Trục lợi trên những thân phận cùng cực

Ăn trên nỗi đau của người khác
Trục lợi trên những thân phận cùng cực

Qua phản ánh của bạn đọc Báo SGGP, một trường hợp có hoàn cảnh đáng thương được Báo SGGP đăng trên mục “Địa chỉ cần giúp đỡ” đã bị một vài đối tượng lừa phỉnh, ăn chặn tiền. PV Báo SGGP tiến hành xác minh và tìm đến gia đình ông Trịnh Tấn Á (Tổ 1, thôn Quý Thạnh, Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam, là trường hợp đăng trên Báo SGGP số ra ngày 18-8-2014).

Gia đình ông Trịnh Tấn Á vốn đã khó khăn, nay lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Ăn trên nỗi đau của người khác

Theo trình bày của ông Á, ông Đặng Hoàng Chương (72 tuổi) và bà Trần Thị Thu (55 tuổi, vợ ông Chương) vốn là người cùng quê. Ông Á có nhờ vợ chồng ông Chương viết đơn khiếu kiện việc tòa xử quá nhẹ đối tượng đã đánh, gây thương tích cho con ông là Trịnh Tấn Phúc (25 tuổi). Sau đó, vợ chồng Chương - Thu ngỏ ý viết giúp một lá đơn nêu lên hoàn cảnh khốn khó của gia đình để kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm với điều kiện là ông Á phải chi lại cho vợ chồng Chương - Thu 40% số tiền được giúp đỡ.

“Trong lúc hoảng loạn, bần cùng với lại tôi cũng không biết chữ nên đồng ý. Ai ngờ sự nhẫn tâm của vợ chồng ông Chương, bà Thu đã gây không ít phiền toái cho gia đình chúng tôi. Qua lá đơn ông Chương viết, sau đó tôi có biết trường hợp của con tôi được đăng trên Báo SGGP. Ít lâu sau, Báo SGGP đã gọi điện cho tôi thông báo ra bưu điện nhận tiền của bạn đọc giúp đỡ. Tôi nhận 2 lần với tổng số tiền là 13,3 triệu đồng. Lần đầu tiên là 9,4 triệu đồng thì vợ chồng ông Chương chặn lấy hết 4,5 triệu đồng. Lần thứ 2 tôi không báo cho ông Chương biết, nếu không thì ông ta cũng không tha. Không những thế, với lá đơn ông viết kèm theo tấm hình đứa con tôi đang thoi thóp, vợ chồng ông ta đã mang đi nhiều nơi kêu gọi và nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân khác. Cụ thể Chi hội từ thiện Quán Thế Âm (Đà Nẵng), giúp 10,7 triệu đồng thì ông Chương lấy hết 5 triệu đồng; phật tử chùa Giác Nguyên (Quảng Nam) giúp 2,5 triệu đồng thì ổng lấy 1 triệu đồng. Thậm chí Công ty Xổ số kiến thiết Đà Nẵng giúp 1 triệu đồng ổng cũng ăn bớt hết 400.000 đồng. Đó là chưa kể nhiều lần tôi phải chi phí cho ông Chương tiền xăng xe, trà nước mỗi khi đưa tôi đi nhận tiền giúp đỡ. Nhiều khi tiền người ta cho tôi không đủ để chung chi, trà nước cho ông Chương ” - ông Á lau nước mắt cho biết.

Theo đơn tố cáo của ông Trịnh Tấn Á gởi Công an xã Bình Triều và Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam), tổng cộng ông Á đã đưa cho vợ chồng ông Chương gần 30 lần với tổng số tiền lên đến gần 40 triệu đồng. Sự vô nhân tính của vợ chồng Chương - Thu đã đẩy gia đình ông Á rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Hiện trong nhà chỉ còn vài bao lúa vừa gặt cũng đang chuẩn bị bán để trả bớt nợ cho người ta.

Vạch mặt đối tượng

Chúng tôi nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Chương để gặp, xác minh sự việc nhưng tất cả đều bất thành do ông Chương lẩn tránh. Vì vậy, chúng tôi đã báo cáo nội dung vụ việc đến Công an xã Bình Triều. Công an xã đã mời ông Chương đến làm việc vào ngày 13-5-2015 nhưng ông Chương đã không đến.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Công an xã Bình Triều Nguyễn Tấn Anh cho biết: Vợ chồng ông Đặng Hoàng Chương và bà Trần Thị Thu có hộ khẩu ở xã Bình Quý nhưng đến tạm trú tại thôn 3, xã Bình Triều từ tháng 8-2011 đến nay. Nghề nghiệp là chụp ảnh, quay phim.

Theo điều tra của chúng tôi, ngoài việc lừa phỉnh, chiếm đoạt tiền của ông Trịnh Tấn Á, vợ chồng Chương - Thu còn sử dụng chiêu thức tương tự để ăn chặn tiền giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với những trường hợp khác. Trong đó phải kể đến trường hợp chị Nguyễn Thị Em (44 tuổi, trú thôn 4, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Theo trình bày của chị Em, bản thân chị là phụ nữ đơn thân, không có việc làm ổn định đang nuôi con Trần Thị Mẫn (15 tuổi) bị bại liệt từ nhỏ xin trợ giúp khó khăn. Cuối năm 2014, cháu Mẫn bị đau nặng nên có nhờ ông Chương chụp một số ảnh để lo chuyện hậu sự và nhờ làm đơn xin giúp khó khăn để xin các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm giúp đỡ. Sau khi gửi đơn, một số nhà hảo tâm đã giúp đỡ 10,1 triệu đồng thì ông Chương lấy 5 triệu đồng gọi là tiền phần trăm hoa hồng.

Khi biết được sự việc ông Chương ăn chặn tiền của chị Em, Công an xã Bình Giang (Thăng Bình) đã mời ông Chương lên làm việc. Sau một hồi quanh co, ông Đặng Hoàng Chương đã thừa nhận: Từ cuối năm 2014, lợi dụng việc nhờ làm đơn xin giúp đỡ và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của chị Em, ông Chương đã mang đơn đến một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng kêu gọi giúp đỡ. Các nhà hảo tâm quyên góp được 10,1 triệu đồng trao cho chị Em và vợ chồng ông Chương đã lấy 5 triệu đồng.

Có thể nói hành vi ăn chặn tiền nêu trên của vợ chồng Đặng Hoàng Chương - Trần Thị Thu là phi nhân tính, được tính toán kỹ lưỡng và thực hiện một cách bài bản. Hiện Báo SGGP đã cung cấp tài liệu, chứng cứ cùng với đơn tố cáo của nạn nhân bị vợ chồng ông Chương ăn chặn tiền đề nghị Công an xã Bình Triều, Công an huyện Thăng Bình vào cuộc để điều tra, xử lý theo pháp luật; đồng thời bảo vệ quyền lợi của những thân phận khốn khổ.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục