Tự hào dòng máu “con Lạc - cháu Hồng”

“Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nước - Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam luôn tự hào mang trong mình dòng máu “con Lạc - cháu Hồng”.

Tổ tông và nguồn cội là điều thiêng liêng nhất đối với mỗi người con đất Việt. Chẳng thế dù bận trăm công ngàn việc, đến ngày Giỗ Tổ, chẳng cần nhắc mà vẫn tự nhớ, chẳng cần bảo mà vẫn tự về. Từ hàng ngàn năm nay, đồng bào ta không phân biệt người trong nước hay ở nước ngoài đều trân trọng, thành kính hướng về tổ tông trong ngày Giỗ Tổ.

Vì thế, nếu coi tín ngưỡng là nét văn hóa đẹp của dân tộc, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có lẽ là nét văn hóa mang đậm nét nhất về quan niệm sống, cách đối nhân xử thế của con người Việt Nam. Tính độc đáo tiểu biểu được quốc tế thừa nhận trong “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Việc coi quốc gia - dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng có. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” với đầy đủ ý nghĩa như vậy nên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại.

Người dân Việt Nam luôn tự hào là dân tộc có tín niệm sâu sắc về giống nòi, tổ tiên. Các truyền thuyết về bọc trăm trứng, về dòng máu Lạc Hồng không chỉ gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc, mà còn là biểu hiện sâu sắc nhu cầu gắn kết cộng đồng, khát vọng tình cảm hướng tới sự đoàn kết quốc gia, được kết tinh trong 2 chữ “đồng bào”. Vì thế, di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương có đến 1.417 điểm. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ miền Nam đến miền Bắc, từ phía Đông sang phía Tây, những ngôi đền Quốc Tổ được dựng lên bằng tấm lòng thành kính, bằng ước ao được gần hơn với ông bà tổ tiên.

Hàng ngàn năm qua, vận nước có lúc thịnh, suy, nhưng ngày Giỗ Tổ năm nào cũng được tổ chức. Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung cội nguồn. Đó là một quá trình kết tinh di sản phi vật thể có giá trị hàng đầu của nền văn hóa dân tộc Việt Nam qua bao đời nay.

Giỗ Tổ là dịp để chúng ta hãy tự lắng mình, soi vào quá khứ thể hiện lòng tôn kính tổ tiên, hun đúc tình yêu quê cha đất tổ, tự hào truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vững bền và qua đó để càng trân trọng nghĩa đồng bào.

Ngày Giỗ Tổ năm nay càng trở nên ý nghĩa hơn khi trùng với Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4. Trong 54 dân tộc anh em là 54 bản sắc văn hóa riêng, nhưng tất cả đều là “đồng bào”, anh em một nhà. Và năm nay lần đầu tiên tại các điểm thờ cúng Vua Hùng trên cả nước, nhân dân sẽ cùng thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân ơn đức tổ tiên.

Điều này thể hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - tổ tiên chung của dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ ngày càng biết trân trọng và giữ gìn những thành quả mà ông cha để lại, tự hào về quá khứ thiêng liêng và oai hùng của dân tộc. 

MAI AN

Tin cùng chuyên mục