Trường dạy học sinh khuyết tật - Thiếu và yếu

Ngày 5-8-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020. Trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 60% trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, trước tình trạng cơ sở vật chất nghèo nàn, chương trình học không thống nhất, nhiều người lo ngại mục tiêu trên khó hoàn thành.
Trường dạy học sinh khuyết tật - Thiếu và yếu

Ngày 5-8-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020. Trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 60% trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, trước tình trạng cơ sở vật chất nghèo nàn, chương trình học không thống nhất, nhiều người lo ngại mục tiêu trên khó hoàn thành.

        Nhà mặt phố, sĩ số vượt trăm

Báo cáo tại hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 và triển khai kế hoạch giáo dục khuyết tật khối các trường chuyên biệt năm học 2013 - 2014 vừa qua do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo giáo dục khuyết tật TPHCM, cho biết: “Năm học 2012 - 2013, toàn thành phố có 25 trường chuyên biệt, tiếp nhận hơn 2.700 học sinh khuyết tật của thành phố. Trong đó, nhiều nơi cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng như ở quận 5, các huyện Củ Chi, Cần Giờ. Trường học được cải tạo lại từ nhà phố, quy mô nhỏ, sân chơi chật, thiếu phòng chức năng”.

Đơn cử tại Trường chuyên biệt Tương Lai (quận 3), phòng tâm vận động (một dạng phòng chức năng phục hồi kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật - PV) diện tích chưa đầy 20m2. Bà Đỗ Thị Phương Nga, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhà trường, cho biết: “Do diện tích chật hẹp, chưa đáp ứng các yêu cầu chuyên môn về vận động cho học sinh nên chúng tôi phải tận dụng một phần lối đi của sảnh chính để tăng thêm diện tích luyện tập cho các em”.

Cổng Trường Giáo dục chuyên biệt Hy Vọng (quận Gò Vấp) bị một cơ sở bán hoa, cây kiểng và phân bón che khuất.

Cổng Trường Giáo dục chuyên biệt Hy Vọng (quận Gò Vấp) bị một cơ sở bán hoa, cây kiểng và phân bón che khuất.

Ngoài ra, cũng do khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều nơi phải dùng chung diện tích với hộ dân trên địa bàn. Anh V.M.K, phụ huynh đang tìm trường chuyên biệt cho con trên địa bàn quận Gò Vấp, bày tỏ: “Tìm hiểu thông tin qua internet, vừa đi vừa hỏi thăm đường đến mấy lần tôi mới tìm ra cơ sở 2 của Trường Giáo dục chuyên biệt Hy Vọng, quận Gò Vấp”. Nguyên nhân là do cổng trường đã bị một cơ sở bán hoa, cây kiểng và phân bón che khuất. Nếu không để ý, phụ huynh khó lòng nhận ra đây là trường học dành cho trẻ khuyết tật.

Tương tự, theo giới thiệu của người quen, chúng tôi đến Trường chuyên biệt Niềm Tin (quận Phú Nhuận). Ngôi trường nằm khuất sâu ở cuối một con hẻm chiều ngang chưa đầy 2m. Cơ sở được cải tạo lại từ một ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ, không có sân chơi. Bên ngoài, bảng tên trường khuất lấp sau những tán lá của cây xanh nhà bên cạnh. Một phụ huynh có con học tại đây cho biết: “Ngoài giờ đón và trả trẻ, thời gian còn lại trong ngày, lúc nào cổng trường cũng đóng im lìm. Phần lớn phụ huynh sau khi đưa con vào đây đều quay xe đi ngay, không có cảnh cười đùa trò chuyện như ở những ngôi trường bình thường khác”.

        Nghịch lý giữa chất và lượng

Nhu cầu gởi trẻ khuyết tật ngày càng cao, trong khi số lượng trường chuyên biệt chẳng những không tăng mà còn có nguy cơ giảm. Trước tình trạng đó, nhiều phụ huynh không tìm được nơi gởi con đã cùng nhau đứng ra mở trường tư thục để “tự cứu”. Đơn cử như các trường chuyên biệt Tuổi Ngọc, Khai Trí (quận Bình Thạnh), Anh Vương (quận Tân Bình), Niềm Tin (quận Phú Nhuận), Hoàng Mai (Gò Vấp)… Tuy nhiên, dù đã có lực lượng trường tư “trợ cứu”, trên địa bàn một số quận, huyện như quận 9, Hóc Môn vẫn chưa có trường chuyên biệt. Phụ huynh có nhu cầu gởi con phải sang các quận kế cận tìm trường.

Hiệu trưởng một trường chuyên biệt bày tỏ: “Chi phí mở trường và duy trì hoạt động hiện nay không nhỏ. Đó là chưa kể số tiền khổng lồ từ việc đầu tư xây dựng các phòng chức năng. Nếu không có sự hỗ trợ thêm từ phía ngân sách nhà nước, về lâu về dài e rằng các trường sẽ gặp khó”. Bằng chứng là hiện nay, nhiều nơi phải xếp trẻ có nhiều dạng tật khác nhau vào học chung một lớp.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Rạng Đông (huyện Bình Chánh), cho biết do điều kiện còn nhiều khó khăn nên trường phải bố trí học sinh có nhiều dạng tật, độ tuổi và trình độ khác nhau vào học chung trong cùng một lớp. Do đó ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Rút kinh nghiệm, năm học 2013 - 2014, trường đã chia học sinh ra thành 3 lớp: lớp chậm phát triển trí tuệ dành cho trẻ bị thiểu năng, lớp khiếm thính dành cho trẻ câm điếc và lớp dành cho trẻ điếc.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM, cho biết: “Trẻ ở mỗi dạng tật khác nhau đều cần những giáo án và can thiệp riêng trong việc phục hồi kỹ năng sống. Về nguyên tắc, mỗi lớp chuyên biệt chỉ nên có một dạng khuyết tật. Việc dồn chung nhiều khuyết tật khác nhau vào cùng một lớp sẽ khiến giáo viên mệt mỏi, không thể quán xuyến và luyện tập tốt cho từng em”.

Tuy nhiên với số lượng trường chuyên biệt còn quá thiếu hiện nay, việc tiếp nhận riêng rẽ từng nhóm dị tật sẽ khiến trẻ mắc những tật khác phải chạy sang các quận khác tìm trường học. Mục tiêu nâng cao chất lượng vô hình trung lại khiến số lượng sụt giảm. Nhưng nếu chạy theo số lượng, con đường trở về cuộc sống bình thường của các em càng bị kéo dài. Giải quyết thế nào giữa bài toán số lượng và chất lượng, đồng thời không để xảy ra tình trạng “trắng” trường chuyên biệt trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố là bài toán lớn đang đặt ra đối với các nhà quản lý giáo dục. Trong đó, các vấn đề về chính sách hỗ trợ, đầu tư đất đai, cơ sở hạ tầng cho khối trường chuyên biệt cần được ưu tiên hàng đầu.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục