
Nhà dài bằng... bê tông

Ngôi nhà dài bằng gỗ truyền thống của bà con đồng bào dân tộc M’nông ở bản Jun thuộc khu du lịch Hồ Lắk, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắc Lắc nay đã được thay thế bằng vật liệu hiện đại: bê tông cốt thép (ảnh).
Theo kiểu dáng ngôi nhà dài truyền thống nhưng sàn nhà được lót gạch bông, vách sơn màu sạch sẽ, sang trọng nên nhiều bà con dân tộc ở đây cho biết, mọi sinh hoạt trong gia đình thoải mái hơn, ngoài ra, nhà xây bằng vật liệu mới ít tốn kém hơn gỗ, lại hạn chế được tình trạng phá rừng để lấy gỗ làm nhà như trước đây. Hiện nay, buôn Jun có trên 60 ngôi nhà dài thì số nhà dài xây bằng bê tông cốt thép chiếm hơn 20%.
Hiện trung bình mỗi hộ dân ở buôn Jun có trên dưới 2ha đất nông nghiệp trồng lúa và cà phê, ít nhất 2 con bò hoặc trâu… Lúa thu hoạch mỗi năm ăn không hết, bà con đem bán lấy tiền mua sắm đồ dùng kim khí điện máy hiện đại phục vụ đời sống gia đình thêm phong phú, văn minh.
Trần Huy Hùng Cường
“Tuyệt chiêu” phòng chuột

ĐBSCL đang bước vào mùa lũ, đó là thời điểm chuột “di cư” làm ổ trên cây dừa và gây hại dừa non. Để ngăn ngừa dịch chuột phá hại, nông dân Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre,… nghiên cứu ra “tuyệt chiêu” bảo vệ dừa bằng cách dùng tôn thẳng hoặc nhựa mỏng có độ trơn bóng (chiều ngang từ 30 đến 40cm, dài tùy theo đường kính thân dừa) bao quanh thân cây dừa (ảnh) nhằm ngăn chuột làm ổ trên cây.
Nhờ sáng kiến độc đáo này 100% cây dừa được bảo vệ an toàn, thu nhập tăng lên nhờ dừa nguyên liệu năm nay xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc và Thái Lan, giá từ 2.500 đồng đến 2.800đồng/trái, tăng hơn 40% so cùng kỳ các năm trước.
Đình Cảnh
Cau vua lên phố

Hình ảnh bờ tre, hàng cau tưởng chỉ hợp với mái tranh ở quê, thì nay nhà phố với nhiều tầng cao cũng có giống cây cao tầm cỡ, có thể tạo cảnh phù hợp. Ý tưởng mới đó xuất phát từ Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, đơn vị xây dựng nhiều khu phố biệt thự ở đô thị Nam Sài Gòn.
Những cây cau vua của Pháp cao đến 15m, thuộc loại Champagn, giá mua tại TP Hồ Chí Minh đến 15.000.000 đồng/cây nhưng thật ngạc nhiên, chủ nhân cho biết, đã tìm mua được nhiều cây tại Bến Tre với giá chỉ 400.000 đồng/cây, rồi thuê xán tàu chở về. So với cau vua Đài Loan thì giá chỉ bằng nửa.
Phòng Dịch vụ kỹ thuật thuộc Công ty Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ ở các khu đô thị mới ngoại thành mà ở trung tâm thành phố, nay cũng đã có nhiều yêu cầu cung ứng hoặc chăm sóc cau vua như khu Park Hyatt Saigon sau lưng Nhà hát thành phố (ảnh) cũng là một trong những khách hàng của dịch vụ cây cảnh. Có thể mua cây cau vua con với giá 30.000 đồng/cây, nhưng để cây cao đến 10m phải mất 20 năm chăm sóc nên đa số khách mua cây đã lớn, loại có tên Đuôi chồn giá sẽ rẻ hơn.
Lê Văn Sâm
Thời trang áo cọ, dây gai

Đảm bảo bạn sẽ không “đụng hàng” khi sở hữu chiếc áo ghilê độc đáo được thiết kế theo kiểu “demen’s wing” (cánh dế mèn - ảnh) từ chất liệu thiên nhiên thuần túy: Bẹ cọ và dây gai. Để hoàn thành chiếc áo này, tác giả Vàng Phái Lồng, 36 tuổi, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đã phải “xa rượu 7 ngày: 4 ngày đi rừng bứt bẹ, 3 ngày ngồi nhà khâu”.
Hiện, trên thế giới có lẽ chỉ có 2 chiếc áo như vậy do Lồng và anh trai sở hữu. Theo Lồng thì áo mặc rất ấm nếu trời rét, rất mát nếu trời nóng, mưa không bị ướt người. Mới được Lồng diện ở 3 phiên chợ, chiếc áo đã thu hút rất nhiều người hiếu kỳ, tuy nhiên ai cũng lắc đầu khi nghe chủ nhân rao giá 120.000 đồng; còn chụp ảnh thì O.K, miễn là trả đủ 10.000 đồng/lần chụp. Bạn có thể nhìn thấy chiếc áo độc đáo này và chủ nhân của nó tại các phiên chợ Đồng Văn vào chủ nhật hàng tuần.
Bạch Liễu
“Bàn xoay kỳ bí”

Chiếc bàn gỗ cẩm lai này đã được đưa vào khai thác kinh doanh từ trên dưới mười năm qua do “nó” biết tự xoay theo lệnh của những người đặt bàn tay lên trên mặt bàn (ảnh), một hiện tượng mà khoa học chưa giải thích được (?). Để thu hút khách, một đội ngũ “cò” thường xuyên “mời” các xe du lịch đến và thêu dệt thêm nhiều câu chuyện kỳ bí về chiếc bàn xoay. Các đoàn khách đến tham quan đều được “gợi ý” bồi dưỡng tiền cho chủ chiếc bàn. Được biết, trong phạm vi TP Đà Lạt có đến 3 chiếc “bàn xoay kỳ bí”.
Hương Ly
“Cao bồi” trên núi
Với tổng đàn bò 4.450 con, xã vùng cao Ea Bar (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) hình thành nhiều trang trại chăn nuôi đại gia súc và coi đây là một trong những mũi nhọn kinh tế của xã. Vì thế, ở địa phương này đã hình thành đội quân chăn bò thuê (ảnh).

Những trang trại vài chục con như của Ma Min, Ma Khóa, Ma Lách... thì thuê một người chăn; những trang trại có hàng trăm con bò như của ông Lâm, ông Dước, ông Ngữ, ông Cương... thì phải thuê đến 3-4 người chăn cùng lúc mới xuể. Trang trại của người Kinh thì trả lương theo tháng, dao động từ 300.000 – 600.000đ/tháng; còn của người dân tộc thiểu số thì trả theo năm, bằng tiền hoặc bằng bò.
Chăn bò tháng được lương, ngày 2 lượt đi – về thong dong theo sau đàn bò, vừa có tiền vừa luyện sức, ai cũng tưởng chăn bò là khỏe! Tuy nhiên, nếu không để ý, đàn bò ăn hoặc giẫm nát hoa màu là “toi”, vừa phải đền hoa màu, vừa phải đền bò vì có không ít trường hợp chủ rẫy ức quá dùng... rựa phang các chú bò lạc. Chưa kể mùa mưa, người chăn bò phải dầm mưa cả ngày; còn nếu bò bị bệnh thì phải kiêm thêm công việc của thú y… Ai bảo chăn bò là… sướng?
Nguyễn Quốc Khương