TS-KTS Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM: Chuyển đổi công năng nhà ở - cần có quy định cụ thể

Làm gì để khắc phục tình trạng bất cập khi chuyển đổi nhà ở sang các hình thức sử dụng khác? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS-KTS Võ Kim Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM.
TS-KTS Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM: Chuyển đổi công năng nhà ở - cần có quy định cụ thể

Làm gì để khắc phục tình trạng bất cập khi chuyển đổi nhà ở sang các hình thức sử dụng khác? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS-KTS Võ Kim Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM.

  • Nhu cầu chuyển nhà ở sang kinh doanh rất lớn

° PV: Thưa ông, về nguyên tắc nhà ở có thể dùng vào các mục đích khác như làm trường học, nhà hàng, trụ sở văn phòng…?

° TS-KTS Võ Kim Cương: Mỗi công trình có yêu cầu về kỹ thuật xây dựng rất khác nhau. Nhà ở có tiêu chuẩn xây dựng riêng của nhà ở, trường học, nhà hàng, bệnh viện… có tiêu chuẩn riêng của trường học, nhà hàng, bệnh viện...

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các công trình này với hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật xung quanh cũng không giống nhau. Trường học phải được đặt ở nơi có giao thông thông thoáng, đường đi rộng rãi để việc đi lại của học sinh, giáo viên và phụ huynh được dễ dàng, đặc biệt giao thông thuận lợi còn là điều kiện để giúp cho công tác đảm bảo trật tự an toàn cháy nổ được thực thi tốt hơn.

Không phải ngẫu nhiên, cách nay nhiều năm TPHCM từng có chủ trương mở rộng hẻm để khi gặp sự cố về cháy nổ thì người dân thoát thân dễ hơn và ngành chức năng cũng dễ xử lý hơn. Nhu cầu sử dụng điện, nước của trường học, nhà hàng, bệnh viện… tất yếu nhiều hơn nhu cầu sử dụng điện, nước của nhà ở riêng lẻ vì thế hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện cho các đối tượng này cũng phải khác nhau.

° Như vậy, nhà ở không thể dùng cho các mục đích khác, thưa ông?

° Tuy có kết cấu khác nhau giữa các loại nhà (nhà ở, bệnh viện, trường học…) và mối quan hệ giữa các loại nhà với môi trường xung quanh có khác nhau nhưng nếu được điều chỉnh thì nhà ở có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau.

TPHCM là thành phố đang phát triển, các phân khu chức năng chưa rõ ràng, thậm chí luôn thay đổi nên việc cấm không cho thay đổi mục đích sử dụng là không khả thi. Nhất là khi nguồn thu nhập của một bộ không nhỏ người dân còn phụ thuộc vào việc chuyển đổi này. Hầu hết các hộ dân sinh sống ở mặt tiền các trục đường lớn của thành phố đều dùng mặt tiền nhà của mình để kinh doanh hoặc cho thuê một phần diện tích, thậm chí cho thuê hết cả nhà để tìm kiếm thêm thu nhập. Nhiều nhà trong hẻm cũng bắt đầu cho thuê để kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, cấm không những không khả thi mà còn có thể gây ra những xáo trộn lớn về mặt xã hội.

TS-KTS Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM: Chuyển đổi công năng nhà ở - cần có quy định cụ thể ảnh 1

Có ý kiến cho rằng Trường Ngoại ngữ Dương Minh nằm tại ngã tư Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu làm cho giao thông tại đây thêm phức tạp. Ảnh: DIỄM THY

  • Chuẩn hóa việc chuyển đổi công năng

° Nói như ông có nghĩa: nếu có nhu cầu, người dân có thể chuyển đổi công năng nhà ở sang sử dụng với các mục đích khác?

°  Trước nhu cầu có thực và thậm chí rất lớn này của người dân, Nhà nước nên có quy định rõ ràng về việc chuyển đổi công năng từ nhà ở sang các mục đích sử dụng khác để người dân có thể tham khảo trước khi quyết định chuyển đổi công năng sử dụng nhà của mình. Quy định như vậy cũng là một cách giúp Nhà nước quản lý đô thị tốt hơn, hạn chế được những tiêu cực (nếu có) trong việc xin chuyển đổi công năng nhà ở.

° Theo ông, quy định này sẽ được xây dựng theo hướng nào?

°  Nên có sự sắp xếp các loại nhà thành 3 nhóm. Nhóm 1 là nhóm hoàn toàn không bị cấm chuyển đổi công năng. Nhóm này có thể gồm các căn nhà mặt tiền phố… và khi thực hiện chuyển đổi công năng sang kinh doanh, chủ nhà hoặc chủ đơn vị kinh doanh chỉ cần có phương án tổ chức giao thông tốt, phương án xử lý nước thải, rác thải phù hợp với quy mô hoạt động của mình. Tất nhiên, phương án đảm bảo giao thông và vệ sinh môi trường của họ phải được cơ quan có chức năng xem xét, phê duyệt. Nhóm 2 là nhóm phải xin phép khi thực hiện chuyển đổi công năng. Ngành chức năng sẽ phải xem xét cụ thể từng trường hợp trước khi chấp thuận hay không chấp thuận cho chuyển đổi công năng. Và nhóm 3 là nhóm hoàn toàn không được chuyển đổi công năng.

° Vậy việc phân nhóm nêu trên liệu có khả năng tạo ra cơ chế “xin-cho” đối với người dân khi họ muốn nhà của mình thuộc nhóm 1, nhóm 2 thay vì nhóm 3?

° Nếu ngành chức năng chuẩn hóa ngay từ đầu nhà như thế nào thuộc nhóm 1 và nhà như thế nào thuộc nhóm 2 và 3 rồi công bố công khai cho người dân biết thì sẽ hạn chế được tình trạng xin- cho.

An Nhiên

TPHCM kiểm tra việc sử dụng công năng một số công trình

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Xây dựng vừa thành lập 3 đoàn đi kiểm tra tình hình sử dụng công năng một số công trình ở khu vực trung tâm thành phố.

Nhiệm vụ này xuất phát từ nhiều nguồn tin cho rằng một số cao ốc ở khu vực trung tâm như tòa nhà Capital, Vincom, Kumho… không dành hết diện tích nhà xe để… để xe mà dùng một phần diện tích này làm nhà kho hoặc sử dụng vào mục đích khác. Nhiều xe đến giao dịch ở các tòa nhà này đã phải lưu đậu trên vỉa hè hoặc lòng đường, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông.

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, 3 đoàn kiểm tra đang triển khai công tác của mình song khảo sát bước đầu cho thấy, trong nhiều trường hợp do các chủ xe không chịu đưa xe vào lưu đậu ở bãi đậu xe của các tòa nhà vì phí lưu đậu ở đó cao hơn phí lưu đậu ngoài đường. Trong khi giá lưu đậu xe trên đường chỉ khoảng 5.000 đồng/ô tô thì trong các bãi đậu xe ngầm của các cao ốc, các khách sạn có thể lên tới 50.000 - 100.000 đồng/ô tô. Không có xe vào lưu đậu nên chủ các tòa nhà buộc phải dùng một phần diện tích bãi đậu xe còn trống sang làm việc khác. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại và các sở ngành liên quan sẽ xem xét đề xuất TPHCM hướng giải quyết. 

Tâm Đức

Tin cùng chuyên mục