Những diễn biến bất thường về môi trường, khí hậu, thực phẩm và các nguồn dịch lây lan như hiện nay làm cho người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật thuộc loại nan y. Trong các chi phí cho cuộc sống hàng ngày, chi phí khám chữa bệnh đang trở thành gánh nặng của nhiều gia đình. Trong đó, tiền thuốc men luôn chiếm khoảng hơn 80% chi phí này. Hàng năm, cả nước phải chi ra hàng tỷ USD để nhập khẩu các loại thuốc chữa bệnh, nhất là những loại thuốc đặc trị mà trong nước chưa sản xuất được. Tuy nhiên, ngay cả những loại thuốc thông thường mà các doanh nghiệp dược trong nước có thể sản xuất nhưng cũng không đủ năng lực cung ứng cho nhu cầu của cả nước. Đó là một thực tế nhức nhối mà nhiều năm qua chúng ta chưa khắc phục được.
Để giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình họ, Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định phải thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cho cả nước hoặc từng địa phương. Việc đấu thầu thuốc tập trung có một số ưu điểm, song cũng có những nhược điểm khó khắc phục. Chẳng hạn có thể xảy ra những tiêu cực thiếu công bằng trong cho điểm trúng thầu; những doanh nghiệp trúng thầu với số lượng rất lớn (giá rẻ), nhưng không đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu toàn quốc sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc điều trị.
Trong khi đó, doanh nghiệp trúng thầu trở thành đơn vị độc quyền cung ứng thuốc được trúng thầu - một nhược điểm rất nguy hại đã từng tồn tại nhiều năm của thời kỳ bao cấp… Mặt khác nếu thực hiện triệt để đấu thầu thuốc tập trung, hàng trăm bệnh viện trên cả nước, trong đó có những bệnh viện tuyến cuối - vốn luôn luôn quá tải - sẽ phải chịu áp lực vô cùng lớn và hậu quả khôn lường khi không chủ động được nguồn thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế cần thiết.
Trong hoạt động của ngành y, vấn đề đặt lên hàng đầu là hiệu quả điều trị bệnh chứ không phải chỉ là vấn đề giá rẻ, chi phí thấp. Theo yêu cầu của từng ca bệnh, các bệnh viện cần được tự chủ trong xác định phác đồ điều trị cũng như thuốc men và trang thiết bị y tế để có thể chữa bệnh hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Theo quan điểm đó, trong quản lý nhà nước cũng như trong giám sát việc thực hiện các dự luật cần phải tạo điều kiện cho các bệnh viện được tự chủ ở mức cao nhất.
Khi các bệnh viện được trao quyền tự chủ, họ sẽ phát huy được sự sáng tạo trong điều trị cũng như trong chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Điều đó có nghĩa là việc đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế tập trung không nên áp dụng một cách máy móc, mà cần có sự nghiên cứu và vận dụng một cách linh hoạt, cụ thể ở một số loại thuốc và trang thiết bị nhất định. Vì vậy nên trao cho các bệnh viện và cơ sở y tế quyền tự chủ rộng rãi trong mua sắm thuốc men và thiết bị điều trị phù hợp với điều kiện của từng bệnh viện, cơ sở y tế. Còn các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát các bệnh viện và cơ sở y tế nhằm hạn chế tiêu cực trong việc mua sắm trang thiết bị và thuốc men. Điều đó hoàn toàn không làm vô hiệu hóa những quy định của luật pháp về đấu thầu mà càng làm cho pháp luật đi vào cuộc sống một cách thiết thực hơn.
Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm: Khi các bệnh viện và cơ sở y tế được trao quyền tự chủ triệt để sẽ tạo thị trường phong phú cho các doanh nghiệp dược trong nước phát triển. Kết hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang ngày càng lan tỏa sâu rộng, sẽ giúp doanh nghiệp dược trong nước từng bước vươn lên cạnh tranh với các tập đoàn dược nước ngoài.
Thời gian qua, mặc dù các doanh nghiệp dược nội địa đã có nhiều cố gắng để trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại và đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt). Tuy nhiên, để tạo cú hích cho doanh nghiệp dược trong nước, rất cần sự hỗ trợ từ chính các bệnh viện để có thể giúp họ phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các hãng dược khổng lồ các nước đang bủa vây thị trường hiện nay
PHAN LỘC