Trung Quốc thúc đẩy “kinh tế tóc bạc”

Ông Lý Xương Minh (Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc) vừa tự trang bị cho mình một chiếc điện thoại thông minh mới. Cụ ông 70 tuổi này xem ra vẫn còn một chút bỡ ngỡ trước thiết bị công nghệ cao mà giới chức Trung Quốc kỳ vọng sẽ giúp hàng triệu người cao tuổi nước này mở hầu bao tiết kiệm, gia nhập nền kinh tế kỹ thuật số, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Ông Lý đã tham dự khóa đào tạo mang tên “điện thoại di động 101” (ảnh). Chương trình này là một phần trong kế hoạch mà nhà chức trách Trung Quốc đưa ra nhằm giúp những người cao tuổi ở nước này tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ. 

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước để có thể cân bằng nền kinh tế truyền thống phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất và đầu tư chính phủ. Thương mại điện tử là trụ cột chính trong kế hoạch này. Do đó, ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế của Trung Quốc được xử lý thông qua các ứng dụng kỹ thuật số. Điều này cũng đang trở thành một phần của cuộc sống hiện đại ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, do các ứng dụng WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba dẫn dắt. Hai tập đoàn này đang làm mưa làm gió lĩnh vực thanh toán điện tử khổng lồ của Trung Quốc. Nhờ ứng dụng của công nghệ mà người tiêu dùng tại Trung Quốc có thể quét mã QR khi mua hàng mà không cần phải sử dụng tiền mặt. 

Hiện các chính phủ cùng các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đang theo đuổi cái mà họ gọi là “đồng dollar bạc” tức là khoản tiết kiệm của người cao tuổi, nhằm tận dụng chúng để thúc đẩy tăng trưởng. Còn Trung Quốc lại gọi một cách nôm na hơn là “kinh tế tóc bạc”. Dân số già tại một nước đông dân như Trung Quốc được coi là một cơ hội lớn. Ước tính, số người về hưu tại Trung Quốc có thể vượt 300 triệu người vào năm 2025 và số tiền mà họ nắm giữ có thể lên tới 4.900 tỷ nhân dân tệ (khoảng 750 tỷ USD). Nhà chức trách Trung Quốc cho biết, hiện 98% khu vực nông thôn ở nước này đã kết nối với mạng 4G và hầu hết người cao tuổi ở Trung Quốc đều muốn áp dụng công nghệ mới, khai thác một loạt tính năng và ứng dụng di động để phục vụ đời sống. Báo cáo của tập đoàn ngân hàng UBS công bố trong năm nay cho thấy, những người tiêu dùng cao tuổi đang dần bắt kịp với thế hệ trẻ.

Tháng 11-2020, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh các chiến dịch để người cao tuổi có thể sử dụng công nghệ, thông qua các khóa đào tạo người cao tuổi tiếp cận với công nghệ và khuyến khích các nhà phát triển phần mềm tạo ra các ứng dụng thân thiện với người cao tuổi. 

Do sự xuất hiện và lây lan của virus SARS-CoV-2, Trung Quốc đã phải áp dụng biện pháp phong tỏa, khiến một lượng lớn người tiêu dùng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà. Chưa kể, việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng và ở nhiều địa điểm, người dân Trung Quốc phải sử dụng ứng dụng theo dõi y tế, đánh giá mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 dựa trên lịch sử đi lại cũng như các thói quen khác. Trong khi đó, lần đầu tiên trong 10 năm, nhà chức trách Trung Quốc muốn người dân phản hồi điều tra dân số trực tuyến. Tất cả điều này càng thúc đẩy người cao tuổi ở Trung Quốc quan tâm hơn đến công nghệ.

Tin cùng chuyên mục