TSKH Nghiêm Vũ Khải (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của QH đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi nhanh về vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Là một nhà địa chất học, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho biết:
Sau sự cố hạt nhân do hậu quả của động đất - sóng thần ở Nhật Bản, rất nhiều nước sở hữu công nghệ hạt nhân đã có chủ trương tiến hành rà soát, hoàn thiện thêm công nghệ, nhất là vấn đề an toàn. Một số nước đang hoặc sẽ tiến hành chương trình điện hạt nhân cũng cân nhắc chương trình điện hạt nhân của họ để có biện pháp đảm bảo an toàn trong những tình huống đặc biệt.
Thực tế thì nhà máy điện Fukushima được xây dựng từ cuối những năm 60, đầu 70 thế kỷ trước, tức là trên dưới 40 năm. Công nghệ mà QH quyết định lựa chọn cho nhà máy tại Ninh Thuận tiên tiến, an toàn hơn nhiều. Bên cạnh đó, để đi đến quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, QH đã xem xét rất kỹ các nguồn năng lượng hiện có, từ thủy điện, nhiệt điện chạy than, dầu… và thấy rằng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là tất yếu phải làm.
- Phóng viên: Ngay tại Diễn đàn QH kỳ họp này, nhiều ĐBQH đã bày tỏ mong muốn của cử tri sớm được biết cụ thể hơn về dự án, nhất là trong bối cảnh có hiện tượng bùn phun trào bất thường ở Ninh Thuận… Là cơ quan thẩm tra dự án điện Ninh Thuận và cũng là cơ quan chủ trì thẩm tra Luật Năng lượng nguyên tử, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường có câu trả lời cho ĐB không, thưa ông?
Khi có ý kiến ĐB yêu cầu, UB chúng tôi sẽ yêu cầu chủ đầu tư (EVN) và cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu (Viện Vật lý địa cầu và các cơ sở nghiên cứu địa chất) cùng vào cuộc. Ở một số vùng đầm lầy, nơi có nhiều chất hữu cơ phân hủy tạo thành khí mêtan và các loại khí khác cũng gây ra những hiện tượng “sôi” bùn giống như núi lửa bùn. Khu vực có suối nước nóng cũng thường có hiện tượng tương tự. Do đó phải kiểm tra thực địa, nghiên cứu để đánh giá. Xét tổng thể thì Việt Nam không nằm trực tiếp trên vành đai động đất – núi lửa Thái Bình Dương nên khả năng xảy ra động đất lớn như ở Nhật Bản vừa rồi là thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên cũng không vì thế mà chủ quan, bởi tri thức của nhân loại về thiên nhiên có giới hạn, có những quy luật mà nhân loại chưa khám phá hết. Nguy cơ sóng thần cũng không phải là không có, chẳng hạn trong trường hợp xảy ra động đất lớn ở Philippines – một lãnh thổ nằm trên vành đai động đất-núi lửa Thái Bình Dương…
- Tất cả những nguy cơ rủi ro như ông vừa nói hẳn đã được cân nhắc khi lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận?
Tất nhiên. Vị trí nhà máy phải đảm bảo địa hình cao, có đê chắn sóng… Sau “thảm họa kép” ở Nhật Bản vừa rồi, các nhà nghiên cứu hạt nhân thế giới phải tính đến tình huống xấu nhất, tình huống tích hợp tất cả các yếu tố rủi ro trong cùng một thời điểm để dự liệu khả năng phòng ngừa, khống chế tác hại của thảm họa hạt nhân. Nhưng tôi muốn nói thêm là chúng ta còn thời gian, chúng ta chưa mua thiết bị và dự án mới đang nghiên cứu, triển khai. Tôi biết ở thời điểm hiện nay, đã có nhiều chuyên gia nước ngoài hợp tác với các cơ quan nghiên cứu hạt nhân của ta như Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam… theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Nhật Bản để có biện pháp, bước đi cần thiết.
- Như vậy có thể hiểu là chưa có chủ trương chính thức nào khác về việc triển khai dự án?
Nghị quyết của QH về vấn đề này là văn bản pháp lý cao nhất đang có hiệu lực. Nhưng rà soát lại các khâu của dự án và điều chỉnh hợp lý thì cũng là chuyện bình thường. Điều đó không những để nhân dân yên tâm mà còn là trách nhiệm quản lý nhà nước và không có nghĩa là đình chỉ dự án.
Bảo Vân thực hiện