
Bắt đầu cuộc sống tự lập ở tuổi 15, cảm giác bồn chồn và lo lắng là điều không thể tránh khỏi nhưng quyết tâm cống hiến nhiều hơn cho quê hương đã đưa họ - những cô bé tuổi Teen - vượt bao khó khăn, trở thành những HS, SV ưu tú tại những trường học danh tiếng trên thế giới.
Khởi nguồn ước mơ
Bắt đầu tìm kiếm học bổng du học từ năm học lớp 9 với mục tiêu hướng đến suất học bổng toàn phần, mãi đến năm lớp 12, Trịnh Mỹ Hương (SV năm 1, Nanyang Business School) mới rời TPHCM sang Singapore khi nhận được học bổng ASEAN.

Với ước muốn được mở rộng tầm nhìn, học hỏi, trau dồi kiến thức từ những nền giáo dục tiên tiến, hội nhập với bạn bè năm châu, cô bé cựu HS trường PT Năng Khiếu Trần Đỗ Vân Hà (SV năm 2, ĐH Concordia, Canada) cũng rời VN khi chưa tròn 18 tuổi.
Đạt được học bổng toàn phần vào ĐH quốc gia Singapore (NUS) nhưng vì yêu thích chuyên ngành Accounting ở ĐH Concordia, Hà quyết định sang Canada để du học dù chỉ nhận được học bổng bán phần.
Cô bé giải nhì HS giỏi Anh văn cấp tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trần Cúc Quyên (SV năm 3, North Central Texas College, Mỹ) rời Biên Hòa (Đồng Nai) sang Mỹ theo chương trình trao đổi văn hóa trung học của Tổ chức Aspect khi mới 16 tuổi. Quyên từng nhận được huy chương dành cho HS xuất sắc nhất lớp năm lớp 11 ở Mỹ; được nhận học bổng bán phần tại North Central Texas College.
Quyên quyết định theo học Bachelor of Science in Nursing với ước mơ khá giản dị: “Em thích ngành học này vì em có điều kiện để giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân về vật chất lẫn tinh thần trong lúc họ cần em nhất”.
Lý do khiến Lê Lan Chi (HS, NUS high school) bắt đầu cuộc sống tự lập tại Singapore ở tuổi 15 lại khá tình cờ. Ba mẹ luôn muốn Chi đi du học để sớm có cơ hội trưởng thành, cọ xát với cuộc sống. Vừa vào lớp 10 trường THPT Lê Hồng Phong, Chi nhận được học bổng hỗ trợ học phí tại Mỹ và UK.
Chưa kịp làm hồ sơ nhập học, Chi lại thi đậu học bổng toàn phần ở NUS high school. Chi vẫn thuyết phục bố mẹ cho em sang Singapore thay vì đi Mỹ hoặc UK: “Em muốn đi du học bằng chính sức của mình, không phải dựa dẫm vào ba mẹ, đồng thời cũng muốn ba mẹ yên tâm hơn vì Singapore ở gần VN hơn, và việc đi về VN cũng thuận tiện hơn”.
Những cú sốc đầu tiên
Cú sốc về văn hóa là khó khăn mà ai cũng nghe nói rất nhiều nhưng rất ít du học sinh chuẩn bị tinh thần để đối phó với nó. Cú sốc văn hóa đầu tiên đến với Vân Hà là việc chào hỏi. Ở Canada, chào hỏi gần như là thủ tục bắt buộc khi gặp bất cứ ai, bạn bè, thầy cô… và thường đi kèm với bắt tay, ôm và… hôn trên má.
Rồi những khác biệt trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, nhất là khi thành phố Hà đang sống (Montréal, tiểu bang Québec) có dân cư đến từ hơn 100 nước trên thế giới. Mỗi cộng đồng có một nền văn hóa riêng. Mặc dù khi ở VN, Hà đã đọc nhiều sách về sự khác biệt văn hóa phương Đông và phương Tây nhưng cũng phải mất một khoảng thời gian khá lâu cô bé mới làm quen được các phong tục bản xứ.
Cú sốc thứ hai là về ngoại ngữ. Cô bé đạt giải 3 HS giỏi Anh văn toàn quốc Mỹ Hương nổi tiếng trong trường PT Năng Khiếu với vốn tiếng Anh lưu loát và Vân Hà từng đạt TOEFL 613 nhưng cũng như nhiều du HS khác, cả hai đều gặp nhiều khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ của mình bằng một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ, nhất là khi phải làm việc theo nhóm với các sinh viên nước ngoài.
Khả năng giao tiếp tiếng Anh hạn chế, những khác biệt về mặt văn hóa, đôi khi dẫn đến những mâu thuẫn, hiểu lầm khi làm việc. “Trừ những giờ học trên lớp, các bạn người Singapore gốc Hoa có khuynh hướng nói tiếng phổ thông với nhau nhiều hơn nên đôi khi em cảm thấy mình lạc lõng”, Lan Chi kể.
Nhưng khó khăn lớn nhất mà những du HS tuổi teen phải đối mặt chính là việc làm quen với cuộc sống tự lập. “Ở nhà với ba mẹ chỉ biết học, lâu lâu phụ mẹ chút việc nhà, tiền bạc được ba mẹ chu cấp đầy đủ. Nhìn mẹ nấu nướng, thu vén chi tiêu, em cứ nghĩ mấy việc lặt vặt đó tới tuổi sẽ tự động biết làm, không cần phải học.
Ai ngờ, từ khi bắt đầu cuộc sống tự lập nơi xứ người, những chuyện lặt vặt đó trở thành mối bận tâm hằng ngày!”, Cúc Quyên chia sẻ. Những khó khăn đó còn hiện hữu trong mọi mặt của đời sống như hôm nay nấu ăn món gì; mỗi sáng luôn đặt đồng hồ báo thức với chuông thật to để “dập tắt” những cơn ngủ nướng; lúc ốm đau chỉ có một mình; nhớ nhà, nhớ ba mẹ, bạn bè, thèm được nghe và nói tiếng Việt…
Tuy nhiên, cộng đồng VN ở nước ngoài là một thuận lợi mà nhiều du HS không thể hình dung nổi khi còn ở VN. Hà kể: “Em đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về tinh thần, về vật chất, về thông tin từ họ hàng, người thân đến những cô chú, bạn bè dù mới quen”.
Quả ngọt thu về
Cuộc sống tự lập nơi xứ người giúp các du HS tuổi Teen trưởng thành hơn rất nhiều, có ý thức về thời gian hơn, biết chia thời khóa biểu, vừa học tốt, vừa tranh thủ làm việc để tích lũy kinh nghiệm và giảm gánh nặng cho ba mẹ.
Đó còn là cảm giác ngồ ngộ khi ôm chầm nhau rồi tặng 2 nụ hôn trên má nhỏ bạn người Pháp; cảm giác ngây ngất khi được tuyên dương là một trong những sinh viên xuất sắc nhất khoa; “khoái chí” khi những đứa bạn ghen tỵ vì suốt ngày đựơc ăn món ăn VN ngon và bổ như phở… Riêng với Hà, trên tất cả là niềm vui tột cùng khi một ngày nọ nhìn vào gương thấy một cô gái nhõng nhẽo ngày nào nay trưởng thành hơn, chín chắn hơn.
Trong 3 năm học ở North Central Texas College, Cúc Quyên luôn nằm trong danh sách SV ưu tú nhất trường. Vân Hà đạt được 2 học bổng của ĐH Concordia dành cho SV quốc tế có thành tích học tập xuất sắc. Hà cũng là thành viên của Golden Key International Honour Society – một tổ chức danh dự và chỉ các sinh viên nằm trong top 15% của các trường đại học ở 7 nước (Mỹ, Canada, Nam Phi, Malaysia, Úc, New Zealand, Ả Rập Saudi).
Vừa hoàn thành học kỳ đầu tiên với kết quả khá cao, Mỹ Hương quyết tâm năm học này sẽ lọt vào Dean’s list của ngành Business (top 5% của khóa) để được chọn vào học ngành Banking & Finance- chuyên ngành cạnh tranh nhất - ở Nanyang Business School, cũng như được học thêm chuyên ngành thứ 2 là IT.
Còn Lan Chi, sau 2 năm học ở NUS high school, điểm trung bình của cô là 4.49/5.0. Chi từng đạt Huy chương đồng trong cuộc thi toán Olympiad của Singapore, và hạng tư đồng đội trong một cuộc thi Khoa học ứng dụng cho các trường trung học của Singapore…
Ngoài việc học, 4 bạn còn tham gia vào các tổ chức tình nguyện quốc tế. Vân Hà là thành viên của AIESEC-tổ chức sinh viên phi lợi nhuận lớn nhất thế giới. Cúc Quyên đã được tổ chức Phi Theta Kappa (International Honor Society of the Two Year College) mời làm thành viên từ khi còn là SV năm 2. Mỹ Hương và Lan Chi luôn có mặt trong các hoạt động của cộng đồng SV VN cũng như SV quốc tế tại Singapore.
Cả 4 bạn đều cho biết sẽ học tiếp lên Master trước khi trở về VN. “Cho dù ở đâu, chúng em không bao giờ quên mình là người VN. Sống ở đâu cũng không bằng quê hương mình. Chúng em mong muốn sẽ sớm được trở về và đóng góp sức mình vào sự phát triển của quê hương”, cả 4 bạn khẳng định quyết tâm.
NGỌC TRÂM