
Làm lạnh cho heo

Đó là sáng kiến của chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở khu chăn nuôi thuộc ấp Lung Đồng, xã Phú Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long. Ở đây chuồng 30 con giống đực nhập ngoại từ Mỹ, Pháp, Bỉ… gần như cách ly hoàn toàn với bên ngoài, sạch sẽ, thoáng mát (ảnh), có máy phun thuốc sát trùng chuồng trại thường xuyên.
Một đầu chuồng có 4 quạt lớn hút khí, một đầu là hệ thống nước chảy từ trên cao xuống để đưa hơi nước vào chuồng khi độ ẩm bên trong thay đổi, giữa chuồng có bộ phận cảm nhiệt để luôn giữ nhiệt độ bên trong chuồng không dao động. Với hệ thống tự động đó, nhiệt độ, ẩm độ chuồng heo luôn giữ ở mức ổn định, đảm bảo sức khỏe của đàn đực giống.
Tại đây còn có máy đo lượng tinh trùng và kính hiển vi kiểm tra hoạt lực tinh trùng sau khi heo xuất tinh. Qua đó có cơ sở đảm bảo một liều tinh gieo đạt 4 tỷ con tinh trùng với sức sống tốt, khả năng phối tinh đạt kết quả cao - một phương pháp khoa học thay cho tình trạng thụ tinh “áng chừng” lâu nay.
NGUYÊN VẸN
Cá lóc nướng mía xuống đường
Mới đây, vào mỗi buổi chiều, trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú, TPHCM xuất hiện gần 10 điểm bán cá lóc nướng mía (ảnh). Anh Võ Văn Bảy – một người bán - cho biết, đa số cá lóc bán ở đây là cá nuôi nhưng được nướng bằng xiên mía nên sau khi nướng mía thấm qua thịt cá, tạo vị ngọt thanh và thơm.
Khác với cá lóc nướng trui, cá lóc nướng mía được phết bên ngoài một lớp mỡ để vảy cá không cháy đen và giữ cho thịt cá bên trong vẫn trắng. Giá bán 40.000đ/con khoảng 1kg (có kèm theo rau sống và mắm nêm miễn phí).
Bình quân mỗi ngày một điểm bán được từ 30 – 40 con, ngày cuối tuần từ 50 – 60 con, trừ hết chi phí mỗi con cá lời khoảng 4.000đ – 5.000đ.
HOÀNG MINH
600 người mù hết mù chữ
Ông Nguyễn Khánh, Chủ tịch Thành hội Người mù TPHCM, vui mừng thông báo với Tuần san SGGP Thứ Bảy: Hiện nay Thành hội có 18 quận, huyện hội và 2 chi hội trực thuộc với số hội viên là 1.218 người. Đã có 327 triệu đồng được các ban, ngành của TPHCM xuất chi để hỗ trợ 411 người mù nghèo trong năm qua.
Đặc biệt, thư viện sách nói của Thành hội đã có đến 2.804 quyển sách (băng), trên cơ sở đó giúp cho người mù kịp thời nắm bắt thông tin, nâng cao kiến thức. Tính đến nay, đã có 600 người mù được học và đọc, viết thông thạo chữ nổi (Braille), một số đông còn có thể viết chữ thường bằng cách sử dụng máy đánh chữ (ảnh).
DIỄM QUỲNH
Nuôi ong Ý
Mấy năm gần đây, ở Bình Phước phát triển nghề nuôi ong Ý lấy mật - loài ong giống như ong ruồi được nhập từ Ý (ảnh). Hiện toàn tỉnh có khoảng 500 hộ nuôi, bình quân mỗi hộ có từ 100 – 150 đàn ong, phần lớn tận dụng tán rừng cao su để đặt thùng. Do nắm bắt kỹ thuật nuôi ong Ý được chuyển giao từ ngành nông nghiệp nên đa số các hộ nuôi khá thành công.
Anh Trần Thanh Hóa ở Suối Lam cho biết, so với nuôi ong ruồi truyền thống thì nuôi ong Ý có hiệu quả kinh tế hơn vì số ngày lấy mật ngắn, khoảng từ 12 - 15 ngày/lần, lượng mật cũng nhiều hơn. Một lít mật ong Ý trên thị trường hiện nay giá 40.000đ. Thương lái lại đến tận nơi thu mua để xuất khẩu qua nước ngoài. Vì vậy, nhiều gia đình thoát nghèo nhờ ong Ý.
TẤN NGUYỄN
Một ngày tiêu thụ 100 con heo quay!
Đó là khẳng định của ông Thái Văn Nô, Phó Trưởng ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam (Châu Đốc, An Giang), khi mùa du lịch ở Núi Sam đang bắt đầu. Theo ông, lượng khách hàng năm đến viếng chùa chiền ở Núi Sam khoảng 2 triệu lượt, chiếm 50% lượng khách du lịch đến tỉnh An Giang.
Cao điểm nhất là sau Tết Nguyên đán, từ tháng giêng đến tháng tư (Âm lịch), bình quân hàng tháng, khu du lịch Núi Sam đón khoảng 200.000 lượt khách.
Theo Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam, quanh khu du lịch này có trên dưới 10 lò heo quay, phục vụ khoảng 100 con heo quay cho du khách cúng tế hàng ngày (ảnh). Nguồn heo sống được các mối lái chở về từ các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ, Hà Nội.
Heo hơi để quay ngon phải còn sống, nặng cỡ 17kg đến 20kg (27.000đ/kg heo hơi). Khi quay xong, con heo quay còn nặng khoảng 10kg thịt, giá: 600.000đ; nếu là con heo sữa quay, giá 300.000đ-400.000đ (3kg/con)…
THÀNH ĐƯỢC
Khôi phục khu Nhà Tổ của Tổ đình Ấn Quang
Nhân lễ húy kỵ của cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Ban Quản trị Tổ đình Ấn Quang đã tổ chức khánh thành công trình xây dựng Nhà Tổ (ảnh) của Tổ đình Ấn Quang, một Di tích lịch sử cách mạng của TPHCM và cũng là trụ sở của Thành hội Phật giáo TPHCM. Tổng giá trị của công trình là 600 triệu đồng do phật tử đóng góp.
Trước đó, Tổ đình Ấn Quang đã qua 2 lần trùng tu vào các năm 1950, 1968. Được biết, năm 2006, các chùa, các cơ sở tự viện, các cơ sở trị bệnh, các trại mồ côi… trực thuộc Thành hội Phật giáo và bà con phật tử gần xa đã đóng góp trên 94.421.725.000đ làm từ thiện.
HƯƠNG LY