinh thành Huế ảnh 4 Rác thải bủa vây danh thắng hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1.500m. Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đều là những trung tâm điểm của các kiến trúc trong hồ. Đây là một trong những cảnh nổi tiếng nhất của đất Kinh thành Huế ngày xưa.

Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Triều Nguyễn huy động 8.000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.

Từ cuối thế kỷ XIX, do thiếu điều kiện chăm sóc, các kiến trúc ở khu vực hồ Tịnh Tâm bị hư hỏng dần hoặc bị triệt giải. Năm 1946, vòng tường gạch bao quanh hồ bị phá để xây dựng một vòng tường thấp hơn. Năm 1960, trên nền điện Bồng Doanh cũ có dựng một ngôi đình bát giác nhỏ để kỷ niệm. Trong lần tu bổ này một cây cầu bê tông đã được xây dựng để nối đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh...

Ngày nay, hồ Tịnh Tâm vẫn ở trong trạng thái phế tích.

Tin cùng chuyên mục