
Hỏi: Tôi đọc báo thấy nói đến tu chính án trong hệ thống luật pháp Mỹ. Vậy xin hỏi tu chính án là gì, vai trò của nó và quá trình hình thành ra sao?
Nguyễn Bình (Quận 1, TPHCM)
MẠNH KIM: Hiến pháp Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (được chuẩn y năm 1788) có tổng cộng 7 điều luật (với vỏn vẹn khoảng 4.500 từ viết trên 5 trang) và 27 tu chính án (amendment). Điều I nói về cơ chế lập pháp (chế độ lưỡng viện Quốc hội…); Điều II qui định cơ chế hành pháp (quyền hạn tổng thống…); Điều III nói về cơ chế tư pháp; Điều IV nói về quyền hạn và giới hạn của chính quyền tiểu bang cũng như quan hệ tiểu bang với chính phủ liên bang (cấp trung ương); Điều V nói về nguyên tắc và qui định trong tiến trình soạn thảo và thông qua tu chính án; Điều VI nói về sự điều phối và tuân thủ các bộ luật cũng như qui định trong Hiến pháp (tất cả thượng nghị sĩ, dân biểu, thành viên một số bộ máy lập pháp tiểu bang, tất cả viên chức hành pháp-tư pháp… phải tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp); Điều VII qui định sự phê chuẩn các nguyên tắc hành xử trong Hiến pháp (toàn bộ Hiến pháp nguyên thủy lẫn 27 tu chính án chỉ gồm hơn 7.600 từ).
Vài năm sau khi Hiến pháp nguyên thủy ra đời, nhu cầu thực tế cho thấy Hiến pháp cần được bổ sung và điều chỉnh. Vậy là 12 dự thảo tu chính án đã đề nghị, tính đến năm 1789. Tuy nhiên, chỉ 10 dự thảo tu chính án được thông qua (ngày 15-12-1791), gọi chung là “Bill of Rights”. Trong đó, Tu chính án I qui định quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận…; Tu chính án II qui định quyền được mang vũ khí… Tiếp đó, năm 1795, Quốc hội thông qua Tu chính án XI (qui định quyền hạn tư pháp đối với công dân nước ngoài…); Tu chính án XII (1804 – thay đổi phương pháp bầu cử tổng thống theo nguyên tắc cử tri đoàn); Tu chính án XIII (1865 – hủy bỏ chế độ nô lệ); Tu chính án XIV (1868 – định nghĩa tư cách công dân quốc tịch Hoa Kỳ); Tu chính án XV (1870); Tu chính án XVI (1913); Tu chính án XVII (1913); Tu chính án XVIII (1919); Tu chính án XIX (1920); Tu chính án XX (1933); Tu chính án XXI (1933); Tu chính án XXII (1951); Tu chính án XXIII (1961); Tu chính án XXIV (1964); Tu chính án XXV (1967); Tu chính án XXVI (1971); Tu chính án XXVII (1992).
Hầu hết tu chính án đều được thông qua sau thời gian ngắn được đề nghị nhưng cũng có tu chính án trải qua nhiều năm mới có thể áp dụng, chẳng hạn Tu chính án XXVII – được đề xuất lần đầu tiên ngày 25-9-1789 nhưng mãi đến ngày 5-7-1992 mới được chuẩn y. Tính từ năm 1789 đến nay, hơn 10.000 dự thảo tu chính án đã được bàn tại Quốc hội. Vài thập niên gần đây, trung bình một năm Quốc hội (Congressional year), 100-200 dự thảo tu chính án được đề cập.
Theo Điều V Hiến pháp nguyên thủy, tiến trình soạn, đề nghị, và thông qua tu chính án được thiết lập bằng hai bước. Bước một là sự đề xuất tu chính án. Việc này được thực hiện bằng hai cách. Theo cách một, Quốc hội có thể đề nghị một tu chính án với 2/3 phiếu thuận trong Thượng viện lẫn Hạ viện; theo cách hai, việc đề nghị tu chính án cần có tỉ lệ ý kiến thống nhất của 2/3 bộ máy lập pháp các tiểu bang (tức 34/50 tiểu bang thời điểm hiện tại) sau đó đệ trình Quốc hội để tổ chức hội nghị quốc gia (tính đến năm 2007, tất cả tu chính án trong Hiến pháp Mỹ đều được thông qua bằng cách một).
Theo cách nào đi nữa, nguyên tắc ra đời tu chính án vẫn phải bám vào sườn của Hiến pháp nguyên thủy; nội dung tu chính án hoàn toàn không mâu thuẫn với nội dung Hiến pháp nguyên thủy và tất nhiên tu chính án có giá trị như một điều luật trong Hiến pháp. Bước hai là tiến trình chuẩn y.
Một tu chính án chỉ có thể ra đời nếu được phê chuẩn của ¾ tiểu bang (tức 38/50 bang); một số tiến trình chuẩn y có khi kèm theo qui định thời gian tối đa (thường là 7 năm) để hạn chế tình trạng kéo dài của một số qui trình thông qua tu chính án (chẳng hạn Tu chính án XXVII). Cần nhấn mạnh, tổng thống Hoa Kỳ gần như không có vai trò gì trong quá trình hình thành một tu chính án (không được đề xuất cũng như phủ quyết).
Tính đến nay, trong 33 dự thảo tu chính án được thông qua tại Quốc hội (trong đó có 27 tu chính án kể trên), 6 dự thảo đã không bao giờ được áp dụng bởi không nhận được đủ ¾ tỉ lệ ủng hộ cấp tiểu bang.
Một số dự thảo tu chính án thời gian gần đây gồm: Quốc hội khóa 109 (2005-2006) – Cho phép công dân không sinh tại Mỹ được tranh cử và trở thành tổng thống nếu họ nhập tịch Mỹ 20 năm trở lên; Quốc hội khóa 108 – Hạ thấp tuổi tối thiểu của ứng cử viên dân biểu (từ 30) và thượng nghị sĩ (từ 25) xuống còn 21; Cho phép công dân tại các lãnh thổ thuộc Mỹ được bầu tổng thống Mỹ; Quốc hội khóa 106 – Đề xuất phương pháp mới trong việc thông qua tu chính án (chỉ cần tỉ lệ ủng hộ 2/3 tiểu bang chứ không phải ¾); Quốc hội khóa 104 – Xem lại ý nghĩa của Tu chính án II (cho phép công dân sở hữu vũ khí)…