Tạp văn
Chiếc xe gắn máy đầu tiên của nhân loại ra đời vào năm 1886. Nó được hai ông thợ rèn người Pháp là Pierre Michaux và Louis-Guillaume Perreaux chế tạo ra bằng cách lắp một động cơ hơi nước vào chiếc xe đạp. Phải đến giữa thế kỷ XX những chiếc xe máy thương phẩm chạy xăng mới đến Việt Nam với những nhãn hiệu Koehler, Monet Goyon, Terrot, Mobylette, Vespa…
Người Việt ban đầu gọi nôm na những chiếc xe gắn máy là “Bình bịch”. Tên gọi phỏng theo âm thanh xe phát ra như vẫn gọi các loài chim “Tu hú”, “Gọi vịt”, “Bắt cô trói cột”. Những chiếc xe máy đầu tiên đến Việt Nam bây giờ vẫn còn có mặt trong vài bộ sưu tập của các tay chơi đồ cổ. Hình dáng, màu sơn và nhất là tính năng, linh kiện, phụ tùng có nhiều thứ còn sơ khai thủ công đến thương cảm. Như chiếc còi hơi thổi bằng miệng hoặc bóp quả bóng cao su chẳng hạn. Thế nhưng vào thời ấy nó đã từng là niềm tự hào của một số rất ít đại gia Việt có điều kiện sở hữu.
Thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Hà Nội có khá nhiều xe máy được nhập khẩu từ các nước xã hội chủ nghĩa về. Xe mô tô ba bánh Xít-đờ-ca (Sidecar) nhập từ Liên Xô. Xe mô tô Hạnh Phúc nhập từ Trung Quốc, xe Java nhập từ Tiệp Khắc. Phần lớn những xe máy này dùng làm xe công cho các cơ quan có nhu cầu đi lại khẩn cấp như công an, bộ đội, báo chí, thể thao, bưu điện. Những xe dân dụng có dung tích máy nhỏ hơn về sau cũng được nhập về. Xe MZ, Spat, Star và Simson từ Đức, xe Java, Babetta từ Tiệp Khắc, xe Riga và Minsk từ Liên Xô, xe Balkan từ Bulgaria. Những cán bộ cao cấp được phân phối phiếu mua xe và xăng. Ai không dùng đến có thể bán chui ra thị trường cả hai. Khỏi phải nói lúc này chiếc xe gắn máy có giá trị như thế nào. Trung bình bằng tiền mua một căn nhà Hà Nội. Thị trường tự do có nhiều xe máy từ các nước tư bản nhập về theo con đường quà tặng thân nhân. Chủ yếu là từ Pháp với các xe Peugeot, Mobylette cá xanh, cá vàng và vài chiếc Solex. Chiếc Mobylette AV92 gọi là xe “cá vàng”. Đỉnh cao công nghệ xe máy tay ga thời bấy giờ. Chỉ những đại gia ngành ép nhựa hoặc lò gạch mới đủ tiền mua. Hiếm hoi mới có một chiếc Vespa 150cc với giá trị rất lớn. Người Hà Nội gọi nó là “biệt thự bay”. Tuy nhiên toàn bộ xe máy ở miền Bắc lúc ấy dùng động cơ hai thì chạy xăng pha nhớt. Thứ máy móc lạc hậu ấy khiến cho người sử dụng luôn phải có một hộp đồ nghề và vài chiếc bugi dự trữ mang theo. Hình ảnh bố ngồi con đẩy không có gì là lạ giữa phố phường. Đi xa phải chia đường thành những quãng ngắn bốn năm mươi cây số cho xe nghỉ mát máy. Thời kỳ này có một vài kỹ sư ở nhà máy cơ khí ấp ủ khát khao chế tạo ra một chiếc xe máy Việt Nam đặt tên là Độc Lập. Thế nhưng hình như chỉ có duy nhất một chiếc Độc Lập ra đời đúng như cái tên của nó. Gò hàn chi tiết vỏ xe và sơn bằng tay như đám trẻ chế tạo robot trong các cuộc thi bây giờ vậy. Và dĩ nhiên động cơ cũng là nhặt nhạnh phụ tùng cũ của nước ngoài lắp ráp lại mà thành.
Sau ngày thống nhất đất nước, những chiếc xe máy động cơ bốn thì Honda lần đầu tiên có mặt ở miền Bắc. Nó nhanh chóng chứng tỏ tính năng ưu việt vượt trội. Chẳng mấy khi chết máy giữa đường cũng có nghĩa không cần đến dụng cụ và bugi dự phòng. Chiếc xe máy 50cc có khả năng đèo bạn gái đi hàng trăm cây số liền không cần nghỉ. Chỉ cần có chiếc xe máy Honda thì công cuộc chinh phục chị em hầu như không gặp trở ngại nào dù có xấu giai đến mấy. “Đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Honda”. Là chị em bảo thế!
Việt Nam và Indonesia là hai nước sử dụng nhiều xe máy nhất trong khối ASEAN. Thủ đô Jakarta và những thành phố trên đất nước Indonesia tràn ngập xe máy từ nhiều năm về trước. Cũng giống như Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam. Đặc biệt giống nhau cả đến vấn nạn rải đinh kiếm tiền vá săm. Việt Nam và Indonesia cũng là nơi các công ty xe máy toàn cầu đặt nhiều cơ sở lắp ráp chế tạo. Chẳng còn ai thơ ngây đến mức định chế tạo ra một chiếc xe máy mang thương hiệu nước mình nữa. Người Việt sản xuất ra hàng Việt thì dù đặt tên gì cũng không khó nhận ra. Chưa ai đếm hết được các thương hiệu xe máy có mặt trên đất nước mình. Chỉ biết một điều chắc chắn rằng chiếc xe máy bây giờ đã hầu như hoàn thiện gần hết các tính năng mà xe máy cần có. Tất cả các hãng đều lắp ráp những chiếc xe tay ga mà người sử dụng chỉ còn có mỗi việc ngồi lên yên và mơ đến bạn khác giới đang nôn nao chờ đợi ở đâu đó. Giờ là lúc rất nên nghĩ đến chuyện sửa sang sắc đẹp. Có như thế mới mong nổi bật giữa muôn trùng xe máy phố phường. Tuy nhiên cũng cần rất thận trọng như khi dắt chiếc xe tay ga đắt tiền vào tiệm sửa xe vậy.
5-2014
ĐỖ PHẤN