Trung Quốc - kiến nghị cải cách quản lý nhân khẩu

Báo chí Trung Quốc mấy ngày nay đang sôi nổi với sự kiện một bài xã luận kêu gọi chính phủ đẩy nhanh việc cải cách chế độ hộ khẩu được đăng đồng loạt trên 13 tờ báo lớn của 11 tỉnh, thành của nước này như Economic Observer, Thời báo Trùng Khánh, Nhật báo Đô thị phương Nam, Thời báo Đô thị Côn Minh.

Theo một số nguồn tin, bài báo này do chính Phó Tổng biên tập tờ Economic Observer chấp bút. Sự đồng lòng này thể hiện quyết tâm cao của người dân nhằm kêu gọi các đại biểu Quốc hội Trung Quốc yêu cầu các bộ, ngành liên quan xác định một lộ trình cụ thể về việc cải tổ hệ thống quản lý nhân khẩu trên toàn quốc nhân dịp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc sắp diễn ra.

Bài xã luận đã viết: “Chế độ hộ khẩu lạc hậu đã hạn chế việc tiếp cận phúc lợi xã hội ở các thành phố phát triển của lao động di cư … Cải cách chế độ hộ khẩu không chỉ nâng cao cuộc sống của người dân mà còn giúp cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển bền vững, thúc đẩy xã hội phát triển hài hòa”.

Chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc ra đời năm 1958 với quy định: công dân chỉ được hưởng các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục ở nơi đăng ký hộ khẩu. Chính vì điều này mà các lao động di cư từ nông thôn ra thành thị làm việc không thể tiếp cận, thụ hưởng được những quyền lợi tối thiểu này. Trong khi đó, hơn 150 triệu người lao động di cư đang đóng vai trò là lực lượng công nhân chủ chốt của Trung Quốc.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, chỉ riêng tại Bắc Kinh, khoảng 250.000 trẻ em được sinh ra trong 3 năm gần đây (có bố hoặc mẹ là lao động nhập cư) chiếm hơn một nửa số trẻ ở độ tuổi này, không được đăng ký học tại các trường công lập.

Theo thống kê của Viện Công nghệ Bắc Kinh, tại một số khu vực, 90% số vụ phạm tội liên quan đến những người nhập cư mà nguyên nhân là do phân biệt đối xử. Mặt trái của chế độ hộ khẩu còn là việc giới chức tự cho mình các đặc quyền đặc lợi, thiết lập một cơ chế xin-cho nhũng nhiễu.

Trong buổi giao lưu trực tuyến ngày 27-2, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc cải cách hệ thống đăng ký nhân khẩu  để giúp lao động di cư thế hệ mới hòa nhập với cuộc sống đô thị.

Về điều kiện người dân nông thôn chuyển thành người dân thành thị, ông Trần Tích Văn, Phó trưởng Tiểu ban lãnh đạo Trung ương về công tác nông thôn cho biết, việc điều chỉnh phải dựa vào từng khu vực nông thôn và thành thị với những điều kiện cụ thể khác nhau; các đô thị sẽ tự nghiên cứu xây dựng biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, một số điều kiện cơ bản được nêu ra: “Thứ nhất, thời gian làm việc tại thành phố của lao động di cư. Thứ hai, có việc làm tương đối ổn định. Thứ ba, có nơi ở tương đối ổn định”. 

Hiện nay, chương trình cải cách chế độ đăng ký nhân khẩu hiện đang được hơn 10 thành phố ở Trung Quốc, trong đó có cả Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến thực hiện thí điểm.

Bài xã luận kết luận nếu bài toán cải cách nhân khẩu được áp dụng triệt để và rộng rãi trên quốc gia đông dân nhất thế giới này đó sẽ là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc đẩy mạnh những dự án cải cách kinh tế và phát triển bền vững của mình.

Thiên Như

Đọc nhiều nhất

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Fox News

Diễn biến bất ngờ trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã ký thư chung gửi ông Alvin Bragg, công tố viên quận Manhattan (New York) thuộc đảng Cộng hòa, đề nghị cung cấp bằng chứng cho việc truy tố cựu Tổng thống Donald Trump. Cùng lúc đó, ông Donald Trump tiếp tục kêu gọi những người ủng hộ xuống đường ngăn chặn khả năng ông bị bắt.

Hồ sơ - tư liệu

Nguy cơ dịch bệnh từ băng tan

Nhiệt độ ấm hơn tại Bắc cực đang làm tan tầng đất đóng băng vĩnh cửu và có thể làm “thức tỉnh” những con virus đã nằm bất động hàng chục ngàn năm.

Chính trường thế giới

Nga - Mỹ “lục đục” sau sự cố máy bay rơi trên biển Đen

Hãng tin TASS đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã bác thông tin về việc máy bay tiêm kích của nước này va chạm với máy bay không người lái của Mỹ ở biển Đen. Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov để trao đổi về vụ việc.

Chuyện đó đây