Trường Tiểu học Phùng Hưng (quận 11 TPHCM): “Gỡ rối” học đường

“Các bạn không chơi với con, cô ơi” ; “Con ước mẹ đi công tác để không bắt con học nhiều” ; “Con muốn chết vì ba mẹ sắp ly dị…” , đó là 1.001 câu hỏi các em thường xuyên đặt ra với chuyên viên tư vấn tâm lý tại Trường Tiểu học Phùng Hưng (quận 11), một nơi “gỡ rối” tin cậy không chỉ đối với học sinh mà còn của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.

Buổi chiều giờ tan học ở Trường Tiểu học Phùng Hưng (quận 11), học sinh Ng.H.T., lớp 4 cứ thế chạy băng qua đường như có chủ ý mặc dù đường sá lúc này rất đông. Thấy vậy, bác bảo vệ vội vàng chạy theo kéo tay cậu bé vào lại trường. Đi theo bác bảo vệ nhưng T. vẫn giằng co muốn xông ra đường, miệng luôn nói: “Con muốn chết”. Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Hoa liền dắt cậu học trò lên phòng mình và dò hỏi chuyện, T. mếu máo kể trong làn nước mắt chảy dài: “Ba mẹ con sắp ly dị thật rồi cô ơi!”.

Tìm hiểu cô Hoa mới biết, ba T. là một cán bộ ở phường, mẹ là giáo viên. Hai người đã gây lộn trước mặt con, mẹ T. giận quá viết đơn ly dị, ba T. đang say nên ký đơn liền. T. thấy cảnh đó nên chán chường có ý định tự tử. Sau bữa gặp cô Hoa, cả gia đình T. đã đoàn tụ, hiện nay T. đã vui vẻ đến trường trong cảnh đưa đón của ba mẹ.

“Học sinh tiểu học bây giờ lớn hơn mình ngày xưa nhiều lắm, có những suy nghĩ của các em nếu cha mẹ, thầy cô không nhận ra kịp thời thì các em rất dễ có những hành động tiêu cực”, cô Hoa bộc bạch.

Chính vì vậy, Trường Tiểu học Phùng Hưng đã thành lập một phòng tư vấn tâm lý học đường từ 2 năm nay với cách trang trí căn phòng rất ấm cúng và nhiều hình ảnh, đồ vật ngộ nghĩnh, màu sắc thân thiện để tạo sự gần gũi với các em học sinh. Hàng tuần, nhà trường mời thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh trực 2 buổi tại trường.

Có những trường hợp như em Hoàng Quốc Việt, chuyển từ Trường Tiểu học Trưng Trắc qua chưa quen với môi trường mới nên bị cô lập, sau khi được cô Linh tư vấn gặp gỡ cả lớp và tư vấn riêng cho Việt, đến nay Việt đã vui vẻ và học tập tốt hơn. “Giờ các bạn đã chơi với con nên con rất vui và thích đến trường mới học rồi cô ơi”, Việt nói.

Số liệu tổng hợp tại phòng tư vấn Trường Tiểu học Phùng Hưng cho thấy nhu cầu tư vấn của các em học sinh rất lớn. Chỉ trong 1 tháng đã có 72 trường hợp cần tư vấn về quan hệ bạn bè; 10 trường hợp áp lực học hành, thi cử; 12 trường hợp (lớp 5) thích bạn học sinh khác giới và hỏi có nên bày tỏ tình cảm không; 22 trường hợp tư vấn về hoàn cảnh gia đình như phân biệt đối xử, cha mẹ ly hôn, 3 trường hợp tư vấn về sức khỏe, ức chế tâm lý.

Phó phòng Giáo dục quận 11, bà Nguyễn Lê Thu, cho biết, nhu cầu được tư vấn, chia sẻ là một nhu cầu thiết thực. Đây là những vấn đề các em cần được giải quyết thấu đáo ở lứa tuổi này. “Hiện nay, chúng tôi đang nhân rộng mô hình tư vấn tâm lý học đường cho tất cả các trường học trên địa bàn quận 11 để công tác tư vấn học đường ngày càng hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh” - bà Thu nói .

THANH THANH

Tin cùng chuyên mục