Truyền hình trả tiền: Có tiềm năng nhưng khó “nhằn”

Cạnh tranh giá và bản quyền
Truyền hình trả tiền: Có tiềm năng nhưng khó “nhằn”

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 6 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (THTT) trên tổng số 22 triệu hộ gia đình. THTT quả là “chiếc bánh” béo bở và việc các đơn vị viễn thông tham gia kinh doanh THTT càng khiến cho thị trường này trở nên sôi sục.

Khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn dịch vụ truyền hình trả tiền phù hợp với khả năng tài chính của mình. Ảnh: An Dung

Khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn dịch vụ truyền hình trả tiền phù hợp với khả năng tài chính của mình. Ảnh: An Dung

Cạnh tranh giá và bản quyền

Khán giả ngày nay quan tâm nhiều đến chất lượng nội dung chương trình riêng biệt và chất lượng dịch vụ của từng đơn vị cung cấp THTT. “Nội dung là giá trị cốt lõi của một nhà cung cấp THTT. Chính vì vậy, các nhà cung cấp THTT khác nhau phải tạo ra được các sản phẩm tốt, độc đáo và khác biệt để lôi kéo thuê bao. Điều này gắn chặt với bản quyền, có thể do chính họ tạo ra (sản xuất các chương trình riêng) và cũng có thể là bản quyền do họ phải đi mua (bản quyền các giải thể thao, bản quyền phim…). Có thể nói, độc quyền các chương trình truyền hình gắn liền với THTT”, ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc VSTV (đơn vị sở hữu truyền hình số vệ tinh K+) khẳng định. Ngoài việc độc quyền phát sóng các giải thể thao danh giá, mới đây K+ vừa điều chỉnh lại giá thuê bao đồng thời giảm giá thiết bị. HTVC cũng có thêm một loạt kênh truyền hình nước ngoài lần đầu tiên phát sóng. SCTV không chỉ giảm giá cước (từ 30% - 45%), mà còn điều chỉnh chính sách hợp tác sản xuất các chương trình, mua bản quyền một số giải bóng đá hàng đầu châu Âu, các trận boxing, quần vợt… Tất cả những thay đổi này của các đơn vị kinh doanh THTT đều nằm trong nỗ lực cạnh tranh, nhằm lôi kéo thêm khách hàng mới và cố giữ chân khách hàng cũ.

Trong khi đó, hai đơn vị viễn thông vừa gia nhập thị trường THTT là FPT và Viettel cũng có những kế hoạch phát triển, dựa trên lợi thế mạng viễn thông của mình. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc FPT, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua phương thức IPTV (kết hợp với internet). Đây là phương thức trải nghiệm truyền hình tiên tiến, hấp dẫn so với truyền hình cáp thông thường. Song song, chúng tôi lên kế hoạch triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho đối tượng khách hàng có nhu cầu truyền hình cơ bản”. Lãnh đạo Viettel thì cho rằng: “Vì chúng tôi là người đi sau, nên sẽ chú trọng nhiều vào việc đảm bảo chất lượng tốt, giá tốt và chọn làm ở những vùng chưa ai làm. Hiện nay chúng tôi đang thay đổi công nghệ từ cáp đồng trục sang cáp quang, với mục đích đưa công nghệ mới, chất lượng cao để phục vụ khách hàng được tốt hơn”. Đến thời điểm này, giá thuê bao của Viettel được xem là rẻ nhất so với các đơn vị kinh doanh THTT khác.

Quan trọng là chất lượng

Ngoài những kênh nước ngoài nổi bật, khán giả vẫn mong được xem những chương trình mang dấu ấn riêng, có chất lượng và do chính đơn vị đó sản xuất. Nhưng đây cũng là một yêu cầu rất khó được đáp ứng. Phần vì nhân lực, phần vì điều kiện và quan trọng hơn là sự đầu tư tài chính còn hạn chế trong việc sản xuất. Anh Nguyễn Ngọc Khánh (quận 4) cho biết: “Tín hiệu truyền hình cáp tại nhà tôi hay bị đứng hình, mấy giờ sau mới khắc phục được. Tôi chủ yếu chỉ xem mấy kênh phim nước ngoài, ít xem các chương trình Việt Nam vì không có gì đặc sắc; chủ yếu chỉ là phim, nhưng phim Việt có nội dung rất hời hợt, lại thường na ná giống nhau. Tôi cho rằng, giá cước và dịch vụ chưa tương xứng. Gia đình tôi đang suy nghĩ việc đổi truyền hình cáp”.

Điều này cho thấy, không chỉ là những chương trình độc quyền hay đi mua bản quyền nước ngoài để phát sóng, khách hàng hiện rất muốn được xem những chương trình được sản xuất trong nước với chất lượng cao. Nhiều đơn vị THTT hoạt động lâu năm, dù có sản xuất, nhưng chất lượng nói chung vẫn chưa đạt. Chủ yếu vẫn là đầu tư sản xuất phim truyện và talkshow. Phim truyện vài năm lại đây vẫn giậm chân tại chỗ, đề tài nghèo nàn, đội ngũ làm nghề thiếu hụt, tiền đầu tư vẫn chỉ trong mức 150 - 180 triệu đồng/tập nên rất khó để có phim hay. Nếu không có chương trình riêng biệt, chỉ thuần mua bản quyền về khai thác thì việc cạnh tranh chỉ nằm trong phạm vi giá thuê bao và nguy hiểm hơn nữa là sẽ đẩy giá mua bản quyền lên cao, chuyển lợi nhuận kinh tế “chảy” hết ra nước ngoài.

Ông Cao Văn Liết nhìn nhận: “Khi có nhu cầu từ nhiều người mua khác nhau sẽ xảy ra cạnh tranh và giá bản quyền vì thế có thể tăng lên”. Việc độc quyền chương trình phát sóng sẽ là điểm mạnh, điểm nổi bật để thu hút khách hàng, nhưng chính điều này lại khiến thị trường THTT trở nên hỗn loạn, mạnh ai nấy làm, dễ tạo ra những cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Cũng theo ông Cao Văn Liết: “Cần có sự quản lý tốt của các cơ quan nhà nước dựa trên một chính sách khoa học được xây dựng trên cơ sở tiếp thu từ các nước tiên tiến để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh, có thể làm hại cho thị trường THTT còn non trẻ tại Việt Nam”. Còn theo Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình – Thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo: “Các doanh nghiệp nên tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội Truyền hình trả tiền, để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất trong hoạt động quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là vấn đề bản quyền truyền hình”. Còn ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội THTT Việt Nam (VNPayTV) nhấn mạnh: “Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Bộ TT-TT đặt mức giá sàn đối với dịch vụ THTT để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh”.

Nếu trùng lắp kênh, không có sự đầu tư nâng cao chất lượng sản xuất các chương trình riêng biệt và dịch vụ chăm sóc khách hàng bị xem nhẹ, các đơn vị kinh doanh THTT sẽ khó mà giữ chân hay lôi kéo được khách hàng.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục