Báo SGGP số ra ngày 30-5 có bài viết Tan nát đáy sông Sài Gòn, phản ánh sông Sài Gòn, đoạn giáp ranh giữa TPHCM, Tây Ninh và Bình Dương bị các đối tượng khai thác cát trái phép ngang nhiên sử dụng máy khoan công suất lớn khoan sâu hàng chục mét dưới đáy sông để hút cát. Nhưng chính quyền địa phương, các ngành chức năng còn buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, xử lý, chưa có biện pháp quyết liệt khiến đáy sông ngày càng tan nát.
Sau khi báo đăng, ông Hồ Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cho biết huyện đang chỉ đạo phòng TN-MT huyện, công an huyện tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát Môi trường tỉnh Bình Dương, các đơn vị chuyên ngành tiến hành các biện pháp kiểm tra, xử lý quyết liệt nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn. Đặc biệt, huyện sẽ nghiên cứu và có biện pháp phối hợp với các lực lượng chức năng huyện Củ Chi (TPHCM), huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và Tây Ninh để có biện pháp kiểm tra đồng bộ nhằm ngăn chặn triệt để, tránh tình trạng bắt cóc bỏ dĩa.
Ông Hồ Phương Nam cũng cho biết trước đây huyện cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn do các đối tượng khai thác hoạt động rất tinh vi, có “vệ tinh” theo dõi, báo trước, nên có biện pháp đối phó. Chỉ trong 3 năm qua, trên 15km bờ sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Bến Cát đã có 10 vị trí bờ sông bị sạt lở dài 3.200m (mỗi đoạn sạt lở dài từ 50 – 500m), ăn sâu vào trong 2 – 10m.
Tại TPHCM, PV Báo SGGP rất nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường TPHCM để trao đổi thông tin về quá trình kiểm tra, xử lý nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn nhưng lần nào các cán bộ ở đây cũng… bận họp!
T. VŨ