Ngày 1-3, Quyết định 08 của UBND (về cấm và hạn chế xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên một số tuyến đường) có hiệu lực. Thời gian không còn nhiều nhưng các “bác tài” vẫn khá “vô tư”. Nhiều người cho rằng họ chẳng còn gì để chuẩn bị và trông chờ cơ quan chức năng sẽ lơ là như những lần trước.
Cần câu và con cá
Cuối tháng 2-2013, chúng tôi đã rong ruổi trên các tuyến đường có biển cấm, hạn chế giờ lưu thông xe 3 bánh cũng như các tuyến đường không cắm biển. Mọi việc vẫn diễn tiến bình thường, xe 3 bánh vẫn lưu thông. Các tuyến đường Võ Văn Tần, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai và thậm chí Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… hàng đoàn xích lô chở khách du lịch vẫn thong dong, thậm chí lưu thông ngược chiều. Trên các tuyến đường hạn chế lưu thông ở khu vực quận 5, quận 6, quận 10, quận 11… xe xích lô, ba gác vẫn chở hàng cồng kềnh, xuôi ngược trên đường.
Tại tuyến đường Lê Quang Sung, trước cổng Bến xe Chợ Lớn, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tuấn, 52 tuổi, tạm trú ở quận Tân Phú. Khi hỏi về việc cấm xe xích lô, ba gác theo Quyết định 08, ông Tuấn trả lời tỉnh rụi: “Ủa! Lại bắt nữa à? Chuyện này mấy năm trước đã thực hiện rồi mà”.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Năm 2010, khi thành phố có quyết định cấm xe xích lô, ba gác lưu thông thì tôi đã nhận được tiền hỗ trợ 5 triệu đồng. Coi như nhà nước cấp cho anh em tụi tôi cái “cần câu”. Cũng như các anh em khác, tôi mua chiếc xe gắn máy và chuyển nghề xe ôm. Nhưng xe ôm đông quá. Đậu một chỗ thì không có khách, còn “rảo vòng vòng” thì tốn xăng. Ôm “cần câu” hoài mà khó “câu cá” quá. Thế là khoảng 6 tháng sau, không “trụ” được, tôi bán xe gắn máy, mua lại chiếc xe xích lô giá 3 triệu đồng và “cầm cự” đến ngày hôm nay. Bây giờ, nếu “mấy ổng” làm gắt quá thì mình “lủi” thôi. Trước nay vẫn vậy mà!”.
Hình như ai cũng có lý do riêng để tồn tại cái nghề được xem là nhọc nhằn, gian khó này. Trước cửa chợ Bình Tây, giữa trời nắng gay gắt, ông Lâm Xuân Quang, (Ba Quang, 54 tuổi, nhà ở phường 9, quận 5) đang lặng lẽ ngồi trên chiếc xích lô láng cóng của mình để đợi khách.
Ông Ba Quang cho biết: “Nhờ xem báo và nghe đài, tôi biết sắp đến ngày thực hiện lệnh cấm. Việc này đã thực hiện lâu rồi, nay mai thành phố cấm ở khu vực trung tâm thôi, còn ở trong này (khu vực quận 5, quận 6, quận 11…) chỉ hạn chế lưu thông và theo giờ quy định. Thú thật, tụi tôi hành nghề cũng lay lắt qua ngày. Bây giờ, xe xích lô như tôi đâu còn nhiều và đâu có ai muốn làm nghề mạt hạng này. Phần đông anh em đều lớn tuổi, không có nghề nên mới “ôm” chiếc xích lô để kiếm cơm. Nhờ gần 30 năm đạp xích lô, các con của tôi được ăn học, có việc làm đàng hoàng rồi.
Khi xưa khổ mình còn lo được, bây giờ không lẽ mình ngửa tay xin tiền tụi nó. Nghĩ vậy nên tôi vẫn cố gắng đạp xích lô. Bây giờ xích lô chỉ chở hàng thôi, nhiều ngày không có người khách nào. Nếu cấm xe 3 bánh ở chợ này thì tiểu thương vất vả lắm. Vì không có phương tiện nào chở được nhiều hàng mà rẻ như xích lô, ba gác. Theo tôi, nếu chính quyền thành phố cấm thì cấm triệt để luôn đi. Cấm ở khu vực trung tâm thì không chấp nhận xích lô du lịch tồn tại. Còn xử lý thì quá dễ. Loại xe 3 bánh mới có chiếc nào có giấy phép đâu”.
1 mẹ 10 con
Bức xúc của ông Ba Quang và những người đạp xích lô khác chính là thực tế. Không phải từ bây giờ mà cách đây mấy năm thành phố đã ngưng cấp giấy đăng ký đối với loại phương tiện 3 bánh mới (có thùng xe ở phía sau). Nhưng tại thời điểm này, loại phương tiện nêu trên vẫn lưu thông khá phổ biến trên các tuyến đường.
Một cán bộ CSGT Đội Hàng Xanh cho biết: “Hầu hết các chủ phương tiện 3 bánh mới đăng ký ở các tỉnh, thành khác. Các chủ phương tiện “chính chủ” photocopy thành nhiều bản, có công chứng hẳn hoi, rồi làm hàng loạt biển số “trao đổi” với nhau. Trong giới hành nghề xe 3 bánh gọi đó là “Một mẹ 10 con”. Chính vì lý do này khi chúng tôi phát hiện và ra quyết định tạm giữ để xử lý thì họ bỏ xe luôn. Bởi lẽ, khung phạt các lỗi vi phạm của xe 3 bánh khá cao và quan trọng nhất là họ làm gì có giấy tờ để tiến hành thủ tục đóng phạt”.
Việc chở hàng cồng kềnh, cây sắt chất chồng, chằng cột 2 bên thùng xe và lưu thông bất chấp quy định của loại phương tiện 3 bánh gắn máy mới đã ít nhiều gây quan ngại đối với người tham gia giao thông. Bà Trương Thu Vân, nhà ở quận Tân Bình, tâm sự: “Khi lưu thông trên đường hay dừng đợi tín hiệu đèn, tôi cứ chằm chập lo sợ hiểm họa từ phía sau. Cứ nghe tiếng động cơ xe 3 bánh ở sau lưng là tim “đập loạn nhịp”. Việc này đâu khó xử lý”.
Việc cấm lưu hành và hạn chế xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên một số tuyến đường thuộc địa bàn thành phố là một trong các giải pháp cấp bách kiềm chế TNGT, ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự ATGT và mỹ quan đô thị. Đây là chủ trương đúng đắn và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, xử lý có kiên quyết không? Chấn chỉnh có chuyển biến tình hình không? Câu trả lời vẫn còn treo lơ lửng vào giờ G!
ĐOÀN HIỆP