Trường lớp thiếu chuẩn, phụ huynh “tẩy chay”

Thiếu chuẩn làm sao nâng chất?
Trường lớp thiếu chuẩn, phụ huynh “tẩy chay”

Cứ vào mùa tuyển sinh đầu cấp, nhiều ngôi trường nhỏ bé, xuống cấp và thiếu chuẩn trên địa bàn TPHCM lại ngậm ngùi, tủi thân vì bị phụ huynh học sinh “tẩy chay”. Bao giờ những hình ảnh xấu - trường không ra trường, lớp không ra lớp này - được xóa sổ?

Cố níu giữ học trò…

Những ngôi trường nhỏ bé, thiếu sân chơi hoặc nằm ở những con hẻm đông đúc, gần chợ trông nhếch nhác luôn khiến phụ huynh cảm thấy bất an, không yên tâm khi gửi con vào học. Vì thế, dù có danh sách tuyển sinh đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) theo phân tuyến nhưng nhiều phụ huynh từ chối, tìm mọi cách chạy cho con học ở những ngôi trường tốt hơn, đạt chuẩn hơn. “Thật bất công, vì địa bàn nơi cư ngụ không có trường tốt, trường đạt chuẩn nên con em chúng tôi bắt buộc phải học theo tuyến ở ngôi trường nghèo nàn!”, đó là thắc mắc đầy cám cảnh của nhiều phụ huynh trước lựa chọn cho con ra đi hay ở lại.

Nằm ở chân cầu Hoàng Hoa Thám và có diện tích nhỏ bé - chưa đầy 400m2, Trường Tiểu học Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) không chỉ có sân chơi nhỏ hẹp, cầu thang xuống cấp mà phòng ốc cũng thiếu thốn, chắp vá. Không những thế, giờ thể dục cũng phải chia ca và giờ ra chơi, học sinh luôn chen chúc tìm chút thư giãn. Thấy mà thương! Về chất lượng đào tạo, Trường Tiểu học Trần Quang Khải không thua trường nào trên địa bàn quận 1. Thế nhưng, cứ vào đầu năm học mới, nhiều phụ huynh lại chạnh lòng khi con mình bị phân tuyến về đây học lớp 1. Sau khi xem qua trường lớp và nhìn thấy sự nghèo nàn, xập xệ về cơ sở vật chất, nhiều phụ huynh đã lắc đầu, rút chạy dù đã nộp hồ sơ.

Tương tự, Trường Tiểu học Kết Đoàn quận 1 cũng chung số phận khuôn viên nhỏ bé, thiếu sân chơi, phòng chức năng. Không thể kể hết sự thiệt thòi của nhiều thế hệ học sinh chỉ biết học mà không có cảm nhận được vận động, vui chơi, chạy nhảy ở sân trường là gì. Dù rất muốn chuyển đổi hai ngôi trường này sang mặt bằng đạt chuẩn hơn để xây mới, nhưng do đất vàng ở quận 1 khan hiếm nên dự án này vẫn nằm trong quy hoạch và đang “thai nghén”.

Nằm trên con đường nhỏ như hẻm (đường Nghĩa Hòa, phường 6, quận Tân Bình) và gần chợ trông nhếch nhác, Trường THCS Trần Văn Đang  cũng bị một số phụ huynh từ chối cho con vào học lớp 6 theo phân tuyến. Cô Trần Phạm Diễm Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Đang chia sẻ: “Trường chỉ có trên 500 học sinh thuộc 5 khối lớp, trong đó năm nay tuyển mới 250 học sinh lớp 6. Tuy khuôn viên nhỏ bé nhưng phòng ốc đạt chuẩn và được sơn sửa khang trang, sạch đẹp. Để phụ huynh yên tâm, ban giám hiệu và giáo viên ở đây đã tận tâm, hết lòng chăm lo cho học trò của mình. Tuy nhiên, vẫn có phụ huynh không yên tâm, thấy sân trường nhỏ hẹp nên không chịu nộp hồ sơ…”.

Sân của Trường THCS Trần Văn Đang (quận Tân Bình) nhỏ bé so với nhu cầu vui chơi của học sinh.

Trường THCS Đồng Đen (huyện Bình Chánh) cũng xuống cấp trầm trọng và quá tải nhiều năm qua, nhưng chưa được đầu tư vốn để nâng cấp, sửa chữa. Vì thế, nhìn con em mình phải học trong môi trường giáo dục xuống cấp, nhiều phụ huynh chạnh lòng, còn thầy cô thì không yên tâm truyền lửa nghề, phát huy sự năng động, sáng tạo.

Thiếu chuẩn làm sao nâng chất?

Do lịch sử để lại và sau giải phóng điều kiện khó khăn nên nhiều quận, huyện phải tận dụng những ngôi trường do tư nhân, các tổ chức tôn giáo thành lập, có diện tích, quy mô rất nhỏ. Không những thế nó lại nằm chen chúc ở khu dân cư, gần nhà thờ, chùa chiền... Đó là những ngôi trường được báo chí điểm danh nhiều lần vì nó mang hình hài có một không hai, thậm chí được ví von nhỏ như “hộp diêm”, “chuồng chim” trên cao. Học ở đây, học sinh phải thay phiên nhau dự lễ khai giảng và lễ tổng kết năm học với số lượng chỉ định rất khiêm tốn. Điển hình nhất phải kể đến là Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5), Trường Tiểu học Điện Biên và Trí Tri (quận 10); Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3); Trường Tiểu học Vạn Tường (quận Phú Nhuận); Trường Tiểu học Tầm Vu (quận Bình Thạnh); Trường Tiểu học Nguyễn Thi và Âu Cơ (quận 11); Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận 8)…

Tuy nhiên, trong năm học mới này, số phận của một số ngôi trường nhỏ đã được UBND TPHCM và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư để khoác chiếc áo mới. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm đầu tư cho giáo dục, xóa bỏ hình ảnh xấu của những ngôi trường không đạt chuẩn, UBND TPHCM và chính quyền quận 11 đã đầu tư xây mới Trường Tiểu học Âu Cơ và chuẩn bị xây mới Trường Tiểu học Nguyễn Thi. Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, dự án xây mới Trường Tiểu học Điện Biên ở địa điểm mới (phường 11, quận 10) đã được UBND TP phê duyệt, cấp vốn với tổng kinh phí 25,7 tỷ đồng. Thầy Nguyễn Hoàng Triều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên bộc bạch: “Đây là tin vui đối với tập thể giáo viên và phụ huynh sau nhiều năm chịu đựng nỗi khổ trường nhỏ bé, cũ kỹ, xuống cấp và tuyển snh không đủ chỉ tiêu. Khi có được môi trường sư phạm đạt chuẩn, thầy cô giáo chúng tôi mới phát huy được năng lực, sự sáng tạo và tạo điều kiện giúp học sinh phát triển toàn diện…”.

Không thể kể hết nỗi niềm day dứt, trăn trở của những ngôi trường nhỏ lẻ chưa được “hóa kiếp” để có hình hài, diện mạo mới như mong đợi. Đúng như nhận định của các nhà quản lý giáo dục, trường mới đạt chuẩn về cơ sở vật chất sẽ rút ngắn khoảng cách “trường giàu - trường nghèo”, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo. Chính vì thế, để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, giúp học sinh có điều kiện phát triển toàn diện thì chúng ta phải ưu tiên xây trường ra trường, lớp ra lớp, kiên quyết xóa bỏ những ngôi trường không đủ chuẩn như nêu trên.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục