Không thể không thừa nhận những cống hiến to lớn của tuổi trẻ ngày nay cho đất nước ở các lĩnh vực khác nhau. Họ tỏa sáng và gặt hái được thành công rực rỡ, nhất là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cũng như thể hiện bởi bản lĩnh qua những hành động dũng cảm, kiên cường… Nhưng một bộ phận bạn trẻ giờ đây đang bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng diễn ra trên cả ba mặt quan trọng nhất của đời sống chính bản thân họ. Đó là nhận thức - tình cảm - ý chí.
Xuất phát từ lợi ích cá nhân và thực tiễn xã hội làm cho một bộ phận những người trẻ lựa chọn cách sống riêng của mình, họ không thấy hoặc cố tình không thấy những giá trị có thể mang lại lợi ích cho xã hội, họ tìm đến những giá trị để thỏa mãn những nhu cầu trực tiếp của bản thân và coi đó là hình ảnh phản chiếu giá trị sống cũng như tiêu chuẩn định lượng sự phát triển bản thân trong mỗi cá nhân hoặc cho một nhóm người. Ở đây tính lợi ích cá nhân đã vượt qua tính cộng đồng, tính tập thể, thậm chí có lúc còn bao trùm lối sống của họ. Ngay trong lĩnh vực giáo dục, cách đây 7 - 10 năm ngành sư phạm thực sự lên ngôi, nhưng giờ đây thì ngược lại, việc thi vào sư phạm dường như chỉ là sự lựa chọn chủ yếu của con em nông thôn, những gia đình khó khăn về kinh tế. Thực tế đáng buồn với thông tin: nhiều bạn “chê” ngành xã hội bởi cho rằng không có tương lai, thu nhập thấp, khó tiến thân và mơ hồ về cơ hội việc làm. Phải chăng tính lợi ích, chủ nghĩa thực dụng đã ăn sâu vào nhận thức của không ít giới trẻ và cả những người làm công tác giáo dục định hướng?
Trong quan hệ gia đình, một bộ phận người trẻ do sự lôi cuốn của tiền bạc đã làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Họ sẵn sàng để cha mẹ chịu sự cô đơn, tủi nhục để lao vào kiếm sống với mục tiêu là kiếm được thật nhiều tiền. Theo họ, cha mẹ có thể vào trại dưỡng lão hoặc cho cha mẹ đầy đủ về tiền bạc là đã hiếu thảo, nhưng cha mẹ đâu phải cần rất nhiều tiền mà cốt yếu cần sự quan tâm, chăm sóc, động viên của con cái lúc tuổi già. Trong quan hệ thầy - trò, đây là mối quan hệ đặc biệt song truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngày nay cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tính thực dụng rõ rệt. Có những học trò bày tỏ quan điểm “học xong là thôi”, thậm chí sau vài tháng đã không nhớ người thầy đã dạy cho mình những bài học làm người hay chuyện sinh viên chạy điểm còn là “vấn nạn”. Còn trong tình yêu, chuyện bạn trẻ thực dụng đã rõ, phương châm sống “tình - tiền”, “tình một đêm”… để thỏa mãn những dục vọng cá nhân hoặc để được thỏa mãn nhu cầu trong sự cân nhắc, đề bạt…
Người trẻ ngày nay ý chí thế nào? Nhiều người nhận định, một bộ phận không nhỏ do lối sống thực dụng nên sợ sệt, thiếu ý chí phấn đấu, ngại khó, ngại khổ… Sinh viên ra trường không phải ai cũng sẵn sàng xung phong lên vùng cao đi dạy hoặc làm bác sĩ về công tác ở các xã phường. Việc điều chuyển, phân công công tác ít thấy người trẻ xông pha mà họ tìm cách trốn tránh nhiệm vụ hoặc họ không sẵn sàng. Một số sinh viên được cử đi du học nhưng sau khi tốt nghiệp tìm cách ở lại nước ngoài và phần lớn họ trả lời rằng về Việt Nam “điều kiện làm việc hạn chế”. Có lẽ chỉ một bộ phận nhỏ của người trẻ có những biểu hiện mặt tối như thế. Song chúng ta cần phải giáo dục, truyền lửa cho thế hệ trẻ ngay từ gốc. Đồng thời cũng phải có sự định hướng, thuyết phục cũng như khuyến khích để giới trẻ nhanh chóng loại trừ lối sống thực dụng ra khỏi đời sống cá nhân. Việc này không chỉ trách nhiệm của tổ chức Đoàn mà là trách nhiệm của cả xã hội, hướng tới thỏa mãn nhu cầu cá nhân cũng như tính xã hội cao cả, từ đó mới hình thành được trách nhiệm cá nhân và tính cộng đồng, không phải làm vì hôm nay mà còn vì mai sau, không chỉ cho bản thân ta mà còn cả cộng đồng xã hội.
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN