Ngay từ những tháng đầu năm 2011, ngành truyền hình đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi một vài sự kiện: lần đầu tiên một chương trình trên truyền hình bị phạt tiền vì thông tin sai sự thật; nhà nước điều chỉnh hoạt động truyền hình trả tiền bằng việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động, công tác chuẩn bị cho Dự thảo luật quảng cáo (trong đó có phần quảng cáo trên truyền hình) đang rất khẩn trương…
Chương trình phát sóng chưa ổn
Do hiệu ứng xã hội mà truyền hình mang lại rất lớn, nên cái hay – cái dở đều để lại ấn tượng. Hiện nay, một số chương trình bị công chúng nhận xét là hời hợt, chọc cười vô duyên và không mang lại hiệu quả tích cực nào. Chương trình Camera công sở là một trong số những chương trình như thế. Thực hiện theo thể loại hài tình huống (sitcom), những câu chuyện của một nhóm nhân viên văn phòng được một chiếc camera giấu sau máy pha cà phê thu lượm, đã cho người xem nhìn, nghe được những chuyện hết sức tầm phào trong một văn phòng làm việc: từ chuyện sinh nhật vợ sếp, tìm người ở chung phòng, nói xấu sau lưng… Nhiều tình huống hài gượng ép, diễn viên đôi khi diễn cố tình “cương”, lượng sượng.
Trước đây, Camera công sở đã phát trên HTV3, VTV3, hiện nay chương trình đang phát sóng lúc 19g50 trên VTV1. Phát trên sóng quốc gia với lượng người xem đông đảo, vì thế chương trình cũng bị “soi” nhiều hơn và phần đông vẫn là ý kiến “chê” Camera công sở.
Nội dung các bộ phim truyện truyền hình cũng là những vấn đề được mọi người quan tâm, bàn tán nhiều nhất. Cũng trên sóng truyền hình quốc gia, vừa qua bộ phim Hãy cùng em điệu Sarikakeo sau khi phát 1 tập đầu tiên đã bị ngưng vì một số chi tiết chưa đúng, chưa phù hợp.
Hiện trên VTV3 đang phát sóng bộ phim Anh chàng vượt thời gian (dài 36 tập), cũng khiến khán giả ngán ngẩm cả về chất lượng nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Một bộ phim có đề tài khoa học giả tưởng, pha chút cổ trang nói về anh chàng bị tai nạn giao thông, rơi vào hôn mê sâu. Trong giai đoạn chết lâm sàng đó, anh ta mơ mình thành nhà khoa học trẻ, tìm ra lỗ hổng thời gian và qua lỗ hổng này anh ta đến được thế giới người xưa, nơi có hoàng tử, vua chúa, cung tần mỹ nữ và những chuyện hậu cung rất… vớ vẩn.
Ngoài phần nội dung chẳng có gì, phần kỹ thuật cũng có vấn đề. Phim phát sóng nhưng hình đi một đường, tiếng đi một nẻo. Phía VTV đã phải một lần tạm ngưng phát sóng để nhà sản xuất chỉnh lại phần kỹ thuật, nhưng hiện nay xem ra lỗi kỹ thuật về đường tiếng – hình vẫn chưa mấy khả quan vì thi thoảng vẫn thấy phim lặp lại tình trạng cũ!
Không xử lý sai phạm vì... thông cảm!
Chương trình Người xây tổ ấm được phát sóng vào tháng 3 vừa qua là một trong số những “hiệu ứng ngược”. Sau khi nhân vật Lượm bị phát hiện là giả và toàn bộ câu chuyện mà nhân vật này kể cũng là bịa đặt, khán giả đã không phản ứng quyết liệt nếu những người thực hiện chương trình có cách ứng xử văn hóa, có trách nhiệm. Thay vì phải nhận lỗi do mình sơ sót, người làm chương trình lại đòi kiện lại cô “Lượm”. Điều ấy đã tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội đối với nhà đài. Cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc và chương trình Người xây tổ ấm bị phạt 18 triệu đồng vì lỗi “thông tin sai sự thật”. Trong khi từ trước đến nay, những sai phạm trên truyền hình, đa số đều được “nương nhẹ” hoặc xử lý chưa nghiêm.
Trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, trước đà phát triển ngày càng mạnh mẽ về số lượng, nhà nước đã kịp ban hành Quy chế về hoạt động truyền hình trả tiền để có hướng quản lý sát sao hơn, cụ thể hơn. Hiệp hội truyền hình trả tiền cũng được ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, hạn chế và tránh xung đột, tranh chấp giữa các đơn vị truyền hình trả tiền. Duy có chuyện vi phạm bản quyền phát sóng phim và các chương trình truyền hình dường như vẫn là câu chuyện không có hồi kết. Vẫn còn một số đài truyền hình cố tình phát sóng phim và chương trình chưa có bản quyền. Khi đơn vị nắm giữ bản quyền đòi tiền bản quyền, phía vi phạm cố tình né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cũng chưa có sự can thiệp quyết liệt cho vấn đề này, thế nên việc vi phạm bản quyền phát sóng vẫn còn là vấn đề “nóng” hiện nay.
Một vi phạm nữa cũng đang được “du di” cho qua, đó là vi phạm quảng cáo trên truyền hình. Theo Nghị định số 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản có ghi rõ: “không quảng cáo quá 2 lần trong chương trình phim truyện trên đài truyền hình; quảng cáo quá 4 lần trong chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình; không quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện, chương trình vui chơi giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình; không quảng cáo quá 10 lần cho một sản phẩm trên một kênh trong một ngày. Không quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự trên đài phát thanh, đài truyền hình trong khoảng thời gian từ 18 giờ - 20 giờ hàng ngày”.
Điểm lại các chương trình quảng cáo trên các đài truyền hình hiện nay sẽ thấy, hầu hết các đài truyền hình đều vi phạm, không nhiều thì ít. Nhưng hiện chưa có đài truyền hình nào bị phạt tiền vi phạm quảng cáo cả. Một đại diện của một cơ quan quản lý nhìn nhận, vấn đề vi phạm quảng cáo trên truyền hình hiện nay thường được bỏ qua vì cơ quan quản lý hết sức thông cảm cho các đài truyền hình vì nguồn thu của các đài chủ yếu đến từ quảng cáo và cũng nhờ nguồn thu này mà các đài mới có kinh phí tái đầu tư sản xuất chương trình.
Như Hoa