Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương đã cảnh báo lũ từ rất sớm

* Kiên Giang: Đã có 5 người chết vì lũ
* Đồng Tháp: Hơn 2.000ha lúa mất trắng

Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, tính tới chiều 6-10, đợt lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm 18 người thiệt mạng (tăng thêm 6 người so với tổng hợp trước đó), làm 30.591 căn nhà bị ngập, đặc biệt đã làm 6.073ha lúa vụ 3 ở các tỉnh trọng điểm của vựa lúa như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… bị ngập, mất trắng. Ngoài ra, nước lũ còn nhấn chìm 1.400ha hoa màu và 1.352ha nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, do mưa tiếp diễn nên nước lũ vẫn còn đang lên, thiệt hại chưa hề dừng lại. Mưa lũ nghiêm trọng lại làm nhiều người không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi về vai trò của các cơ quan chức năng cũng như trung tâm khí tượng - thủy văn… dự báo chính xác mưa lũ cũng như chủ động đề phòng từ sớm.

Tuy nhiên hôm qua 6-10, trong báo cáo đánh giá lại tình hình dự báo khí tượng - thủy văn và mưa lũ trên hệ thống sông Mê Công năm 2011, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương khẳng định đã chủ động cảnh báo lũ ở ĐBSCL từ rất sớm.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho rằng về thời gian truyền lũ và tổng lưu lượng lũ thì năm nay vẫn bình thường, nhưng có thêm một nguyên nhân khác là do cơ sở hạ tầng năm 2011 đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, hơn nữa do phát triển quá mức lúa vụ 3 đã gây cản trở đến thoát lũ. Ngoài ra, đỉnh lũ xuất hiện cùng lúc với đỉnh triều cường làm gia tăng mức độ ngập vùng hạ lưu, hầu hết các trạm có mực nước đỉnh triều đều cao hơn mức báo động 3 khoảng 0,1 - 0,3m và cao hơn mức lịch sử.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương đã phối hợp với Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ và các trung tâm dự báo của các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ xảy ra trên sông Mê Công cũng như vùng ĐBSCL, cảnh báo và dự báo sớm, kịp thời tình hình lũ. Các bản tin dự báo, cảnh báo lũ và lũ khẩn đều được chuyển kịp thời cho các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng…

Tuy nhiên, ông Tăng cũng thừa nhận một khó khăn rằng, do lưu vực sông Mê Công lớn, chỉ có thể đưa ra dự báo trước được tối đa 5 ngày. Việc dự báo quá 5 ngày chỉ mang tính chất tham khảo.

Đến chiều 6-10, vượt qua nhiều khó khăn, lực lượng PCLB An Giang đã hoàn tất việc hàn đoạn đê bị vỡ nghiêm trọng do lũ quét gây ra vào tối hôm trước tại thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Ngoài ra, nước lũ đổ về đang đe dọa nghiêm trọng tuyến đê bao khu vực tiểu vùng 1.400ha lúa vụ 3 của xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên. Tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn có 120ha lúa được 75 ngày tuổi đang gặp nguy hiểm khi nước lũ chỉ cách mặt đê 20-30cm suốt chiều dài hơn 4km. Trong khi đó, 29ha lúa bên trong tuyến đê kênh Nhà Lầu thuộc xã Bình Hòa, huyện Châu Thành đang nguy cấp khi thân đê bị rò rỉ hơn 1km.

Đến sáng 6-10, trên địa bàn hai huyện Giang Thành và Hòn Đất (Kiên Giang) đã có 5 người chết vì lũ; gần 1.000 căn nhà, hơn 50km đường nông thôn bị ngập nước, gần 100ha lúa, hơn 350ha hoa màu bị mất trắng, nhiều điểm trường phải tạm đóng cửa. Ước thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện nghèo nhất tỉnh Kiên Giang gần 31,3 tỷ đồng. Ở huyện Hòn Đất, nước lũ cũng đã gây nên cái chết của 2 bé; làm 669ha lúa thu đông, 47ha hoa màu của huyện này bị mất trắng; 170 căn nhà bị ngập nước.

Ngày 6-10, Đồng Tháp đã có 2.023,5ha lúa thu đông mất trắng do bể bờ bao. Nhiều địa phương trong tỉnh đang tiếp tục huy động lực lượng gia cố bờ bao bảo vệ 19.763ha lúa thu đông còn lại.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục