
Cách đây đúng 50 năm, tại một cánh rừng ở chiến khu giải phóng Củ Chi, đơn vị C.13 - tiền thân của Trung đoàn Gia Định, lực lượng vũ trang đầu tiên của TPHCM đã ra đời. Qua 50 năm chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn Gia Định anh hùng luôn là niềm tự hào của người dân TP mang tên Bác kính yêu…
- Quá khứ hào hùng
“Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm” chính là truyền thống của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Gia Định trong suốt 50 năm qua. Ra đời ngày 30-5-1959 ở “đất thép thành đồng” Củ Chi - cái nôi của cách mạng - ngày đầu mới thành lập, trung đoàn được giao nhiệm vụ là đơn vị chủ lực hoạt động khắp các vùng bưng của Chợ Lớn - Gia Định. Với phương châm linh hoạt trong mọi tình huống, xé nhỏ lực lượng và bám thắt lưng địch mà đánh, trung đoàn đã làm nên những chiến thắng vang dội từ An Nhơn, Bàu Lách, Gò Nổi đến Phú Hòa Đông, Suối Cụt…
Trung đoàn Gia Định tiền thân là C13 - Tiểu đội bảo vệ Thành ủy Sài Gòn, thành lập ngày 30-5-1959. Trong quá trình chiến đấu, do yêu cầu nhiệm vụ, C13 đổi tên thành K17, rồi tiếp theo là Tiểu đoàn Quyết Thắng. Từ 1975, Tiểu đoàn Quyết Thắng đổi thành Trung Đoàn Gia Định. Trong 50 năm hình thành, phát triển, Trung đoàn Gia Định có 4 tập thể và 8 cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 Huân chương Thành đồng, 9 Huân chương Quân công, 264 Huân chương Chiến công do những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. |
Truyền thống vẻ vang lúc đó đã được quân và dân cả miền Nam biết đến qua danh hiệu “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm” mà Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam in tặng trên lá cờ truyền thống của trung đoàn.
Trong suốt 16 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trung đoàn đã lập nên bảng vàng chiến công chói lọi: đánh thắng 627 trận, tiêu diệt hơn 30.000 tên địch, tiêu diệt 21 tiểu đoàn, 37 đại đội, 3 phân chi khu, đồn bót, bắn rơi 92 máy bay và 36 tàu chiến địch…
Sau khi miền Nam được hoàn toàn thống nhất, trung đoàn tập trung vào nhiệm vụ giúp dân sản xuất, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương. Hình ảnh những chiến sĩ trẻ tuổi giúp dân gặt lúa, làm đường giao thông đã trở nên quá đỗi gần gũi và thân thiết… Nhưng, hòa bình chưa được bao lâu thì ở biên giới Tây Ninh, tập đoàn diệt chủng PolPot xua quân tràn qua, giết người cướp của. Máu đồng bào ta đã đổ. Những chiến sĩ Trung đoàn Gia Định lại khoác ba lô lên đường ra trận…
Ở những trận chiến đấu trên biên giới, Trung đoàn Gia Định đã lập nhiều chiến công, góp phần giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng PolPot. Sau đó, cán bộ chiến sĩ trung đoàn lại cùng với các đơn vị bộ đội tình nguyện bắt tay giúp nhân dân Campuchia xây dựng lại cuộc sống. Những con đường mới, những lớp học mới mở, hàng ngàn người dân được trung đoàn hỗ trợ, khám chữa bệnh, cứu đói đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về anh bộ đội Việt Nam trong lòng người dân Campuchia.

Thiếu tướng Phan Tấn Tài, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP kiểm tra công tác chuẩn bị mô hình học cụ phục vụ huấn luyện năm 2009 ở Trung đoàn Gia Định.
- Nơi trui rèn bản lĩnh
Đã từng có một thời, thanh niên, nhất là các bạn trẻ ở TPHCM nghĩ rằng chiến tranh qua rồi nên chỉ cần cố lo học tập- “thế là đủ”. Nhưng, quan điểm đó bắt đầu thay đổi khi ngày càng có nhiều thanh niên tình nguyện đi bộ đội để bồi đắp lý tưởng sống và trui rèn bản lĩnh. Ở Trung đoàn Gia Định anh hùng, chúng tôi đã gặp nhiều chiến sĩ như thế.
Hầu hết các chiến sĩ trẻ ở đây đều nói rằng từ ngày khoác áo lính ai cũng thấy mình trưởng thành hơn. Mấy tuần đầu mới nhập ngũ, lính trẻ nhớ nhà đến quay quắt.
Huỳnh Tấn Tâm (24 tuổi, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2) kể: “Ở nhà, tôi vốn là “cậu ấm” quen được cưng chiều, đến bộ đồ mặc trên người cũng không biết giặt nhưng vào đây ở tập thể, sinh hoạt đồng đội nên riết rồi tôi đã biết làm nhiều việc hơn, đặc biệt là tính kỷ luật”. Trước khi khoác áo lính, Tâm đã từng đi làm nhưng môi trường quân đội vẫn cứ thu hút anh: “Tôi không băn khoăn vì đã bỏ công việc nhẹ nhàng lương tháng hậu hĩ mà còn cảm thấy tự hào vì được làm nghĩa vụ của thanh niên với đất nước. Tôi tin những gì học được ở đây sẽ giúp ích cho tôi sau này”- Tâm tâm sự.
Chiến sĩ Nguyễn Bình Đẳng, nhập ngũ tháng 3-2008 thì vui vẻ: “Được học tập và rèn luyện tại một đơn vị anh hùng, tôi càng thấy rõ niềm tự hào và trách nhiệm của mình trong việc tham gia đóng góp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Tất cả những chiến sĩ ở đại đội của tôi đều yên tâm tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ trên giao. Trong đó, không ít bạn đã quyết tâm phục vụ lâu dài trong quân đội. Đây chính là môi trường và cơ hội để chúng tôi rèn luyện và trưởng thành”.
Mấy hôm nay, đông đảo cán bộ - chiến sĩ của trung đoàn đang ráo riết chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại. Cảnh quan doanh trại dưới bàn tay chăm sóc của các chiến sĩ đã đẹp lên từng ngày. Khuôn viên đơn vị rộng rãi, thoáng mát, những hàng cây kiểng, bon sai đẹp mát, hệ thống vườn rau thanh niên, ao cá tăng gia luôn gọn gàng, sạch sẽ là những công trình thanh niên được cán bộ chiến sĩ trung đoàn thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm truyền thống.
Không những thế, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng ngày lễ trọng đại của trung đoàn. Trong đó, phong trào thi đua “Sáng mãi Điện Biên - Mỗi ngày một việc tốt” đã thu hút đại bộ phận chiến sĩ của đơn vị tham gia.
Đại úy Nguyễn Đình thủy, trợ lý pháo binh - người vừa được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng bằng khen về thành tích trong đợt thi đua này chia sẻ: “Mỗi ngày một việc tốt” không nhất thiết phải là công việc lớn lao mà chỉ cần một việc nhỏ nhưng có sức lan tỏa, lôi kéo được nhiều người tham gia mới là quan trọng.
Là đơn vị sẵn sàng cơ động chiến đấu bảo vệ TP, song trung đoàn vẫn không quên công tác dân vận giúp dân ở các địa phương. Những “con đường lính”, những con đê đầy ắp nghĩa tình quân dân, những chuyến hành quân “về làng” của cán bộ chiến sĩ trung đoàn đã mang sinh khí mới đến những vùng quê nghèo. Đúng như lời Thiếu tá Lê Thanh Sơn, Chủ nhiệm chính trị trung đoàn tâm sự: “Chúng tôi luôn cố gắng phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gương mẫu, đúng đắn, chân tình, để làm sao bất cứ nơi đâu cũng là “đi dân nhớ, ở dân thương”. Còn Thượng tá Lê Vạn Sáng, Phó Chính ủy trung đoàn thì cho rằng: “Mỗi bước chân và mỗi công trình của những chiến sĩ Trung đoàn Gia Định đều thể hiện một tấm lòng và tình quân dân gắn kết keo sơn, xứng đáng với thế hệ cha anh, những người đã “xây móng đắp nền” nên truyền thống vẻ vang của trung đoàn”.
50 năm qua, ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng của Trung đoàn Gia Định vẫn luôn ngạo nghễ tung bay. 50 năm qua, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Gia Định vẫn luôn trọn vẹn với truyền thống: “Trung đoàn Gia Định. Trung thành vô hạn. Đoàn kết một lòng. Kỷ luật nghiêm minh. Vững mạnh toàn diện. Quyết chiến quyết thắng”…
THẠCH THẢO