Cả tuần nay, ngay cả người trong giới xuất bản cũng ngơ ngác hỏi nhau có thật sự Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GD) lỗ mỗi năm 40 tỷ đồng do phải “độc quyền” in ấn, phát hành sách giáo khoa (SGK). Có người giải thích lỗ như vậy là đúng vì giá bán 1 cuốn SGK chỉ hơn 10 ngàn đồng thì trừ đầu, trừ đuôi các chi phí gia tăng theo cấp số nhân, số lỗ vậy là “còn ít”, tuy nhiên đa phần chỉ cười trừ: họ giỏi khi thực hiện “siêu hạch toán” khiến cả thanh tra, kiểm toán cũng phải đồng ý “lỗ là lỗ thật”.
Mọi sự chỉ “vỡ ra” khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã minh bạch hóa các con số lỗ 40 tỷ đồng nhưng chi phí chiết khấu hàng năm lên đến 250 tỷ đồng (!), chiếm 25% doanh thu hàng năm (1000 tỷ đồng) và các đại biểu của dân cũng lại ngơ ngác hỏi nhau “ là sao? chúng đi về đâu?”. Tất nhiên là khó biết vì mạng lưới in ấn và phát hành SGK cũng chằng chịt, rối rắm như đường đi nước bước của viên thuốc trong lưu thông dược phẩm. Điều đáng nói là với chiếc đũa thần - Nghị quyết 88 của Quốc hội - quy định “một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa”, thì liệu hàng chục NXB cả nước có được dự phần trong bữa tiệc thịnh soạn mang tên SGK?
Không hề dễ ăn - đó là khẳng định của giám đốc một NXB vốn chỉ kinh doanh sách ở mảng khác. Theo nguồn tin của ông, ở nước ngoài SGK và giáo trình học tập là một thị trường rộng lớn, có chất lượng in tốt, đẹp, giá thành đắt đỏ, “tuy nhiên ở Việt Nam, nói về thị trường này thì quả là khó. Tôi nghĩ đó là một thị trường lớn, nhưng không phải ai cũng có thể làm được”, - ông giám đốc đúc kết. Lại nói về khoản lỗ 40 tỷ đồng/năm mà NXB GD phải “chắt bóp” từ các nguồn khác, trong đó không loại trừ bán kèm sách tham khảo (giá đắt) theo kiểu “bán bia kèm lạc”, nhiều người cho rằng chuyện lỗ có thật và dù độc quyền vẫn lỗ như thường. Nguyên nhân chính vẫn là… NXB không được phép quyết định giá sách, mà do nhà nước kiểm soát giá, giống như việc bình ổn giá xăng dầu, điện. Và đó là bất lợi lớn khi biết rằng giá giấy thời gian gần đây tăng khoảng 30% so với trước đây, dẫn tới chi phí làm sách tăng. Nên chuyện làm SGK không hề dễ như nhiều người lầm tưởng. Bởi vậy, không có chuyện “người người làm sách, nhà nhà làm sách” và hiện tại cùng với NXB GD, chỉ có thêm 4 NXB khác được phép làm SGK. Và điều đó cũng cho thấy, mảng SGK có đặc thù riêng, không thể tự nhiên nhảy cóc từ một dòng sách khác sang làm sách cho nhà trường.
Một con số khác cũng đáng lưu tâm: Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy số lượng SGK phổ thông đã in, phát hành giai đoạn 2012 - 2017 tương đối ổn định (trên 100 triệu bản/năm) và chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 30% tổng xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN (mô hình trường học mới) và tài liệu công nghệ giáo dục, số này chiếm đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước. Nghĩa là, các dòng sách khác như sách văn học, sách phổ biến kiến thức, sách thiếu nhi… chỉ chiếm lượng nhỏ nhoi, bằng số lẻ của NXB GD và đó là điều hết sức đáng lo. Và không đáng lo sao được khi đặt 2 con số (tất nhiên có khập khiễng) cạnh nhau: mỗi năm doanh thu bán SGK khoảng 1.000 tỷ đồng và mỗi năm mỗi người đọc chưa tới 1 cuốn sách. Có gì đó phi lý khi phần không nhỏ sách chỉ sử dụng 1 lần rồi trở về với kiếp giấy vụn, trong khi các loại sách khác vẫn trường tồn, vẫn được gìn giữ nâng niu từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Năm ngoái, cũng thời điểm này, người viết có dịp dự 30 năm hội chợ sách quốc tế Moskva và cảm nhận phần nào sức đọc của “cường quốc đọc” như người ta nói về nước Nga. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi minh họa cho thấy “sách là tất cả” với người Nga: trên chuyến tàu tốc hành Sapsan chạy tuyến Moskva - Saint Petersburg (chạy hơn 800km hết 4 giờ), tôi vô tình nhìn sang bàn kế bên và thấy 3 người đàn ông ngồi cùng nhau, có vẻ họ là bạn bè cùng đi du lịch. 1 người trong số họ, nhìn khá rõ từ chỗ ngồi của tôi, có tửu lượng khá tốt khi vừa hết lon bia bự (cỡ nửa lít) lại bật mở lon khác và vẫn cắm đầu vào đọc cuốn tiểu thuyết khổ lớn. Nghĩa là vừa đọc vừa uống như ta thường nói “làm 2 trong 1”. Khi tôi viết xong dòng ghi nhận trên cái iPad mang theo và đứng lên thì phát hiện ra anh ta đã đọc đến trang thứ 47. Hết sức ấn tượng!
Như người ta hay nói, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng vẫn phải so sánh để ước ao được thoát khỏi danh hiệu “cường quốc SGK” với bao lời đàm tiếu về “lợi ích nhóm”, về sự lãng phí không tưởng tượng nổi trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, còn chắt chiu từng đồng để bứt phá trong cuộc đua cách mạng công nghiệp 4.0. Và ước gì có 1 năm nào đó chúng ta tôn vinh, đặt cho năm đó là “năm văn hóa đọc” hay “năm sách”… vì dù gì thì có thêm một tiệm sách sẽ bớt đi một nhà tù… Hay đơn giản hơn chúng ta sẽ lập ra các giải thưởng sách thiếu nhi, sách tuổi 20, sách văn học có trị giá giải thưởng cả chục tỷ đồng, tất nhiên là bằng nguồn xã hội hóa, để khích lệ sáng tạo thật sự. Làm có tâm, có tầm chứ không phải làm loại “mì ăn liền”, loại “xài 1 lần” như làm SGK thời gian qua.