Cuối tháng 3, trường Ba Thục (Trùng Khánh) - một trường trọng điểm quốc gia có tỷ lệ đậu đại học xấp xỉ 98%, trong đó 20% đỗ vào các trường hàng đầu như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa… đưa các phim thần tượng của lãnh thổ Đài Loan vào giảng dạy dưới hình thức môn tự chọn, đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của xã hội và giới truyền thông Trung Quốc.
- Ý kiến trái ngược
Thành công của Vườn sao băng (2001) ngoài việc đưa Từ Hy Viên và nhóm F4 (Ngô Thừa Húc, Châu Du Dân, Ngô Kiến Hào, Chu Hiếu Thiên) một bước thành sao, còn đánh dấu sự ra đời của dòng phim thần tượng Đài Loan. Thừa thắng xông lên, các công ty giải trí tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm khác như Hoàng tử ếch, Thơ ngây, Vì yêu, Định mệnh anh yêu em, Khoảnh khắc ngọt ngào… Thể loại này xoay quanh những cuộc tình lãng mạn, dạng Lọ Lem gặp hoàng tử, đoạn kết có hậu và chủ yếu hướng đến công chúng thuộc lứa tuổi thanh - thiếu niên. Nhân vật nữ chính trong các phim thần tượng đa phần đều hiền lành, ngây thơ, thường bị các bạn khác hà hiếp, trong cuộc sống gặp nhiều trắc trở. Những lúc khó khăn ấy thì nhân vật nam chính (thường rất đẹp trai và giàu có) sẽ xuất hiện và giúp đỡ.
Tuy nhiên, phim thần tượng Đài Loan lại vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ giới chuyên môn: Kịch bản sáo mòn, tình tiết trùng lắp, dàn diễn viên ăn ảnh, xinh đẹp nhưng diễn xuất ngượng nghịu, khô cứng. Đồng thời, tần số các cảnh thân mật không ngừng tăng lên cũng làm cho các bậc phụ huynh lo ngại. Ở lứa tuổi mộng mơ của học sinh trung học, ai cũng mong ước may mắn, hạnh phúc sẽ đến với mình như nàng Lọ Lem. Phim thần tượng phần nào chia sẻ được những khát vọng này, nhưng ở góc độ tâm lý, nó dễ làm các em thoát ly thực tế, ảo tưởng thành công và hạnh phúc là do định mệnh an bài chứ không phải dựa vào sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân.
Trước quan ngại của Nhân dân Nhật báo về hiện tượng “nâng cấp” loại hình giải trí này thành môn học trong nhà trường sẽ làm học sinh ngộ nhận, sớm lao vào con đường tình, chểnh mảng việc đèn sách. Ban giám hiệu trường Ba Thục giải thích: Giảng dạy môn học này để truyền thụ các đức tính tốt đẹp cho học sinh như sự nhu mì, dịu dàng nhưng ngoan cường của nhân vật nữ; tính hào hiệp, ngay thẳng của nhân vật nam. Ông Trương Ba - giáo viên phụ trách môn “Bình phẩm phim thần tượng Đài Loan” cho rằng, đây không phải là vẽ đường cho hươu chạy. Thông qua việc phân tích nội dung phim, giáo viên giúp học sinh cảm nhận vị ngọt đắng của cuộc đời, phân biệt tốt xấu, thật giả và mở rộng sự hiểu biết văn hóa Đài Loan. Giáo viên chọn những phim kinh điển cho học sinh cải biên rồi quay thành phim của riêng mình để nâng cao năng lực viết, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm. “Kỳ thực học sinh cấp 3 đều đủ lớn để nhận thức những buổi hẹn hò tốn kém, những lần hội ngộ trong mơ… chỉ là hư cấu. Các em yêu thích phim thần tượng, mơ ước về những kết cục tốt đẹp. Chúng ta có thể tận dụng điều này để khơi dậy trí tưởng tượng và lòng say mê sáng tạo của học sinh” - Ông Trương nói.
Trang báo mạng Sina viết: “Dùng phim thần tượng giáo dục học sinh cũng tốt, hơn nữa môn này một tuần chỉ có một buổi, chúng ta hà tất phải lo lắng nào là “yêu sớm”, “ảnh hưởng học tập” thậm chí “dẫn đến sự xuống dốc trong nhận thức thế hệ trẻ”. Thiết nghĩ, đối với những phương pháp mới, chúng ta nên giữ thái độ lạc quan với cái nhìn thiện cảm, khoan dung”. Tân Hoa xã bày tỏ, không thể phủ nhận những giá trị truyền thống nhưng cá tính và phẩm chất của con người cũng chịu ảnh hưởng nhất định của thời đại. Vì vậy, việc giáo dục thanh thiếu niên cần phải toàn diện hóa.
Giới học sinh tỏ ra thích môn học này, có em còn cho rằng thời lượng lên lớp mỗi tuần một buổi là quá ít, không thỏa mãn được nhu cầu hiểu biết của các em. Hiện tại nhà trường vẫn chưa nhận được bất kì phản ảnh nào từ phía phụ huynh.
- Hiệu quả cải cách?
Liệu phim thần tượng thật sự sẽ giúp các em phát triển nhân cách? Theo kết quả khảo sát trên trang www.1diaocha.com (website điều tra thống kê lớn nhất Trung Quốc), 33,12% cho rằng ý tưởng dùng phim thần tượng giáo dục học sinh thật là buồn cười; 29,90% cho rằng phương pháp mới này chẳng những không đạt được mục đích mà nhà trường đề ra, ngược lại còn khiến các em yêu sớm, trở nên thực dụng và Tây hóa; 20,26% ủng hộ nhưng không muốn hình thức giáo dục này trở thành trào lưu; chỉ có 16,72% cho rằng đạo đức học sinh sẽ được nâng cao nhờ học theo các đức tính tốt đẹp của nhân vật. Cư dân mạng Trung Quốc phản bác: Những phẩm chất đoan trang, thùy mị của người con gái Trung Hoa vốn được đào tạo rất căn cơ, nghiêm khắc. Nó thể hiện ở sự khéo léo trong cử chỉ, ngôn từ, khả năng tinh thông cầm, kỳ, thi, họa. Nhưng phim thần tượng lại là loại hình giải trí “mì ăn liền”, nhà đài không ngừng chạy theo lợi nhuận, chất lượng đang ngày càng giảm sút. Do đó, dù nó có tác động đến việc giáo dục học sinh thì đó chỉ là ảnh hưởng nhất thời, bởi đạo đức là yếu tố cần được tích lũy và hoàn thiện theo thời gian.
Hiện tượng “giải trí lấn sân giáo dục” xảy ra nhiều lần ở Trung Quốc. Năm 2005, Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, Ngọa hổ tàng long của Vương Độ Lư được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Ngày 31-8-2007, Nhân dân Nhật báo giật tít “Kim Dung thay thế Lỗ Tấn?”, khẳng định A Q chính truyện đã bị loại khỏi giáo trình ngữ văn và thay bằng Tuyết sơn phi hồ. Tháng 12-2007, ca khúc Sứ thanh hoa của Châu Kiệt Luân xuất hiện trong đề thi trung học ở Vũ Hán. Và nay đến lượt phim thần tượng Đài Loan!
Điều đáng chú ý là những lần cải cách ấy đều dấy lên tranh luận kịch liệt của cư dân mạng và giới truyền thông. Còn nhà trường thì luôn có vẻ xác tín với các quyết định của mình!
PHƯƠNG THY