Trung bình mỗi năm xảy gần 3.300 vụ cháy, làm chết 87 người

Chiều 9-8, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên giám sát
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên giám sát

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.

Địa bàn xảy ra cháy ở thành thị chiếm 60,11%, cháy tại khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%). Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%). Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình (được dập tắt kịp thời hoặc được khống chế không để xảy ra cháy lớn) chiếm 99%.

Từ năm 2014 đến năm 2018, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với các lực lượng tổ chức cứu chữa và dập tắt 9.612 vụ cháy (chiếm 73,1%); hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người trong đám cháy. Nhiều vụ cháy được Cảnh sát PCCC và nhân dân khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy lớn; ước tính giá trị tài sản bảo vệ được trong các vụ cháy trung bình và nhỏ là hơn 600 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, những năm qua, có một số vụ cháy nhỏ không được dập tắt kịp thời nên đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cho thấy hầu hết các vụ cháy lớn đều do cơ sở phát hiện, báo cháy chậm, việc tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn; các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn đa phần sử dụng kết cấu khung thép mái tôn, khả năng chịu nhiệt và chịu lực kém, khi thời gian cháy kéo dài trên 30 phút có khả năng sụp, đổ gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến công tác PCCC tại các chung cư cao tầng trong đô thị. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề cập đến 110 chung cư vi phạm về PCCC đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và đề nghị báo cáo giám sát nêu rõ quan điểm thực trạng đó là do cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý theo đúng pháp luật. Đại biểu đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương và các chủ đầu tư xử lý dứt điểm.

Đáng lưu ý, Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM nhấn mạnh, đối với 2 đô thị đặc biệt nên có cơ chế đặc thù trong PCCC. Những quy định về cứu hộ cứu nạn, theo ông, cần được nâng lên thành pháp lệnh; trong đó cụ thể hoá vai trò của đơn vị thường trực…

Theo chương trình giám sát của Quốc hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018 là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục