Mãi cho đến tận đầu thế kỷ XXI này cơm vẫn là thức ăn chính của người Việt. Dù có “chán cơm thèm phở” thì phở cũng vẫn từ hạt lúa mà ra. Gần đây lúa gạo đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới hàng triệu tấn một năm. Thế nhưng lịch sử lâu dài bao nhiêu ngàn năm, cây lúa nước của Việt Nam cũng chưa có những bằng chứng khoa học cả tự nhiên và xã hội xác định được chính xác. Có chăng chỉ là một số hình ảnh trang trí trên trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng hơn 2.000 năm. Và một số hiện vật được khai quật tại Thành Dền trong đó có những hạt thóc thuộc nền văn hóa Đồng Đậu cách chúng ta khoảng 3.000 năm. Tất nhiên chưa có kết luận khoa học chính thức về niên đại những hạt thóc này. Người ta mang ươm trồng nó cũng trổ bông như thóc năm ngoái mà thôi.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Việt Nam có đến hơn 600 giống lúa được gieo trồng trên khắp đất nước tùy theo điều kiện thổ nhưỡng mỗi vùng. Giờ đây người Việt ăn gạo quanh năm nhưng rất ít người còn nhận ra hương vị riêng của từng giống lúa. Hình như cũng chẳng ai có đủ trí nhớ để phân biệt ngần ấy loại gạo kể cả những nhà nông học. Quãng nửa thế kỷ trước thì tình hình chưa đến nỗi như vậy. Người ăn gạo vẫn phân biệt được gạo chiêm, gạo mùa, lúa ba giăng, lúa lốc và những loại gạo ngon nức tiếng.
Ở miền Bắc nổi bật có gạo tám thơm Xuân Đài ở mạn Hải Hậu - Nam Định. Hạt gạo trắng trong hơi ngả xanh búp dong. Thổi nồi cơm lên thơm khắp xóm. Những năm chiến tranh chỉ có cán bộ cao cấp ở thành phố mới được mua phân phối loại gạo này. Ngay cả dân Hải Hậu cũng nhiều người không biết mua ở đâu. Ngoài tám thơm Xuân Đài ra, gần khắp các tỉnh miền Bắc đều có gạo tám xoan. Không ngon bằng nhưng cũng vào hàng quý hiếm. Dân phố thông thường tết đến tìm mua được ít gạo dự đã là hạnh phúc lắm rồi. Gạo dự không thơm bằng gạo tám nhưng độ dẻo và ngọt cũng chẳng kém. Hạt gạo gầy trong veo nhìn đã thích mắt. Người xưa gọi là “ngọc thực” kể cũng không ngoa. Cơm nấu gạo dự để nguội sáng ngày ra chỉ cần thêm thìa nước mắm truyền thống mậu dịch bán 1,5 đồng/lít là ấm bụng đi làm. Lúc này vẫn còn giống lúa lốc gạo đỏ như trong câu ca dao “Muốn ăn gạo đỏ muối vừng/ Lấy chồng Yên Phụ thì đừng chê đen”. Hạt gạo ngắn ngày này màu nâu gạch, thổi cơm lên khá thơm và ngậy béo. Ăn với muối vừng cũng thật khó quên.
Sang đến thập kỷ ’70, ‘80 nhiều giống lúa mới xuất hiện với những cái tên khá mỹ miều. Những là Mộc Tuyền, Trân Châu lùn, Bao Thai, Thần Nông…Ngạc nhiên thay, lúc ấy ăn cơm chỉ còn nhận biết nó là gạo mới hay cũ mà thôi. Chẳng có mùi vị đặc trưng chiêm mùa quý hóa nào cả. Những năm đói khổ ấy được bữa cơm không độn sắn, khoai, mì sợi đã là quý hóa lắm. Những năm ấy người thành phố mua lương thực bằng sổ phân phối theo tiêu chuẩn nhân khẩu gia đình. Cuốn sổ có trang bìa in dòng chữ “Sổ mua lương thực” là bởi lượng gạo mua được tối đa cũng chỉ chiếm 50% tiêu chuẩn. Nhưng dân phố vẫn gọi tắt là “Sổ gạo”. Và “Sổ gạo” vẫn là vật quý giá nhất nhà. Sơ ý làm mất nó lập tức tai họa giáng xuống cả gia đình. Thành ngữ “Mặt nghệt như mất sổ gạo” ngày ấy là để nói về vẻ mặt tiếc nuối ân hận khi đánh mất những thứ tột cùng quý giá.
Những năm gần đây có thêm nhiều loại gạo mới được bán rộng rãi trên thị trường. Gạo xén cù Lào Cai, gạo tám Điện Biên, gạo nếp Tú Lệ, gạo tám Xuân Đài, gạo Nàng Hương Nam bộ, gạo Thái nhập khẩu…Những thứ gạo này đã có bàn tay công nghệ can thiệp vào. Nhà sáu người ăn chỉ nên mua 5 cân một lần. Mua một lúc 10 cân thì 5 cân còn lại cũng hết mùi thơm. Đó cũng là một thiệt thòi lớn cho lũ trẻ tầm dưới 30 tuổi bây giờ. Chúng đã không được thưởng thức những hương vị tuyệt vời của mấy ngàn năm lúa nước Việt Nam.
Đúng là “khôn dại tại miệng”. Miếng ngon cứ phải miệng người ta phân định. Hạt gạo Việt Nam mang xuất khẩu bao giờ cũng có giá thấp hơn nhiều nước. Đơn giản vì nó kém ngon. Nếp nghĩ thiếu thốn xưa kia đã khiến người Việt đẩy cao năng suất cây lúa lên đến mức mất ngon rồi thì phải? Hình như bây giờ là lúc cần phải nghĩ đến giá trị truyền thống của hạt gạo ngày nào.
Tết năm nay trên chợ hoa đã thấy loáng thoáng bày bán những khóm lúa trĩu bông rất lạ. Người ta mua về bày làm cảnh trong nhà. Lúa trĩu bông vào ngày tết chứng tỏ một nền kỹ thuật nông nghiệp đã gần như chủ động mùa vụ. Giờ chỉ còn mỗi việc làm cho hạt gạo ngon lên mà thôi.
2-2017
ĐỖ PHẤN