Tôi đã khóc. Nếu bạn chưa từng bao giờ phải đối mặt với băng tuyết, sẽ rất khó tả băng tuyết khắc nghiệt tới mức nào. Khi còn bé, ở chương trình phổ thông cơ sở ở Việt Nam, chúng tôi có được đọc truyện Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen. Câu chuyện kể về một cô bé mồ côi, phải đi bán diêm vào ngày cuối năm nhưng không có ai mua. Cô bé bị lạnh, cố gắng đánh diêm lên để sưởi ấm nhưng sáng hôm sau thì mọi người thấy cô bé đã chết cóng.
Lúc đó, tôi không hiểu tại sao đó là một câu chuyện nổi tiếng, được mọi người yêu thích đến vậy. Chắc chỉ có con gái mới thích. Cho tới lúc đó, cái lạnh nhất tôi từng biết là cái lạnh của miền Bắc, chắc khoảng 8oC. Sau này, năm 20 tuổi, tôi xa nhà du học, ở một nơi chào đón tôi tới bằng những bông tuyết lất phất. Tôi ở trong ký túc xá, nhìn ra cửa ngắm tuyết rơi, nghĩ là mình đang ở xứ thần tiên nào đây.
Sau một tháng, tôi tìm được việc làm thêm vào ban đêm, cũng là lúc giữa đông trời lạnh ngắt. Tôi phải cuốc bộ 20 phút đúng lúc dưới là băng, trên là tuyết, vào 2 giờ sáng để về phòng. Lúc đó tự dưng tôi nhớ tới cái câu chuyện mà hồi nhỏ không gì làm ấn tượng. Nếu ai phải ở dưới thời tiết đó mà không được vào nhà, không có chăn ấm, thì chỉ vài giờ đồng hồ là chết. Khi tôi nhận ra điều đó, tôi nhận ra câu chuyện không nói về việc cô bé hy vọng sống bằng hơi ấm của những cây diêm nhỏ, mà nó nói về cách cô bé chết. Cô bé không quẹt những chiếc diêm lên để sưởi, mà cô bé chỉ quẹt diêm lên để nhìn. Vì thế mà tác phẩm chỉ nói một câu về hơi ấm ban đầu, nhưng dành cả câu chuyện để nói về những hình ảnh cô bé thấy. Đó hóa ra không phải là câu chuyện về sự chiến thắng cái chết, mà là câu chuyện về những khoảnh khắc, những niềm vui và những hy vọng khi ta còn sống.
Khi tôi nhìn thấy các chàng trai của chúng ta ra sân đầy tuyết phủ kín, tôi đã xác định tinh thần là họ sẽ thua. Có lẽ có những người trong số họ còn chưa biết đến tuyết bao giờ. Họ không biết phải xử lý với trời lạnh thế nào. Họ sẽ mệt rất nhanh vì hơi lạnh. Họ sẽ không biết chuyền bóng ra sao. Các bình luận viên chỉ nói một điều duy nhất họ có - giày mới đá trên sân tuyết. Tôi biết, như vậy đội tuyển của chúng ta không có cửa để thắng. Tôi chưa bao giờ có cảm giác lạ như thế khi xem trận bóng: Tôi thấy đội bạn ghi bàn, tôi không bất ngờ và cũng không buồn. Tôi chỉ tuyệt vọng như thể là đón nhận sự tất yếu vậy. Chúng ta không ở đây để thắng, mà chúng ta tới đây để sống. Nhưng rồi, bỗng dưng xem được vài phút, tôi thấy các cầu thủ ta không hề tuyệt vọng. Họ vẫn chơi và tấn công đội bạn. Họ có những cơ hội nối tiếp nhau. Tôi nhận ra, rất có thể họ sẽ không thắng, nhưng họ sẽ đá một trận bóng đẹp. Và rồi tôi thấy bàn thắng - thật tuyệt vời! Giữa trời tuyết lạnh cóng, chúng ta vẫn cố chạy. Chúng ta chảy máu mồm, nhưng vẫn chơi. Trong một trận cầu lạnh cóng không cân sức, trái bóng như cây diêm. Những cơ hội là những tia sáng bùng lên do những chàng trai bán diêm của chúng ta quẹt trong đêm. Tôi nhận ra mỗi cơ hội đều là một niềm vui, niềm tự hào, hy vọng trong mỗi cầu thủ, mỗi con người đang theo dõi trận cầu này.
Sau 119 phút, chúng ta đã thua. Cũng như cô bé bán diêm không sống sót tới sáng hôm sau. Chúng ta có 120 phút và cô bé bán diêm của chúng ta có một đêm. Người đi qua lại nhìn cô bé vào sáng mùng một: Ở một góc, ngồi dựa vào bức tường là xác một cô bé với chiếc má đỏ và miệng nhoẻn cười, đã chết cóng vào đêm cuối cùng của năm cũ. Mặt trời của năm mới chiếu vào cái xác nhỏ bé bất hạnh. Em ngồi đó, đông cứng, trên tay nắm mấy mớ diêm, trong đó có một mớ đã cháy gần hết.
“Chắc nó định sưởi ấm đây mà”, mọi người nói. Không ai biết rằng, cô bé đã tưởng tượng thấy những cảnh tượng huy hoàng như thế nào và em đã ra đi về với bà ngoại của mình hạnh phúc ra sao vào đúng ngày đầu năm mới rạng ngời.
Người ta tự hỏi, tại sao cô bé đốt diêm để sưởi lại không đốt hết. Nếu bạn đọc đến đây, tôi hy vọng bạn tự trả lời câu hỏi này được cho mình. Thế giới cũng nhìn đội tuyển Việt Nam như vậy, một đội tuyển chưa mang được tấm huy chương vàng về nhà lần này. Họ cũng tự hỏi, tại sao chúng ta cố được 119 phút mà không cố được 120. Nhưng họ không thấy những điều chúng ta thấy. Họ không thấy ở những ngôi làng nghèo khó có những người yêu, người vợ, bố mẹ, ông bà, làng xóm đi thịt trâu, thịt bò mang trống ra đánh để cổ vũ cho những chàng trai này. Mọi người trong nhà, ngoài phố những ngày này đều nhân hậu, tử tế với nhau. Nhưng chúng ta thì hiểu điều đó có nghĩa là gì, vì chúng ta đã nhìn thấy những điều huy hoàng ra sao. Chưa bao giờ cả dân tộc lại cùng đặt hy vọng, nhìn thấu một việc, mong mỏi một điều, định nghĩa được mình như thế. Bạn đã cổ vũ cho những cầu thủ đá bóng đó cũng như triệu người, bất kể bạn ở trong nước hay nước ngoài, tây hay ta, Việt Nam hay Việt kiều, giàu sang hay nghèo khó, quan điểm chính trị như thế nào. Đội tuyển của chúng ta không cần phải thắng để chúng ta thấy điều đó. Đó là một câu chuyện đẹp sẽ mãi được kể lại. Tôi chắc chắn rằng, những cầu thủ trẻ của ta chắc mai sau cũng sẽ kể lại về trận bóng đầy tuyết này cho người thân, họ hàng, con cái, rồi cháu mình nữa với niềm tự hào lớn lao.
Người Việt chúng ta là một dân tộc khiêm tốn: người không to cao, đất đai không màu mỡ, rừng không nhiều, biển không lớn, lịch sử có nhiều điều đau thương, không giàu có như nhiều người dân ở những quốc gia khác. Nhưng khi đội bóng của chúng ta chơi trong trời tuyết, đó là giây phút tôi cảm thấy niềm tự hào là người Việt. Ở nước ngoài theo dõi về nhà, tôi chưa từng thấy khi nào cả nước có sự đoàn kết, lạc quan, tự tin tới mãnh liệt như vậy. Tôi nghĩ, kết quả là một phần - một phần quan trọng khác là làm sao tới được kết quả đó. Vì thế, không phải thất bại nào cũng nên buồn và không phải chiến thắng nào cũng nên vui. Lần này, chúng ta chưa thắng hẳn, nhưng chúng ta nên vui. Chúng ta không luồn cúi cũng không trách thân phận, chỉ có thể chơi theo luật, thế mà vẫn chơi đẹp và xếp đầu bảng. Khi người Việt có niềm tin (không chỉ ở bóng đá) chúng ta là những người làm được, gắng được, cạnh tranh đàng hoàng với mọi người khác được, thì chúng ta sẽ đi rất xa, rất nhanh thôi.
Tôi đã sống được 30 năm và cũng đã chờ đợi 30 năm cho một chiếc huy chương vàng. Lần này, chúng ta đã có người, có sức, có chiều cao, có phong độ, mà chỉ chưa biết cách giữ ấm, thì lần sau chúng ta sẽ biết giữ ấm và chắc chắn lần sau chúng ta sẽ trải qua một đêm giá lạnh an toàn. Đội tuyển chúng ta đã viết một câu chuyện đẹp cho họ. Tôi cũng đang cố gắng viết câu chuyện hay cho đời mình. Tôi tự tin vào điều đó.