Sáng 10-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ ngành đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. TPHCM hiện có hơn 1.800 đơn vị sự nghiệp công lập và gần 20.000 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nên việc sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý, tài chính là một bài toán khó. Đã vậy, với sự phát triển ồ ạt dân số cơ học, muốn giảm các đơn vị sự nghiệp công lập là điều không dễ.
Biên chế đông, Nhà nước không thể gồng gánh
Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cả nước có 2,1 triệu biên chế ở các đơn vị sự nghiệp là quá đông, quá phức tạp. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, năm 2016 TPHCM giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 118.600 người, dự phòng 1.200 người nhưng do dân số cơ học tăng, nhu cầu học tập của trẻ cũng tăng nên TP phải bổ sung hơn 3.700 giáo viên cho các trường. Hiện TP chỉ có 172 đơn vị tự chủ được tài chính, 183 đơn vị ngân sách bao cấp toàn bộ và các đơn vị khác chỉ mới tự chủ được một phần.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ ra con đường giảm biên chế bằng cách đẩy nhanh đổi mới cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công, cụ thể là tiến hành xã hội hóa. Và mục tiêu bao trùm trên hết là làm sao để phục vụ người dân tốt hơn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Với số lượng đơn vị sự nghiệp hiện nay của TP là nhiều hay ít, có đáp ứng được yêu cầu không? Có nên xã hội hóa các dịch vụ này? Ví dụ, các trạm y tế xã phường có cần biến thành y tế gia đình không? Phòng khám đa khoa khu vực gần các trạm y tế phường có chồng chéo, chồng lấn làm tăng số lượng nhân sự không?
Phó Thủ tướng cũng gợi ý, tại sao các trường không sử dụng kế toán chung để giảm nhân sự. Hay như mô hình ở tỉnh Quảng Ninh, trường học gần trạm y tế thì không dùng biên chế y tế cho trường mà dùng dịch vụ của trạm y tế. Đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, phải nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm được chi phí thì mới cải cách được tiền lương.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, cần quy hoạch sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cho hiệu quả hơn. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ giao cho các đơn vị tự quyết tỷ lệ tiền trích ra làm lương cho đơn vị, sau khi chi theo mức cơ bản, thì chia theo thu nhập tăng thêm.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Phó ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương, giao quyền tự quyết cho địa phương. Còn ở TPHCM cần tiến tới đổi mới trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa dịch vụ công. Nhà nước chỉ làm những gì xã hội không làm, còn cái gì xã hội làm được thì để xã hội làm. Phải đẩy nhanh cơ chế cạnh tranh thì mới nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng ý giải pháp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy mạnh thí điểm tự chủ tài chính bằng hình thức xã hội hóa. Tách chức năng quản lý nhà nước với dịch vụ công. Nhà nước chỉ cung cấp dịch vụ thiết yếu. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục trùng lắp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Giáo dục, y tế “gánh” dân số cơ học
Giám đốc Sở Tài chính TP Phan Thị Thắng cho biết, trong số hơn 1.800 đơn vị sự nghiệp công lập của TP thì số tăng nhiều nhất là ở khối giáo dục. Nhưng xã hội hóa trong giáo dục gặp nhiều khó khăn nhất vì cấp tiểu học Nhà nước phải bao cấp, các cấp khác phải cho trường được quyền tự quyết mức thu thì mới đủ bù đắp chi phí. Đã vậy, TP còn phải “gánh” luôn cả dân số cơ học tăng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, riêng quận Bình Tân theo hộ khẩu chỉ có 250.000 dân nhưng thực tế có đến 800.000 dân. Số dân nhập cư này kéo theo lượng học sinh tăng. Nhu cầu về giáo dục là rất lớn, học sinh và nhà trường, giáo viên đều tăng theo nhu cầu để đáp ứng lượng tăng 60.000 học sinh/năm. Hiện TP có hơn 290.000 học sinh không có hộ khẩu. “Dù là dân ở đâu thì TP cũng phải lo, không thể để trẻ thất học được”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói.
Về y tế, năm 2018 TP sẽ chuyển 50/53 bệnh viện tự chủ 100%. Trong số 322 trạm y tế xã phường hiện nay đã có 170 trạm y tế khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm, số còn lại đang bổ sung nhân lực để khám bảo hiểm y tế cho người dân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, TP có các trung tâm, bệnh viện, cơ sở chữa bệnh sát nhau thì có cần thiết phải giữ các trạm y tế phường - xã?
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho đó là cần thiết vì trạm y tế là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, là nơi tiêm chủng, dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, nên dù trạm y tế gần bệnh viện đi nữa thì nó vẫn có chức năng riêng, với chi phí hợp lý. Do vậy, phải tiếp tục đầu tư xây dựng mạng lưới y tế cơ sở. “Chúng ta xây dựng bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng cung ứng dịch vụ y tế không tốt thì cũng không hiệu quả. Vấn đề là làm sao để nâng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh như đưa cán bộ giỏi xuống trạm y tế, thu hút người dân tham gia. Khi y tế cơ sở tốt thì sẽ giảm tải cho tuyến trên”, ông Tuấn nói.
Đổi mới mô hình sự nghiệp công, Trạm Y tế phường 11 (quận 3, TPHCM) đã thí điểm mô hình kết hợp công - tư trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ông Võ Khắc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho biết, với cơ sở cũ thì trạm y tế phường chỉ có vài bác sĩ và không có máy móc thiết bị hiện đại. Sau khi tiến hành thí điểm hợp tác, một đơn vị bên ngoài tham gia đầu tư 20 tỷ đồng để trang bị máy móc thiết bị, nâng số lượng bác sĩ lên 12 người, với mức lương cao hơn 1,5 - 2 lần so với trước. Người dân đến trạm y tế có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm y tế như trước hoặc có thể sử dụng cả dịch vụ cao cấp như phòng chụp X-quang, xét nghiệm máu…
Nhận xét về mô hình xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng sẽ giúp cho đơn vị tự chủ sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động. Đơn vị chủ động xây dựng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả hơn và giảm nguồn chi ngân sách. UBND TP cũng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho UBND TP được xác định mức trích nguồn thu để lại cho đơn vị, được quyền tự quyết định số lượng viên chức và cho phép giải thể các đơn vị theo yêu cầu thực tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sẽ trình đề án cho Trung ương để tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, cải cách tiền lương và nâng cao chất lượng dịch vụ công tốt hơn.